Ông Thục “giao thông”

Vân Nga| 21/07/2019 07:09

(HNM) - Hơn 2 năm qua, dẫu trời nắng hay mưa, ngày hai buổi sáng - chiều, ông Lưu Viết Thục  ở xóm 2, thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì đều đặn có mặt trên đoạn đường “huyết mạch” liên xã để phân luồng cho các phương tiện giao thông, giảm tắc nghẽn. Nhiều người thường xuyên đi trên tuyến đường này và người dân địa phương đều gọi ông với tên trìu mến: Ông Thục "giao thông".

Cơ duyên 

Gặp chúng tôi, ông Lưu Viết Thục vui vẻ cho biết: “Năm 2016, hằng ngày thấy rất nhiều xe máy, ô tô dừng đỗ rất lâu trong tắc nghẽn, tôi cứ nghĩ việc tắc đường vào buổi sáng và chiều tối sẽ khiến nhiều người bị muộn giờ làm, ảnh hưởng công việc và học tập... Chỉ cần nhẩm tính, mỗi phút bị tắc đường sẽ tốn bao nhiêu xăng, cứ như vậy nhân lên hàng nghìn người với hàng nghìn xe máy, ô tô thì thiệt hại không nhỏ cho người dân và xã hội...”. Từ những suy nghĩ ấy đã đưa ông Lưu Viết Thục đến với việc phân luồng giao thông trên đoạn đường liên xã qua thôn Hữu Lê (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì) dài hơn 1km này.

Ông Lưu Viết Thục tham gia phân luồng giao thông tại tuyến đường liên xã qua thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì).

Ông Lưu Viết Thục làm việc này khi đã 76 tuổi, nên không phải đơn giản. Tuy nhiên, bên cạnh ông còn có lực lượng công an xã, huyện nên chẳng bao lâu ông đã thạo việc. “Tôi cứ làm rồi bị cuốn vào, khiến tôi yêu thích lúc nào chẳng hay. Nếu buổi nào bận việc mà không ra làm được là tôi cảm thấy bứt rứt, khó chịu” - ông Thục chia sẻ. Từ tháng 7-2017 đến nay, hằng tuần cứ từ thứ hai đến thứ bảy, sáng từ 6h30 đến 8h30; chiều từ 16h đến 20h, ông đều có mặt ở các "điểm nóng". Chỉ ngày chủ nhật, do lưu lượng xe ít hơn ông mới nghỉ ở nhà chơi với các cháu. Ấy vậy, khi có tiếng xe rầm rập chạy qua, hoặc tiếng người dân gọi “ông ơi ra đi” là ông lại nhanh chân ra "gỡ tắc".

Ông Thục bộc bạch: “Sau chừng ấy thời gian làm việc này, tôi đã cảm nhận được sự vui, buồn và thấy được những tình huống nguy hiểm, khó khăn. Những lúc đường tắc kẹt cứng, tôi chỉ ước sao có phép màu để mở rộng đường cho xe đi qua. Rồi khi đối diện với những thanh niên có thái độ ngổ ngáo, kèm lời hăm dọa: “Ông là ai mà nói”, “đường nhà ông à”, “ông muốn chết không”... tôi lại phải lựa lời phân giải".  Rồi có ngày mưa tầm tã, chứng kiến một chị đi xe máy chở sọt trứng bị ngã do bánh xe lọt vào "ổ gà", người bị trầy xước nhẹ, còn xe đổ vỡ hết trứng, sáng hôm sau ông liền mang xi măng, đá, cát ra "vá ổ gà" đó để tránh nguy hiểm cho người khác.

Thấy ông vui với việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, vợ ông - bà Nguyễn Thị Phương (67 tuổi) dù chưa bao giờ hết lo cho sự an toàn và sức khỏe của chồng, nhưng cũng dần quen và ủng hộ ông. Bà Phương tâm sự: “Nhiều bữa ông Thục quên ăn uống chứ gần như không hôm nào ông ấy quên ra đường làm. Thấy ông kiên định với việc tình nguyện đó, nên tôi chỉ còn biết động viên ông giữ sức khỏe và cẩn thận mỗi khi ra đường”.

Tấm gương sáng

Lý giải về việc tuyến đường qua thôn Hữu Lê trở nên tắc nghẽn nhiều, ông Tưởng Văn Chúc, Chủ tịch UBND xã Hữu Hòa cho biết, từ năm 2015, khi các Khu đô thị Xa La, phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) và khu chung cư Đại Thanh, Bệnh viện K - cơ sở ở xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) đi vào hoạt động đã khiến đường Phan Trọng Tuệ (quốc lộ 70) trở nên quá tải, thường xuyên tắc nghẽn. Từ đó đến nay, đoạn đường liên xã chạy qua thôn Hữu Lê đã trở thành đường tránh, nên mỗi ngày phải “gánh” lượng phương tiện rất lớn. "Xuất phát từ việc tuyến đường liên xã qua thôn Hữu Lê của xã Hữu Hòa bị tắc nghẽn thường xuyên, ông Lưu Viết Thục đã tích cực tham gia phân luồng giao thông, góp phần giúp người đi đường giảm bớt tắc nghẽn, đồng thời giúp lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ. Với việc làm ý nghĩa đó, ông đã được UBND xã, các đoàn thể và nhân dân ghi nhận, biểu dương”- Ông Tưởng Văn Chúc khẳng định.

Một trong những khó khăn của việc phân luồng xe qua thôn Hữu Lê là đường hẹp, lưu lượng xe lớn. Trưởng công an xã Hữu Hòa Nguyễn Sinh Lược nói: “Đến những người có sức khỏe như chúng tôi nhiều hôm còn mệt rã rời. Vậy mà ông Thục vẫn luôn nhiệt huyết với công việc, điều đó khiến chúng tôi rất khâm phục. Hơn nữa, ông Thục tình nguyện làm mà không nhận bất kỳ thù lao, hay lợi ích gì, nên chúng tôi rất quý trọng. Hằng ngày, có thêm sự giúp sức của ông Thục, người tham gia giao thông cũng có những động thái tích cực, hợp tác hơn trong việc đi lại có trật tự theo hướng dẫn của ông và lực lượng chức năng”.

Ông Nguyễn Khắc Chanh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hữu Hòa khẳng định: “Với tấm lòng biết chia sẻ cùng mọi người, ông Lưu Viết Thục luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn thể, địa phương. Vì vậy, khi ông tình nguyện tham gia phân luồng giao thông, bà con thôn xóm và cả người điều khiển xe đều đồng tình ủng hộ. Lâu nay, ông Thục đã trở thành tấm gương sáng, được mọi người quý mến”.

Thường xuyên đi trên đoạn đường này, anh Nguyễn Văn Sáng ở tổ dân phố số 22, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông cho biết: “Mỗi khi đi qua, nhìn thấy bóng dáng ông Thục là tôi có cảm giác yên tâm đường sẽ không tắc. Thấy ông đã già, mà nhiệt tình hướng dẫn giao thông, nên hầu hết người đi đường đều vui vẻ làm theo như một cách trân trọng và bày tỏ sự cảm ơn đối với ông”.

Kể về cuộc đời mình, ông Thục cho biết, ông đã tham gia kháng chiến và chiến đấu ở chiến trường miền Trung từ năm 1965 đến năm 1973. Trở về địa phương với một vết thương do bị đạn găm vào gót chân phải, ông được chuyển ngành, làm công nhân kỹ thuật tại Công ty Xe khách Hà Tây (nay là Công ty cổ phần Ô tô khách Hà Tây), đến năm 1989 ông nghỉ hưu… Hiện nay, 3 người con của ông đều thành đạt. Cùng với niềm vui tuổi già bên gia đình, ông Thục có thêm một niềm vui lớn là làm việc có ý nghĩa cho xã hội.

Khi được hỏi bao giờ ông sẽ nghỉ việc này, ông Lưu Viết Thục cười hiền hậu: “Khi nào tuyến đường này được mở rộng, thông không còn cảnh tắc nghẽn nữa, tôi mới yên tâm nghỉ ngơi..”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Thục “giao thông”