Thú vẽ và chơi tranh con giáp của người Hà Nội

03/02/2019 08:30

(NSHN) - Cùng với chơi cây, chơi hoa, chơi cá, chơi cờ, người Hà Nội còn có thú chơi tranh. Không chỉ chơi những bức tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ..., người Hà Nội còn cầu kỳ với những bức tranh vẽ con giáp.

(NSHN) - Cùng với chơi cây, chơi hoa, chơi cá, chơi cờ, người Hà Nội còn có thú chơi tranh. Không chỉ chơi những bức tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ..., người Hà Nội còn cầu kỳ với những bức tranh vẽ con giáp. Cũng từ cái thú độc đáo này mà từ nhiều năm nay, cứ dịp Tết đến xuân về, họa sĩ Đỗ Phấn giữ nếp vẽ tranh con giáp tặng bạn bè. Ông đã nối tiếp những tên tuổi như danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm… để tạo nên một thú chơi tao nhã mà không kém phần cầu kỳ của người Hà Nội.

- Thưa họa sĩ Đỗ Phấn! Như đã thành lệ, những ngày cuối năm lại thấy ông lúi húi vẽ tranh con giáp. Là nhu cầu tự thân, là thói quen hay còn vì lý do nào khác?

- Cuối năm thường là dịp để mọi người cùng tĩnh tâm lại, kiểm đếm những công việc đã làm trong suốt một năm qua. Nhưng họa sĩ thì hình như không có thời gian cho chuyện ấy. Đơn giản vì công việc không lúc nào ngớt. Những họa sĩ tự do như tôi lại càng có nhiều công việc phải làm. Đã từ rất lâu tôi tự đặt cho mình kế hoạch hẳn hoi vào những ngày cuối năm dương lịch. Đó là vẽ tranh con giáp tặng bạn bè. Vài chục năm qua mỗi con giáp đã được tôi vẽ nhiều lần. Và niềm vui ấy gần như là bất tận. Năm nào vẽ nhiều có thể đến hàng trăm bức. Ít nhất thì cũng phải vẽ khoảng 50 bức mới đủ số tranh mang tặng.

- Đã có rất nhiều họa sĩ nổi tiếng trước đây vẽ tranh con giáp rồi tặng bạn bè, người thân... Ông có coi đây là một cái thú, thú chơi tranh con giáp của người Hà Nội chẳng hạn?


- Với tôi thì từ xưa đến nay việc này hoàn toàn là một thú vui. Bạn bè cũng nhiều người vui khi được tặng tranh. Đó là niềm hạnh phúc không phải họa sĩ nào cũng có được. Thú vui này tôi được chứng kiến từ khi còn rất nhỏ. Đó là mỗi dịp Tết họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đều tặng bố tôi một bức tranh con giáp như vậy. Khỏi phải nói ông cụ trân trọng quý hóa bức tranh ấy đến mức nào. Nhà nghèo không có tiền để đóng một chiếc khung kính lồng tranh vào, ông phải dán nó sau tấm kính cửa sổ ngay cạnh chỗ ngồi. Cánh cửa ấy suốt ngày mở để không ai có thể chạm vào bức tranh được.

Người Hà Nội có thú chơi tranh ngày Tết từ khá lâu đời. Những tranh Hàng Trống, tranh làng Hồ bày bán trên chợ hoa là món hàng rất được ưa chuộng. Tuy nhiên những dòng tranh này thường không vẽ đủ 12 con giáp. Những họa sĩ được đào tạo hàn lâm từ thời Pháp thuộc đã có nhiều sáng tác tranh con giáp để bù đắp vào chỗ thiếu hụt của tranh dân gian ấy. Lâu dần, vài người trở nên nổi tiếng về mảng đề tài này. Các họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái có nhiều thành công hơn cả và từ rất lâu tranh con giáp của các ông đã vào tầm ngắm của các nhà sưu tầm. Các ông đều đã qua đời nhưng cái thú chơi tranh con giáp để lại trong lòng người Hà Nội chắc chắn sẽ tồn tại vĩnh viễn.

- Là người có nhiều kỷ niệm với các danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái…, ông có thể kể một vài câu chuyện về việc các cụ vẽ tranh con giáp?


- Họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tùy hứng. Gần như ít tính toán bố cục hay hòa sắc. Tranh của ông dù vẽ con vật gì cũng toát lên vẻ đẹp hồn hậu đôi khi hài hước. Thế mạnh của ông chính là ở tình cảm toát ra từ bức họa. Chính vì thế ông có thể vẽ ở mọi nơi, mọi lúc. Ngày tôi còn đi học ở Trường Mỹ thuật đã có lần ông Phái tặng tôi vài bức tranh giấy vẽ bằng chì than. Những bức tranh vẽ con ngựa kéo xe rất hồn hậu ấm áp. Trên tranh còn như thấy cả nỗi nặng nhọc vất vả của chú ngựa còi cọc ghìm chân trước mũi chiếc xe lênh khênh. Tiếc rằng chuyển nhà mấy lần tôi đã làm thất lạc.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm lại có cách làm việc tỉ mỉ, cẩn trọng vô cùng. Mỗi bức tranh con giáp của ông thường được vẽ đến hàng trăm lần trên mọi chất liệu. Từ giấy bản, giấy dó cho đến sơn mài. Ngày nhỏ có khi tôi được ngồi xem ông Nghiêm vẽ hàng mấy giờ đồng hồ liền chỉ với một con vật thôi. Từ đó đến nay vẫn luôn hết sức kinh ngạc về độ cần cù, nhẫn nại của ông. Có thể nói tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phong thái làm việc của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm không chỉ vì ông là người thầy đầu tiên dạy tôi học vẽ. Dù chỉ là bức tranh con giống thôi nhưng có lẽ Nguyễn Tư Nghiêm cho đến nay là người duy nhất đưa được những bức vẽ ấy của mình lên hàng tác phẩm bất hủ. Đó thực sự là những công trình nghệ thuật với đầy đủ kỹ năng, tình cảm, tư duy hết sức tinh tế mà không phải người xem nào cũng có thể đọc ra hết được.

- Còn với họa sĩ Đỗ Phấn, để vẽ tranh con giáp, ông thường phải chuẩn bị những gì? Có con vật nào khiến ông… ít hứng thú và phải tìm hiểu kỹ trước khi vẽ?

- Công việc thường niên này với tôi đã quá quen thuộc. Gần Tết phải mua giấy, màu sao cho đủ dùng để khỏi phải đứng lên đi mua thêm. 12 con giáp không phải là con nào cũng dễ vẽ. Như con rắn chẳng hạn. Thế nhưng hình như những con vật khó vẽ lại càng kích thích tôi tìm tòi sáng tạo hơn. Vẽ nghiên cứu những con vật là bài học cơ bản từ thời còn là sinh viên mỹ thuật. Tôi chú ý đến việc này ngay từ khi còn trẻ nên hầu như không phải tìm hiểu gì thêm. Những con vật như chó, mèo giờ đây đã có nhiều giống mới lạ nhưng về bản chất cấu tạo giải phẫu cũng không có gì khác xưa. Cái vẻ bề ngoài chỉ cần quan sát kỹ là có thể vẽ ra được.

- Thế còn có con vật nào tạo cho ông cảm hứng dồi dào?


- Những con vật quen thuộc như trâu, gà, chó, lợn, dê, mèo thường tôi vẽ phóng bút hơn. Con rắn cần rất nhiều tư duy sáng tạo. Con rồng dù có nhiều mẫu vật trong vốn cổ dân gian nhưng nếu không quan sát kỹ rất có thể vẽ thành ra rồng Tàu. Con khỉ, con gà, con chuột tạo nhiều hứng khởi khi sáng tác. Con ngựa rất đẹp nhưng dễ bị sa đà vào những lối vẽ đã có sẵn.

Vẽ tranh Tết, tôi thường không có dự định về số lượng. Nếu bạn bè còn hỏi xin thì có nghĩa là vẫn còn phải vẽ. Có năm vẽ đến tận giao thừa. Năm Kỷ Hợi cũng là một năm phải vẽ nhiều. Ngay từ đầu tháng 11-2018 đã nhiều người giục giã tôi vẽ rồi…

- Ông có bao giờ bán những bức tranh này, hay chỉ để tặng?


- Tranh con giáp của tôi phần lớn là để tặng bạn. Một số rất ít được bán trong năm không phải vào những ngày Tết. Và thường thì tôi hay từ chối những người đặt hàng vẽ cùng một lúc tất cả những con giáp. Tôi vẫn thích vẽ duy nhất con giáp của năm mà thôi. Cách làm này bổ sung rất tốt cho tay nghề. Có thể đào sâu tư duy và thủ pháp đến hết mức có thể, bởi với người vẽ thì không có gì chán bằng tự lặp lại mình. Thậm chí tôi còn cho rằng tự lặp lại mình trong tác phẩm cũng là một cách ăn gian trong sáng tạo. Chính vì thế dù chỉ là bức tranh mang tặng bạn thôi cũng không bao giờ tôi có 2 bức giống nhau. Có thể trong cùng một năm sẽ có một phong cách tổng quát nhưng bố cục, hòa sắc, tạo hình con vật là hoàn toàn khác biệt.

- Có vẻ ngày xưa cái thú vẽ tranh con giáp được nhiều họa sĩ thực hiện hơn? Phải chăng cái tình người ngày xưa nó cũng “đượm” hơn, hay là do ngày xưa người ta sống đơn giản, và vẽ những bức tranh ấy cũng không quá cầu kỳ, với những chất liệu đơn giản, thậm chí vẽ ngay trên tờ báo cũ?


- Ngày xưa hay bây giờ thì số họa sĩ quan tâm đến việc vẽ con giáp cũng không nhiều. Và thành công lại càng hãn hữu. Đơn giản vì việc này không dễ. Nhiều họa sĩ cả đời chỉ chuyên tâm vẽ lấy một hai con vật mà thành công cũng là đáng quý lắm rồi. Nhiều khi tình cảm với bạn bè là rất nồng đượm nhưng rất có thể vì một bức tranh mang tặng mà mất mặn mất nhạt với nhau. Tranh con giáp đúng là không kén chọn chất liệu. Thế nhưng để có một bức tranh đẹp lại là việc có khi mất cả đời. Người xem chỉ có sản phẩm trước mặt mình để thưởng thức. Và họ rất công bằng. Chẳng ai thích một bức tranh xấu. Tranh giấy mà đẹp còn hơn treo trong nhà bức sơn dầu xấu. Người ta sẽ nghĩ đến họa sĩ một cách trân trọng đúng như những gì họa sĩ thể hiện trên tờ giấy vẽ của mình.

- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Đỗ Phấn!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thú vẽ và chơi tranh con giáp của người Hà Nội