"Dù chỉ còn một học viên, tôi vẫn dạy"

Mai Hoa| 16/06/2019 07:49

(HNM) - Hơn 20 năm gắn bó với những "lớp học linh hoạt", đến nay, cô giáo Phạm Thị Huyền đã giúp hơn 150 học viên có hoàn cảnh đặc biệt được học miễn phí, hỗ trợ người học tiếp cận với các cơ hội giáo dục bình đẳng như bao người khác, dù khởi đầu muộn hơn.

(HNM) - Hơn 20 năm gắn bó với những "lớp học linh hoạt", đến nay, cô giáo Phạm Thị Huyền đã giúp hơn 150 học viên có hoàn cảnh đặc biệt được học miễn phí, hỗ trợ người học tiếp cận với các cơ hội giáo dục bình đẳng như bao người khác, dù khởi đầu muộn hơn. Nay đã vào tuổi cần được nghỉ ngơi, cô giáo giàu nhiệt huyết ấy vẫn miệt mài giảng dạy cho những ai muốn học với suy nghĩ giản dị: "Dù chỉ còn một học viên, tôi vẫn dạy".

Từ chuyện của một học viên đặc biệt...

Ngồi trước mặt tôi là một học viên có đôi mắt đen, khuôn mặt cương nghị, sống mũi cao, thẳng và trên tay anh là cuốn sách Tiếng Việt tập 1 đang mở ngỏ. Bên cạnh anh, cô giáo Phạm Thị Huyền tận tình hướng dẫn cách đọc, phát âm từng con chữ. Quay sang tôi, ánh mắt lấp lánh niềm vui, cô hồ hởi nói: "Trò này sáng dạ, thông minh lắm. Mới học được gần một tháng mà đã đọc tương đối tốt rồi. Cứ đà này, chỉ trong vòng ba tháng hè, cậu ấy có thể đọc thông, viết thạo".

Đó là một buổi dạy học miễn phí 1 thầy 1 trò - kèm riêng tại gia trong dịp hè của cô giáo Phạm Thị Huyền (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân, Hà Nội). Mỉm cười hồn hậu, cô chia sẻ: "Thú thực là tôi cũng muốn được nghỉ hè, nhưng cậu học trò này đang lúc ham học, muốn xin cô cho học liền mạch luôn, nên tôi không thể không đáp lại nhu cầu được học ấy. Với tôi, hễ ai ham học, sắp xếp được là tôi dạy. Dù chỉ còn một học viên muốn học, tôi cũng dạy".

Thoáng ngại ngần khi nghe hỏi chuyện, cậu học viên nhỏ nhẹ đề nghị tôi không nêu tên anh khi viết bài. Anh rụt rè giải thích: "Tôi đã 37 tuổi, có 3 con rồi mà chưa biết đọc, biết viết, mới chỉ được tiếp xúc con chữ dưới sự hướng dẫn bài bản gần một tháng qua của cô Huyền. Hiện tôi sống ở vùng nông thôn, cách xa đây hơn 60 cây số, ngày ngày tôi đèo vợ lên chợ, dọn hàng cho cô ấy bán rồi tranh thủ vào nhờ cô Huyền dạy học, trưa vợ chồng lại đèo nhau về nhà. Ở quê cũng có người này người khác, nếu nêu tên tôi, người hiểu không sao, người không hiểu có khi lại trêu, bàn ra tán vào, phiền lắm"!

Câu chuyện của người học trò đặc biệt ấy vừa lạ, lại vừa quen. Lạ, vì không mấy ai ngờ ở ngay thành phố lớn này mà đến nay vẫn còn những phận người thất học. Bươn bả với mưu sinh, phép tính cộng trừ mớ rau, con cá... quen dần còn nhẩm được, nhưng ghi chép đơn đặt hàng thì... đành chịu. Quen, vì đây đó trong cuộc sống quanh ta, vẫn còn bao số phận vất vả, nhọc nhằn như anh: Sinh ra ở làng quê, bố mẹ ly dị khi còn nhỏ, nhà quá nghèo, sớm phải vật lộn với cuộc sống nên để lỡ cơ hội đến trường. Khi trưởng thành, có điều kiện trả tiền học vẫn không dám đi học vì đã quá tuổi, ngại bạn bè trêu... Anh chia sẻ: "Với các con, tôi không giấu, mà chỉ nhắn nhủ, bố ngần này tuổi rồi vẫn cố nắm bắt cơ hội để được học, vậy thì không lý gì các con được bố mẹ dồn tâm, dồn sức cho ăn học mà lại không nỗ lực, cố gắng".

Đến cái lạ của tên: "Lớp học linh hoạt"

Người học trò ấy chỉ là một trong số hơn 150 học viên đặc biệt được cô Huyền kèm cặp, dạy kiến thức với trình độ từ lớp 1 đến lớp 5 trong hành trình suốt hơn 20 năm qua. Gọi là đặc biệt, vì đa phần các học viên đều có hoàn cảnh rất riêng, đến với việc học khi đã quá tuổi đến trường theo quy định chung. Như chuyện về một cô gái xinh đẹp, quê tận Hà Giang, chấp nhận về Hà Nội làm thuê, ở trọ, nhờ cô giáo Huyền dạy chữ với suy nghĩ đơn giản: "Ít nhất thì cũng phải tự đọc được tin nhắn người yêu gửi, thay vì phải nhờ người đọc hộ, nhắn hộ".

Có cả những học viên chậm phát triển trí tuệ, học 6 năm mới đạt trình độ tương đương lớp 3... Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh riêng, nhưng cơ hội được học đều mở ra với họ khi tìm đến "Lớp học linh hoạt" của cô giáo Huyền. Những năm gần đây, các lớp học này của cô thường xuyên có 12-15 học viên/năm.

Gọi là "Lớp học linh hoạt", bởi học viên của lớp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, được bố trí học vào các khung giờ học khác nhau, mức độ truyền tải kiến thức cũng tùy thuộc khả năng của từng người...

Phân tích thêm về chữ "linh hoạt" này, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân Tô Trà Ly cho biết: "Trung tâm đồng ý để cô giáo Huyền bố trí dạy tại nhà riêng, hoặc dạy tại nhà hội họp của khu dân cư nơi cô ở - với sự hỗ trợ của tổ dân phố, thay vì đứng lớp tại trung tâm ở phố Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân. Bởi mục tiêu cao nhất của chúng tôi là tạo cơ hội tối đa cho các học viên đặc biệt được học một cách thuận tiện, bình đẳng và nhân văn, cũng là để cô giáo đỡ phải vất vả đi lại, bởi năm nay cô cũng đã 65 tuổi rồi! Cô Huyền dành tâm huyết, thời gian, tri thức, kinh nghiệm giảng dạy cho các em, còn trung tâm hỗ trợ cô bằng mọi điều kiện có thể trong khuôn khổ quy định của Nhà nước để duy trì các lớp học này một cách hiệu quả, cũng như tạo cơ hội để các học viên được học tiếp lên bậc cao hơn, sau khi đã hoàn thành chương trình học ở "Lớp học linh hoạt" của cô Huyền".

Là người luôn dõi theo những lớp dạy của mẹ, Dương Quỳnh Hoa, cô con gái xinh đẹp của cô giáo Huyền chia sẻ: "Tôi tự hào về mẹ. Học viên của lớp không chỉ được dạy đọc, viết, làm toán, mà còn được dạy làm bánh trôi, bánh chay, làm nem, cắm hoa, được tổ chức đi dã ngoại và rèn nhiều kỹ năng sống. Nhiều khi tôi lấy làm lạ, sao mẹ tôi có nhiều năng lượng đến thế".

Còn ông Lại Đông Biên, Tổ trưởng tổ dân phố số 5, Khu dân cư số 3 phường Thanh Xuân Nam, Trưởng ban Quản trị nhà H10 (Thanh Xuân, Hà Nội) - nơi cô Huyền sinh sống - đánh giá: "Đây là câu chuyện người thực - việc thực, không chút tô hồng, nếu được lan tỏa chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng rất lớn. Tổ dân phố chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện, dành nhà hội họp để cô giáo tiện giảng dạy khi lớp đông học viên, bởi chúng tôi mong muốn cùng cô chung tay giúp đỡ các học viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong bối cảnh xã hội còn nhiều người coi trọng tiền bạc, vật chất hơn tình người, có những người sẵn lòng làm việc vì cộng đồng như vậy, thực sự là việc tử tế"! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Dù chỉ còn một học viên, tôi vẫn dạy"