Nghĩa cử cao đẹp của một cựu chiến binh

Tiến Thành| 17/06/2019 07:53

(HNM) - May mắn trở về sau chiến tranh, cựu chiến binh Đào Duy Cử (65 tuổi, ở thôn Cống Xuyên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã dành thời gian lặn lội tìm kiếm, đưa được hài cốt 9 đồng đội hy sinh trở về quê hương.

(HNM) - May mắn trở về sau chiến tranh, cựu chiến binh Đào Duy Cử (65 tuổi, ở thôn Cống Xuyên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã dành thời gian lặn lội tìm kiếm, đưa được hài cốt 9 đồng đội hy sinh trở về quê hương. Bên cạnh đó, ông miệt mài tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Quyết tâm đưa đồng đội trở về

Đến thôn Cống Xuyên một ngày hè tháng Sáu, những người dân chân quê, mộc mạc chỉ dẫn tận tình, giúp chúng tôi tìm đến nhà ông Đào Duy Cử, người mà cả thôn không ai là không biết đến. Nép mình trong con ngõ nhỏ, ngôi nhà có giàn hoa giấy, những chậu hoa lan là nơi ông Cử nghỉ ngơi sau hàng chục năm cống hiến cho đất nước. “Đưa được đồng đội về trong vòng tay quê hương, tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn để ngắm cây, ngắm hoa trong vườn”, ông Cử bắt đầu câu chuyện.

Nhập ngũ, vào chiến trường khi cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã gần đi đến thắng lợi, ông Đào Duy Cử được biên chế vào đội hình Trung đoàn 320 (Quân khu 8 ngày ấy). Trong ký ức của mình, ông Cử không thể quên trận chiến oanh liệt của đơn vị tại cánh đồng xã Hậu Mỹ Nam, Mỹ Thiện (quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho cũ, nay là tỉnh Tiền Giang) diễn ra ngày 10 và 11-3-1975. Trung đoàn 320 của ông đã tiêu diệt 250 tên, bắt sống 52 tên địch. Nhưng trong trận chiến đó, riêng mũi tiến công của ông có 13 chiến sĩ, thì 12 người hy sinh, chỉ còn lại ông.

Ông Cử ngậm ngùi kể: "Tôi nhớ nhất anh Hoàng Văn Tương. Khi đó, cả tổ đã hy sinh hết, chỉ còn tôi và
anh Tương. Chúng tôi đang bàn cách chiếm gò đất nơi địch cố thủ, thì một quả đạn cối rót tới. Tôi ngất đi, lúc tỉnh dậy thấy anh Tương đã hy sinh”. Trong trận chiến này, ông Cử cũng bị thương, cho đến nay viên đạn vẫn còn nằm trong cánh tay.

Đất nước thống nhất, sau khi điều trị vết thương, ông Cử tiếp tục đi học và công tác trong ngành Điện lực. Thế nhưng suốt thời gian đó, ông vẫn đau đáu về những đồng đội đã ngã xuống mà chưa được trở về trong vòng tay gia đình, quê hương. “Thỉnh thoảng vào nửa đêm, tôi nghe thấy như có tiếng người gọi tên mình. Có lẽ, anh linh đồng đội nhắn nhủ tôi tìm họ về”, ông Cử nói.

Một sự tình cờ (hoặc như ông nói có thể là cơ duyên với đồng đội), là trong một lần đi công tác tại các tỉnh phía Nam, ông trở lại đúng chiến trường xưa. Từ đó, ông nung nấu quyết tâm tìm nơi an nghỉ của các đồng đội ngày ấy. Thế nhưng hành trình đi tìm đồng đội khó khăn thế nào thì việc tìm gia đình, người thân các anh cũng không kém. Nhiều người thân ruột thịt của liệt sĩ không còn, hoặc đã ly hương. Vì vậy, ông Cử phải nhờ cậy vào tất cả các mối quan hệ, cứ phát hiện ra một thông tin nào về thân nhân đồng đội là ông lại cất công đến tận nơi tìm kiếm.

Ông Cử kể: "Tôi nhớ nhất là khi tìm về nhà anh Hoàng Văn Tương, ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Mẹ anh Tương vẫn còn sống. Gặp tôi, bà cụ vừa khóc vừa tha thiết nói: “Trời cho con còn sống thì cố gắng đưa Tương về với mẹ”. Tôi quyết định lấy Thanh Hà, quê anh Tương để đặt tên cho con mình, cũng là để nhắc nhớ về quyết tâm tìm và đưa cho được hài cốt người đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến năm xưa về với quê mẹ”.

Bằng quyết tâm của mình, từ năm 2000 đến nay ông Đào Duy Cử đã tìm, quy tập được hài cốt của 9 đồng đội đưa về an nghỉ tại quê hương và các nghĩa trang liệt sĩ. Dịp lễ, Tết hay Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7, ông lại cùng các gia đình, đồng đội cũ về thắp hương cho những người đã ngã xuống và thăm lại chiến trường xưa. “Vẫn còn đồng đội chưa tìm được hài cốt nên tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm cho đến khi đưa được tất cả anh em về nơi an nghỉ thì tâm nguyện mới hoàn thành”, ông Cử nói.

Đền ơn đáp nghĩa, đóng góp cho quê hương

Bên cạnh quyết tâm tìm lại hài cốt đồng đội, ông Đào Duy Cử cũng tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, đóng góp công sức, tiền bạc cho công cuộc xây dựng quê hương. Năm 2010, khi còn chưa nghỉ hưu, ông Cử đã đứng ra vận động đồng nghiệp, đồng đội cùng các nhà hảo tâm tham gia xây dựng nhà tình nghĩa. Đến nay, ông và bạn bè, đồng đội đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa ở huyện Phú Xuyên và 1 căn nhà tình nghĩa tại thôn Cống Xuyên (xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín).

Bên cạnh đó, khi phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động, với mong muốn cải tạo lại cảnh quan trong thôn Cống Xuyên, ông Cử đã đóng góp 30 triệu đồng để lát gạch đường ngõ và xây dựng nhà văn hóa. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tất cả những đóng góp của ông Cử đã nhận được sự trân trọng, quý mến của người dân và các cấp chính quyền thôn, xã.

Ông Nguyễn Văn Chinh (72 tuổi) người dân thôn Cống Xuyên đánh giá, từ khi còn công tác đến khi về hưu, ông Đào Duy Cử là người gắn bó mật thiết với hàng xóm láng giềng, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của thôn, xã. “Dù bận công tác nhưng với gia đình, ông Cử luôn chu đáo, nuôi dạy các con nên người. Đến nay, các cháu đều thành đạt, gia đình yên ấm, hạnh phúc”, ông Chinh nói.

Đối với Trưởng thôn Cống Xuyên Nguyễn Đăng Lê, ông Cử là một người có trách nhiệm với sự phát triển của địa phương, luôn nêu cao tinh thần của người đảng viên, cựu chiến binh, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng và chính quyền thôn, xã vững mạnh... Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên Hoàng Xuân Hữu cho biết, với những đóng góp của ông Đào Duy Cử cho sự phát triển của địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã ghi nhận, nêu gương ông trong cộng đồng dân cư để mọi người học tập, noi theo.

Không dừng lại ở những gì đã làm được, tâm nguyện của ông Đào Duy Cử là tiếp tục đóng góp, chăm lo cho các gia đình chính sách qua việc xây dựng nhà tình nghĩa hay các hoạt động hỗ trợ khác… với một mong muốn đơn giản là làm được thật nhiều việc hơn nữa để tri ân những đồng đội ngã xuống cho độc lập, tự do của đất nước hôm nay.

Với những hành động thiết thực trong công tác đền ơn đáp nghĩa, xây dựng quê hương, ông Đào Duy Cử vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa cử cao đẹp của một cựu chiến binh