“Bụi vàng” trong phố

Gia Phú| 15/08/2019 11:12

(HNMCT) - Giữ sao cho nét thanh lịch năm xưa của người Hà Nội không bị phôi pha, đó là điều mỗi chúng ta vẫn hằng mong mỏi. Đáng mừng, trong bộn bề cuộc sống ở Thủ đô hôm nay vẫn có bao gia đình còn gìn giữ được nếp gia phong, vẫn có bao con người ăm ắp niềm yêu thương, nhân ái, sẵn sàng sẻ chia giúp đỡ mọi người... Đó chính là những “hạt bụi vàng”, là “hoa nhài” góp thêm hương sắc cho Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nét thanh lịch của người Hà Nội cần được gìn giữ, bồi đắp và tiếp nối ngay từ trong mỗi gia đình.

1. Khi nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc còn sống, thi thoảng tôi thường ghé nhà ông, lúc thì để phỏng vấn, khi lại nhờ ông giúp thêm tư liệu về Hà Nội để viết bài. Có nhiều hôm ông còn còn mời thêm mấy phóng viên thân thiết đến nhà rồi bảo chị giúp việc chiêu đãi chúng tôi món phở. Chị giúp việc tên Ty người đâu ở mạn Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Ông bảo gia cảnh chị khó khăn lắm, một mình nuôi con nhỏ, nhà cửa không có, tất cả chỉ trông cậy vào ruộng lúa, đồng khoai. Từ ngày lên Thủ đô giúp việc cho gia đình nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, chị đành gửi con cho nhà ngoại, đôi tuần lại ghé về nhà. Biết chị khó khăn nên ông thường ứng tiền công trước cho chị, thậm chí còn cho mượn tạm cả tiền dựng nhà ở quê để có chỗ đi về, rồi chị làm công trả ông dần món nợ ấy.

Ân tình của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, chắc chị Ty chẳng bao giờ nguôi quên. Còn với tôi, khi ông đã về thế giới bên kia, mỗi lần nghĩ đến ông, tôi lại thầm cảm phục cái “lưng vốn” chẳng khác gì cuốn từ điển sống về Hà Nội và càng trân trọng tấm lòng nhân ái, cách ứng xử rất nhân văn của ông.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc quê gốc ở Hưng Yên nhưng sống và gắn bó nhiều với Hà Nội. Ông tỏ tường lịch sử, con người Hà Nội và cũng đầy trăn trở về nếp sống nơi mảnh đất Hà thành. “Nhiều người bây giờ bảo Hà Nội khác xưa nhiều quá, nhà cao hơn, phố rộng hơn, sầm uất hơn, người cũng đông hơn. Tôi nghĩ sự đổi thay ấy là một tất yếu của quy luật phát triển. Nhưng điều mà tôi bận lòng ấy là lối sống của người Hà Nội hôm nay” - ông từng chia sẻ như vậy trong một bài phỏng vấn sau khi nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội. Đấy là chuyện ông trăn trở, nhưng nhìn vào những con người như ông, cách ứng xử đầy tình người của ông, tôi vẫn tin ở mảnh đất Hà thành còn có nhiều sự sẻ chia, yêu thương như thế dù rằng họ với nhau đều là những người dưng.

2. Nhà văn Mai Vũ trong một cuộc hội thảo của Hội Điện ảnh Hà Nội cách đây không lâu khi bàn đến nét văn minh, thanh lịch của Người Hà Nội có kể một câu chuyện nhỏ khiến nhiều người trong hội trường xúc động. Chuyện là, một lần vào dịp đầu xuân mới các nghệ sĩ của Hội Điện ảnh Hà Nội gặp nhau tại rạp Kim Đồng để triển khai công tác hội. Cuộc vui hôm đó ông cũng cạn chén được vài lần. Khi thấy những hình người bắt đầu nhòe đi thì ông biết mình đã say bèn lên xe đi về nhà ở làng Lủ (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội). Nhưng cũng chỉ đi được đến sông Tô Lịch, ông đành phải dừng xe, rồi nằm vật ra chiếc ghế sô pha rách mà ai đó đã bỏ đi.

“Tôi đang lơ mơ thì nghe bên tai có tiếng chổi quét rác. Chợt tiếng chổi dừng và lát sau là tiếng của một người phụ nữ hỏi tôi có muốn gọi điện cho người nhà đưa về không. Tôi vội xua tay. Vành nón biến mất, lát sau tôi thấy đầu tôi có ai nâng lên và vẫn tiếng của người phụ nữ: “Anh vội quá quên cả cặp, mà xe vẫn cứ nổ máy. Ở đây nhiều kẻ cắp lắm đấy anh ạ”. Người phụ nữ đặt cái cặp làm gối dưới đầu tôi, và còn nhét vào túi áo tôi chìa khóa xe máy kèm theo lời dặn: “Em khóa cả xe cho anh rồi. Anh cứ yên tâm nghỉ đi”. Khi tỉnh dậy, tôi thấy cô lao công đứng chống chổi cách tôi vài mét với đống rác đầy trước mặt. Hỏi ra mới hay vì sợ làm bụi tôi nên cô chờ tôi tỉnh rồi mới quét nốt đoạn này” - nhà văn Mai Vũ nhớ lại.

Nhiều ngày sau khi đi qua đoạn đường bên sông Tô Lịch đó, nhà văn Mai Vũ vẫn cố dõi tìm cô quét rác nọ để nói lời cảm ơn mà hôm trước ông quên chưa kịp gửi. Nhưng ông vẫn chưa gặp lại và thấy lòng còn nặng trĩu như mắc nợ. Cô quét rác của Hà Nội ấy với nhà văn chính là “những hạt bụi vàng lắng vào lòng Hà Nội”, góp phần gìn giữ nét thanh lịch của người Hà Nội hôm nay.

3. Hơn 60 năm gắn bó với Hà Nội, đạo diễn Đặng Nhật Minh - chủ nhân của nhiều bộ phim đã ghi dấu trong lòng công chúng như Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi, Đừng đốt chia sẻ rằng những con phố Khâm Thiên, Lò Đúc... rồi khu Hai Bà Trưng đã quá thân thuộc và gần gũi với ông. Cũng ở đó, ông đã gặp, đã quen biết bao con người bình dị nhưng tràn đầy tình nhân ái, yêu thương. Đó là ông thợ cắt tóc cưu mang cậu bé đánh giày ở Hà Tây (cũ) lên, là ông giáo về hưu dạy âm nhạc cho trường khiếm thị, là cô “ô sin” từ quê lên phố chăm sóc cho người bị bại liệt... Từ hiện thực mà mình quan sát, từ những rung động của con tim, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã vẽ nên một bức tranh đa sắc về lớp người bình dân của Hà Nội trong tập truyện ngắn Hoa nhài xuất bản vài năm trước. Truyện mới được một hãng phim tư nhân ở Huế chuyển thể thành phim và đã xong giai đoạn quay, chỉ còn đợi làm hậu kỳ là có thể ra mắt công chúng.

“Chất thanh lịch của người Tràng An ngày càng bị phai nhạt, pha loãng... Nhưng có lẽ vẫn còn không ít những con người, những gia đình, nhất là những gia đình Hà Nội gốc đang vun đắp cho nét văn minh thanh lịch của Hà Nội hôm nay. Chỉ có điều nó lẩn khuất đâu đó mà đôi khi vô tình chúng ta không nhận ra. “Hoa nhài” được khơi nguồn cảm hứng từ những con người bình dị ấy. Qua bộ phim tôi muốn làm sáng tỏ thêm cho câu ca: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” - đạo diễn Đặng Nhật Minh bày tỏ.

Chuyện của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhà văn Mai Vũ và đạo diễn Đặng Nhật Minh có lẽ nhiều người cũng đã từng gặp, từng nghe. Nhắc lại để thấy giữ cái chất Hà Nội, nét văn minh thanh lịch của người Tràng An chẳng phải là điều quá khó. Nó cũng bình dị như những con người bình dị, biết yêu thương, chia sẻ, nghĩa tình!\

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bụi vàng” trong phố