Nhớ Bác, học Bác mỗi ngày

Dương Linh| 19/05/2019 07:47

(HNM) - Gần 30 năm công tác, bà Trần Thị Nhị (sinh năm 1952), nguyên cán bộ Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã say mê nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phát huy giá trị của những kỷ vật thiêng liêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về hưu hơn 10 năm nay, bà Nhị vẫn tiếp tục lưu giữ cẩn thận những cuốn sách viết về Bác. Với bà, đó là một cách để nhớ đến Bác, học theo Bác mỗi ngày.

(HNM) - Gần 30 năm công tác, bà Trần Thị Nhị (sinh năm 1952), nguyên cán bộ Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã say mê nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phát huy giá trị của những kỷ vật thiêng liêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về hưu hơn 10 năm nay, bà Nhị vẫn tiếp tục lưu giữ cẩn thận những cuốn sách viết về Bác. Với bà, đó là một cách để nhớ đến Bác, học theo Bác mỗi ngày.

Những tư liệu quý giá

Trong căn nhà nhỏ, giữa một buổi trưa tháng năm nắng gắt, bà Nhị như sống lại những năm tháng khi còn công tác tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và được tiếp cận những tài liệu, kỷ vật quý báu, gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tôi đọc miệt mài những tài liệu, kỷ vật về Người. Mỗi kỷ vật đều có một câu chuyện rất ý nghĩa”, lần giở từng trang được đánh dấu sẵn, bà Nhị đọc cho chúng tôi nghe những câu chuyện viết về Bác và chia sẻ.

Sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, năm 1975, bà Trần Thị Nhị tốt nghiệp đại học, rời Thủ đô lên tỉnh Lạng Sơn làm giáo viên dạy môn lịch sử. Bốn năm sau đó, bà chuyển về công tác tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Với tình yêu lịch sử của dân tộc, bà cảm thấy rất may mắn khi được công tác tại bảo tàng. Bà Nhị kể, 18 năm làm thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan trên hệ thống trưng bày, giới thiệu hiện vật tại bảo tàng, tiếp xúc với những kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều khiến bà kính trọng và cảm phục nhất là tác phong khiêm tốn, giản dị của Người.

Không chỉ làm công việc thuyết minh, lưu trữ tư liệu về Bác tại bảo tàng, bà Trần Thị Nhị còn tham gia các hoạt động trưng bày lưu động tại các địa phương, trường học trên khắp cả nước; giới thiệu về lịch sử cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua hiện vật, tài liệu, hình ảnh của bảo tàng. Bà Nhị nói: “Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, hệ thống bảo tàng ở khu vực miền Nam, miền Trung còn thiếu nên Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thường xuyên tổ chức trưng bày, giới thiệu lưu động các tài liệu, hiện vật lịch sử cách mạng Việt Nam gắn với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người dân các tỉnh rất háo hức đón xem triển lãm với lòng tôn kính dành cho vị cha già của dân tộc”.

Và trong những chuyến đi ấy, bà Nhị đã được chứng kiến những hình ảnh xúc động như có người khiếm thị run run đặt bàn tay lên bức chân dung Bác do các tù chính trị bị địch bắt tù đày làm từ xơ dừa, hay có người mải mê ngắm bức tranh thêu tay hình Bác... “Tôi cảm nhận được tình cảm của đồng bào ta dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những kỷ vật, tài liệu gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người có sức lay động lớn, chạm đến tình cảm thiêng liêng nhất trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người”, bà Nhị nhớ lại.

Năm 2000, khi chuyển sang làm ở kho tư liệu, hiện vật của bảo tàng, những kỷ vật, tư liệu của Bác Hồ càng thêm gắn bó với bà Nhị. Bà càng hiểu hơn về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, những gian lao của Người trong quá trình hoạt động cách mạng, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc. Bà đặc biệt ấn tượng về hệ thống văn bản, tài liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh như các bức thư, chỉ thị, trong đó có Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã được công nhận là bảo vật quốc gia. “Bác Hồ viết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ. Người rất tiết kiệm, dù viết tay hay đánh máy, đều tận dụng những mảnh giấy nhỏ, sử dụng cả hai mặt, không để lãng phí. Qua các tài liệu hiện vật về Bác cho thấy, hiếm có vị Chủ tịch nước nào trên thế giới có phong cách giản dị, tiết kiệm, khiêm tốn, tận tụy với công việc, lại gần gũi với nhân dân, có tình yêu thương con người bao la như Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Tôi luôn học Bác những điều này để hoàn thiện bản thân”, bà Nhị chia sẻ.

Trong quá trình công tác tại bảo tàng, bà Nhị đã tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, đáng chú ý là đề tài cấp bộ mà bà cùng đồng nghiệp dày công xây dựng: “Tư liệu hóa sưu tầm các tài liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa công bố hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam” năm 2008. Bà cũng tham gia biên soạn nhiều cuốn sách, tài liệu tuyên truyền về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người… Đó cũng là cách bà thể hiện tình yêu đối với Bác - con người vĩ đại của dân tộc và thế giới.

Học Bác để sống có ích

Gần 30 năm công tác, hằng ngày được tiếp xúc với di sản của Người, bà Trần Thị Nhị càng hiểu rõ hơn những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Về hưu năm 2008, bà tích cực tham gia nhiều hoạt động đoàn thể tại địa phương. Hiện bà là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phương Liên (quận Đống Đa). Ở vị trí công tác này, bà luôn gần gũi, quan tâm đến nguyện vọng của hội viên, tiếp tục gương mẫu học tập và làm theo Bác bằng rất nhiều việc làm cụ thể. Bà vận động hội viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ, giúp đỡ người khó khăn.

Đặc biệt, bà học Bác về cách làm việc khoa học, chính xác và gần gũi với mọi người. Bà Nhị không nề hà việc gì. Đi qua nhà ai có rác, bà đều thu gom mang đến điểm tập kết. Bà còn đến từng hộ hội viên được vay vốn tìm hiểu tình hình sử dụng nguồn vốn có hiệu quả hay không để kịp thời hỗ trợ. Do vậy, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phương Liên được đánh giá là đơn vị quản lý vốn tốt, cho gần 200 hội viên vay phát triển kinh tế, với số dư 4,3 tỷ đồng...

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa Nguyễn Thị Bích Hằng ghi nhận: Bà Trần Thị Nhị là cán bộ hội nhiệt tình, trách nhiệm. Bằng chuyên môn nghiệp vụ của mình, bà lựa chọn những kỷ vật, câu chuyện, biên soạn các bài nói chuyện hấp dẫn về cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua những tư liệu, hiện vật của Người, bà đã xây dựng nội dung tuyên truyền chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó góp phần đưa nội dung học tập và làm theo Bác đến với hội viên một cách thiết thực, hiệu quả.

Được mọi người khen ngợi về những việc làm của mình, nhưng bà Nhị khiêm tốn cho rằng: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết ở mọi thời điểm để mỗi người sống có ích, có trách nhiệm hơn với cả gia đình và xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ Bác, học Bác mỗi ngày