NSND Trần Hạnh: “Vui sao nước mắt lại trào”

Thu Hằng| 29/08/2019 10:56

(NSHN) - Ở tuổi 90, sau 60 năm cống hiến hết mình cho nghệ thuật, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân là món quà, cũng là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước trước những đóng góp quý báu cho sân khấu và điện ảnh của nghệ sĩ Trần Hạnh.

Cống hiến hết mình vì tình yêu với nghệ thuật

NSND Trần Hạnh vui vẻ đón tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ đơn sơ nằm sâu trong ngõ Linh Quang.

NSND Trần Hạnh và cố NSUT Trần Vân trong vở kịch "Hẹn ngày trở về"

Nghe tin ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, mẹ của cố nghệ sĩ Trần Vân ở Đoàn Kịch Hà Nội (nay là Nhà hát kịch Hà Nội) đã lặn lội đến chúc mừng. Bà kể: “Ông Hạnh sống tình nghĩa lắm. Từ ngày Trần Vân con trai tôi mất, suốt 25 năm qua, ngày giỗ nào của Vân, ông Hạnh cũng đến thắp hương. Xe máy không đi được nữa thì ông đi xe ôm. Ở dưới suối vàng, biết được tin này chắc Vân vui lắm. Sinh thời, Vân rất quý bố Hạnh mà”.

Câu chuyện của hai người bạn già giúp tôi như được sống lại không khí của mấy chục năm về trước, thời Đoàn kịch Hà Nội nổi tiếng với những “Lam Sơn tụ nghĩa”, “Âm mưu và tình yêu”, “Hoa và cỏ dại”, “Hà Mi của tôi”, “Tôi và chúng ta”… Trần Hạnh bảo rằng: “Với ông, sống quan trọng nhất là tình người, nếu không có tình người thì người ta sẽ không còn gì cả”.

Câu chuyện của hai người bạn già làm sống lại không khí của mấy chục năm về trước...

Con người ông là thế. Tình nghĩa, chân thành, không hoa mĩ ngay cả trong lời nói và trang phục. Ông khiến cho nhiều người tiếp xúc không khỏi ngạc nhiên vì quá đỗi giản dị, gần gũi.

NSND Trần Hạnh, tên đầy đủ là Trần Ngọc Hạnh, sinh ra và lớn lên ở Ngõ Phất Lộc, Hà Nội. Mồ côi cha từ năm 8 tuổi, ông đã phải sống tự lập rất sớm. Để giúp mẹ nuôi sống gia đình, năm 1954, Trần Hạnh trở thành công nhân cầu đường xung phong lên công trường xây dựng Hà Nội - Lào Cai. Sau một năm, ông trở về Hà Nội làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền. Tưởng an bài với cuộc sống đạm bạc của một anh thợ nghèo nhưng niềm đam mê nghệ thuật đã làm thay đổi cuộc đời ông.

NSND Trần Hạnh vẫn nhớ như in những ngày đầu khi bước chân vào nghề diễn. Ông kể: “Nhà tôi vốn không có ai hoạt động nghệ thuật. Ngày đó, tôi ban ngày thì khâu giày, tối thì đến Nhà văn hóa ở hồ Thiền Quang tập kịch cùng Câu lạc bộ Thanh niên của Thành đoàn. Thấy tôi đam mê đóng kịch, đạo diễn Đình Quang xin cho tôi về Đoàn kịch Hà Nội. Nghề diễn bắt đầu với tôi từ đó”.

Bước vào Đoàn kịch Hà Nội từ năm 1959, với năng khiếu bẩm sinh, mặc dù không được đào tạo chính quy về diễn xuất nhưng với niềm đam mê và cố gắng tìm tòi, Trần Hạnh đã hóa thân vào nhiều dạng vai khác nhau. Rồi ông thi đỗ vào lớp kịch nói khóa 1960-1964 của trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Xuất thân từ một người thợ, có tác phong giản dị, chân chất, đôi mắt nhìn ấm áp và giọng nói chân tình, Trần Hạnh luôn được phân những vai chính diện. Ông đã có những vai diễn xuất sắc trên sân khấu như vai Nguyễn Trãi trong “Lam Sơn tụ nghĩa” (1964), vai Vũ Khiêm trong “Tiền tuyến gọi” (1970)... Trong tập sách “Người Hà Nội”, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã dành tặng ông lời khen: “Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi nhưng chỉ riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội”. 

Tuy nhiên, không phải vì thế mà Trần Hạnh không thể xuất hiện trong những vai phản diện. Ông đã từng thể hiện khá đạt vai Đổng lý văn phòng trong “Âm mưu và tình yêu” - một nhân vật ti tiện, xảo quyệt: Luôn xuất hiện như một tên kẻ trộm với dáng đi cui cúi, luồn lách, với đôi mắt nhìn lấm la lấm lét. Trong “Đêm cuối cùng ở Tây Ban Nha”, ông cũng vào vai phản diện giấu mặt, đến cuối vở mới lộ nguyên hình. Cách diễn loại vai nham hiểm không cường điệu, không dùng ngoại hình mà giấu kín tung tích, chỉ thỉnh thoảng mới hé lộ bằng vài động tác: Chợt nhìn, chợt nghe, chợt dừng lại suy tính đã khêu gợi sự tò mò, phán đoán của khán giả. Đó cũng là cách diễn của những diễn viên có nghề, có kinh nghiệm.

Chia sẻ với tôi những cảm xúc dường như vẫn còn tươi nguyên, ông nói thời của ông, cái gì cũng thiếu thốn, người nghệ sĩ phải trải qua nhiều gian nan vất vả để trụ lại với nghề. Ấy thế nhưng ai nấy đều vô tư không màng đến danh tiếng hay sự giàu sang vật chất. Ngẫm lại, ông vẫn cảm ơn cuộc sống đã cho ông được nếm trải những tháng ngày khó khăn nhưng đầy ắp tình người ấy. “Tôi yêu nghề diễn viên và chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc. Nghề này cho tôi được sống, được hóa thân vào cuộc đời nhiều nhân vật, được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc” – ông nói.

Đóng khung với tuýp nhân vật khốn khổ, hiền lành

Là diễn viên sân khấu, nhưng NSND Trần Hạnh được công chúng biết đến nhiều qua các vai diễn đong đầy thân phận bi hài, khắc khổ trong phim nhựa và truyền hình. 

Trên màn ảnh, hình ảnh một lão nông với dáng vẻ hanh hao, khuôn mặt già nua khắc khổ nhưng lúc nào cũng nở trên môi một nụ cười đôn hậu, hiền lành đã in đậm trong tim khán giả. Ông là hiện thân của các nhân vật người cha, người chồng với những tâm sự bức bối, đau khổ mà không phải ngay một lúc diễn đạt thành lời.

Đó là bố An trong “Chuyện cổ tích cho tuổi 17” (1986), ông Cơ trong “Tướng về hưu” (1988), ông Khiển trong “Người cầu may” (1989), Đại tá Sinh trong “Núi rừng yên ả” (1990), bố Lực trong “Cỏ lau” (1993), bố Giang Minh Sài trong “Thời xa vắng” (2004), người ông trong “Cha cõng con”(2016)… ở phim nhựa.

NSND Trần Hạnh trong phim "Cha cõng con".

Vai diễn truyền hình đầu tiên, và cũng là vai mà NSND Trần Hạnh tâm đắc nhất là nhân vật Cần trong "Cuốn sổ ghi đời" của đạo diễn Tất Bình. Trong phim, vì gia cảnh nghèo khó, nhà cửa chật chội nên các con của ông Cần không ai dám lấy vợ. Hình ảnh ông Cần khắc khổ, ngày ngày đi nhặt vỏ lon bia, vỏ bao thuốc lá bán lấy tiền với hy vọng mua được một mảnh đất cho các con đã thực sự gây được ấn tượng mạnh trong lòng khán giả. Sau bộ phim này, ông được nhiều đạo diễn biết đến, mỗi lần có vai diễn thích hợp kiểu: Bố già nhà quê, lão nông dân khốn khổ, cán bộ hưu trí hiền lành…là người ta “đóng khung” cho ông.

Cho đến nay, NSND Trần Hạnh không nhớ nổi mình đã đóng được bao nhiêu phim, gắn bó với bao nhiêu vai diễn, cả phim truyền hình và phim truyện nhựa. Dù phần lớn các vai diễn của ông là vai thứ, vai phụ nhưng vẫn gây được sự chú ý đáng kể, khiến người xem thương cảm, chia sẻ cho số phận bi hài của nhân vật. Cũng có thể nói khả năng thể hiện kiểu nhân vật vừa có nét bi, vừa có nét hài là đặc điểm riêng, trội trong chất diễn của ông.

Cái bi trong diễn xuất của NSND Trần Hạnh không dữ dội, không “cường” mà mang nhiều dáng dấp đời thường. Cái hài trong diễn xuất của ông không lộ liễu mà hóm hỉnh một cách tự nhiên, kín đáo, nhiều lúc lẩn khuất trong chất bi. Diễn xuất của ông trầm, ít lời, thiên về biểu hiện nội tâm qua ánh mắt lúc đau đáu, sửng sốt, lúc thất thần vô vọng, lúc nhẫn nhục cam chịu… 

Ông nói, ông không kén vai. “Không có vai diễn nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ” – bởi vậy dù vai chính hay phụ, qua diễn xuất chân thực, sinh động của ông, nhân vật có sức sống, có cuộc đời. “Tôi thích nhất ở Trần Hạnh là khả năng nắm bắt nhân vật nhanh. Ông chưa bao giờ phải loay hoay với nhân vật cả. Sau này vì nhiều vai diễn trùng nhau có thể ông bị “chết” vai, nhưng chỉ cần nhắc là ông hiểu và ngay lập tức thay đổi cho sát với yêu cầu vai diễn mới. Cách xử lý nhân vật của ông rất thú vị. Tinh thần làm nghề của ông thì diễn viên trẻ còn phải học hỏi nhiều” - đạo diễn phim “Ngõ lỗ thủng” Quốc Trọng cho biết.

Cuộc đời nhọc nhằn nhưng trái tim luôn an nhiên

Là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (1984) nhưng đằng sau ánh hào quang của sân khấu, của các vai diễn, cuộc sống đời thường của nghệ sĩ Trần Hạnh không lung linh hào nhoáng như nhiều người lầm tưởng. 

Ông chia sẻ, có những số phận, những mảnh đời trong phim khiến ông phải khóc. Ông khóc vì thấy bóng dáng mình trong đó…

Cũng như những vai diễn trên phim của ông, cuộc đời Trần Hạnh có những biến cố, có những thăng trầm, nhưng với lòng tự trọng và sự lạc quan, ông luôn đón nhận, không oán trách mà mỉm cười để vui sống với đời. 

NSND Trần Hạnh và mẹ cố NSUT Trần Vân.

Như một con tằm đã xong kiếp nhả tơ, ở tuổi 90, mắt đã mờ, chân đã mỏi nhưng ông vẫn minh mẫn và vui vẻ. Ông bảo cuộc đời người nghệ sĩ chẳng còn gì hạnh phúc hơn khi về già vẫn được cống hiến cho nghệ thuật, được sống trong tình yêu thương của con cháu, và giờ lại được phong là Nghệ sĩ Nhân dân nữa. 

Nhưng “vui sao nước mắt lại trào” trong ngày vui này, ông bỗng ngậm ngùi khi nhớ đến người vợ tao khang đã chia ngọt xẻ bùi với ông suốt cả cuộc đời, nhớ tới những đồng nghiệp vui buồn có nhau nay không còn nữa như: Trần Vân, Trịnh Mai, Văn Hiệp, Quốc Toàn…

Sau bao nhiêu thăng trầm được mất của đời nghệ sĩ, ngắm nhìn gương mặt bình thản của ông, tôi hiểu rằng niềm tin hạnh phúc là có thật trong ông. Ông đã đối xử vô tư với nghệ thuật và nhận lại từ nghệ thuật lòng yêu quý, ngưỡng mộ của khán giả nhiều thế hệ. Riêng điều này, không phải bất cứ nghệ sĩ nào cũng đạt tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
NSND Trần Hạnh: “Vui sao nước mắt lại trào”