Người quản trang trọn chữ nghĩa, vẹn chữ tình

Thu Hằng| 31/08/2019 09:56

(NSHN) - Trong 10 cá nhân tiêu biểu được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khen thưởng tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tháng 8-2019, ông Nguyễn Khánh Toàn, sinh năm 1935, là người cao tuổi nhất. Xứng danh bộ đội Cụ Hồ

Ông Nguyễn Khánh Toàn sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng, có mẹ là liệt sĩ. Tháng 7-1967, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Ông Nguyễn Khánh Toàn

Ông được phân vào đơn vị Q16, trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh, chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở Lai Khê, Bến Cát, Trảng Bàng, Đồng Dù… Tháng 8-1968, ông bị thương nặng, phải chuyển về tuyến sau điều trị. Thực tế thương tật của ông là 67% nhưng ông xin rút xuống để được ở lại chiến trường chiến đấu đến tháng 6-1976 mới phục viên.

Ông kể: “Cùng nhau trên một chiến hào, chỉ có đồng đội với đồng đội, cảm nhận cái chết gần nhau gang tấc nhưng chúng tôi vẫn yêu đời, vẫn hát vang những tình khúc Trường Sơn, những vần thơ và hứa với nhau cùng trở về. Nhưng rồi…”. 

Chứng kiến bao tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội, nỗi đau thương, mất mát của những gia đình có người thân ngã xuống, ông Nguyễn Khánh Toàn càng trân trọng giá trị của hòa bình. Được về đoàn viên với quê hương, vợ con, xóm làng, ông tự động viên phải sống thay phần đồng đội, phải làm sao để trọn chữ nghĩa, vẹn chữ tình với anh em. 

Dành cuộc đời còn lại “canh giấc” cho đồng đội

Năm 1986, ông Toàn trở về quê hương. Sức khỏe suy giảm 62%, hoàn cảnh gia đình lại nghèo khó nhưng những điều đó không cản trở ông nhận công việc trông nom cho nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Xuyên. 

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Xuyên ngày càng đẹp hơn, xanh hơn dưới bàn tay chăm sóc chu đáo của ông Toàn

Ông bảo: “Tôi nhận làm quản trang bởi trong tôi luôn nhớ thương các đồng đội; mong muốn trả ơn cho những người cô, người mẹ, người anh, người bạn đã đồng cam cộng khổ với tôi những năm tháng chiến tranh ác liệt. Mẹ đẻ của tôi từng là tình báo, đã mất và nằm lại ở đất Campuchia. Đất nước hòa bình, nhưng tôi không có điều kiện để đến tận miền Nam tri ân, chăm sóc  đồng đội. Do vậy, đây là việc duy nhất tôi có thể làm…".

Nhận thấy quanh khuôn viên nghĩa trang chẳng có nhiều cây cối, thương đồng đội phải chịu nắng mưa, ông Toàn đã tự mua và trồng lên những hàng cây xanh tỏa bóng mát cho toàn bộ nghĩa trang.

Ông kể: “Thời gian đầu đảm nhận công việc này, tôi cùng con trai trồng một số cây để phá lớp đất cứng trên bề mặt rồi trồng hoa, rẫy cỏ. Hằng ngày, chăm sóc cây xanh, dọn dẹp vệ sinh để “nhà” của anh em luôn sạch sẽ, gọn gàng. Công việc quanh đi quẩn lại chỉ có vậy nhưng điều đó làm tôi vui”.

Hơn 200 ngôi mộ liệt sĩ hằng ngày được ông Toàn chăm sóc cẩn thận.

Dưới bàn tay cần mẫn của ông, cây xanh dần dần tỏa bóng sum suê, tạo cho khu nghĩa trang trở thành một khuôn viên đẹp như một công viên. Ông bảo đây là công viên vĩnh hằng - nơi yên nghỉ của những người con Phú Xuyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với dân, với nước. 

Ông Toàn đã trồng nhiều loại cây khác nhau, có sen tỏa hương, liễu rủ bóng để làm đẹp cho nghĩa trang. Ông chia sẻ: “Tôi trồng hai hàng cau thẳng tắp hai bên đường vào giống như hai hàng lính tân binh nghiêm nghị đón khách. Trong vườn có liễu rủ bóng như người nữ dân quân tự vệ. Cây nào cũng có linh hồn của nó”. Xung quanh nghĩa trang, ông trồng những cây thuốc Nam mà ông hái lượm trên rừng để bán lấy tiền phụ thêm vào chi phí hương khói.

Ngày tháng qua đi, hơn 200 ngôi mộ liệt sĩ ở đây đều được ông chăm sóc cẩn thận. Người ta thấy ông còn nhổ cả cụm sả to, nấu nước thơm lau rửa từng phần mộ. Vào các ngày đầu tuần, mùng Một, ngày rằm và các dịp lễ, Tết, ông đi khắp nghĩa trang thắp từng nén nhang. Chưa bao giờ ông để đồng đội của mình phải lạnh lẽo. Ông còn tạo cho mỗi ngôi mộ một bồn hoa xinh xắn. Đến mùa hoa nở, các ngôi mộ rực rỡ màu sắc, lan tỏa hương thơm.

Ông Toàn luôn tự nhủ phải sống làm sao để trọn chữ nghĩa, vẹn chữ tình với đồng đội đã hy sinh.

“Những khi mưa to, gió lớn, bát hương, lọ hoa của liệt sĩ đổ vỡ, tôi phải dọn dẹp rồi sắm lại đồ thờ, thay bát hương mới cho các liệt sĩ” – ông nói. Suốt bao năm nay, nghĩa trang lúc nào cũng sạch sẽ, ấm áp. Dịp Tết Nguyên đán hay các ngày lễ lớn ông gần như ở hẳn lại đây: “Trong nghĩa trang có gần 1/3 ngôi mộ khuyết danh chưa có người thân đến chăm sóc, cũng có những ngôi mộ có danh là người gần đây nhưng gia đình vẫn xin để lại nơi này. Tất cả các đồng đội đều được tôi chăm sóc mỗi ngày như người thân của mình để an ủi linh hồn các liệt sĩ”. Khi có khách viếng thăm, ông Toàn kiêm luôn nhiệm vụ “hướng dẫn viên” chỉ dẫn và giới thiệu cho khách.

Ông Nguyễn Khánh Toàn (phải) tại Giao lưu biểu dương tập thể, cá nhân cựu chiến binh, thương binh gương mẫu tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Những lúc rảnh rỗi, ông Toàn thường làm thơ và tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ thơ huyện Phú Xuyên. Những bài thơ thắm đượm tình người, tình quê hương đất nước, đặc biệt là những bài thơ viết về đề tài thương binh liệt sĩ khá cảm động thường được ông đọc cho một số người đến thăm nghĩa trang và trong các buổi giao lưu do huyện tổ chức.

Tuổi đã cao, sức đã giảm, vết thương trong đầu thỉnh thoảng hành hạ ông mỗi khi trái gió, trở trời, nhưng ông Nguyễn Khánh Toàn vẫn tận tình, chu đáo với công việc. “Người làm quản trang cần nhất phải có cái tâm chân thành. Các đồng đội nằm đây đã phù hộ cho tôi, tôi thấy sức khỏe tốt ra, tinh thần thoải mái, đời thanh thản hơn. Tôi xác định gắn bó với công việc thầm lặng này đến khi không còn sức lực, đến khi các anh em về đón tôi đi” – ông nói.

Nụ cười hiền từ, nhân hậu của ông sao mà ấm áp, gần gũi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người quản trang trọn chữ nghĩa, vẹn chữ tình