Kỳ nhân hoa thủy tiên

Giang Nam| 02/02/2019 18:49

(NSHN) - Chơi hoa thủy tiên là thú chơi "rất Hà thành", với sự tinh tế, công phu. Có một thời, hoa thủy tiên trở lại thị trường, nhưng mới chỉ hồi sinh phần "xác", mà chưa sống lại phần "hồn" của lối chơi xưa.

(NSHN) - Chơi hoa thủy tiên là thú chơi "rất Hà thành", với sự tinh tế, công phu. Có một thời, hoa thủy tiên trở lại thị trường, nhưng mới chỉ hồi sinh phần "xác", mà chưa sống lại phần "hồn" của lối chơi xưa. Bằng tình yêu của mình, lão nghệ nhân Nguyễn Phú Cường đã tìm lại tinh hoa của lối chơi cổ truyền và cả những nét mới cho thú chơi thủy tiên tao nhã của người Tràng An…

1. Nguyễn Tuân hay Vũ Bằng đều có những dòng viết về hoa thủy tiên. Vũ Bằng còn kể chuyện ướp trà bằng hoa thủy tiên nữa. Tôi tò mò lắm, không hiểu thứ hoa gì mà sang, mà quý, mà tao nhã thế. Nhưng mà tiếc, vì chỉ thấy trong văn.

Một dạo rộ lên phong trào chơi bát hoa thủy tiên dịp Tết. Đem chuyện hỏi cụ Quyết Bội, nghệ nhân nổi tiếng làng hoa Nghi Tàm, cụ cả cười: "Cái ấy không gọi là chơi thủy tiên được. Thủy tiên gì mà hoa lẫn lá đuồn đuột như mớ hành thế kia. Các cụ xưa chơi thủy tiên khác lắm. Tiếc là giờ tôi cao tuổi quá rồi, tay run không gọt được". Cái mừng vừa nhen lên đã trôi tuột vào hư không. Thủy tiên sống lại phần xác mà mất hẳn phần hồn khi chẳng còn ai giữ được bí quyết gọt thủy tiên. Tôi một mực tin thế, cho đến khi gặp "người yêu thủy tiên nhất Hà Nội" Nguyễn Phú Cường...

2. Câu chuyện của nghệ nhân Nguyễn Phú Cường lùi về gần bảy mươi năm trước. Ngày ấy, cứ đận giáp Tết, mặc trời giá rét, cậu bé Cường lại thấy ông ngoại gọt gọt, tỉa tỉa bên giếng nước những “củ hành tây”. Lạ lắm! Nhưng rồi đúng mùng Một Tết, căn phòng khách trở nên thanh tao khi những bông hoa trắng tinh khôi nở ra. Ông ngoại bảo với cậu đấy là hoa thủy tiên. Những bông hoa thủy tiên là chiếc “chén vàng trên đĩa bạch ngọc”. Còn mùi hương thanh nhã, bất phàm chẳng khác nào địa lan.

Thuở ấy cậu bé Cường chưa biết yêu hoa, chỉ thấy tò mò thôi. Song những bát hoa thủy tiên đã ăn vào tiềm thức lúc nào không hay. Đến lúc bắt đầu cảm nhận được cái đẹp của hoa thủy tiên thì cũng là lúc thú chơi này... biến mất. “Lần cuối được nhìn thấy người Hà Nội chơi hoa thủy tiên là Tết năm 1962. Sau đó, có lẽ vì chiến tranh ngày càng ác liệt, nên chẳng ai còn thời giờ gọt thủy tiên nữa. Cũng không ai nhập thủy tiên về”, lão nghệ nhân chia sẻ.

Suốt những năm tháng ấy, cứ gần đến dịp Tết Dương lịch ông Cường lại ngóng xem có ai bán củ thủy tiên không, đến giáp Tết Nguyên đán vẫn rong ruổi đạp xe đi các chợ hoa. Hy vọng cứ tắt dần, nhưng không đi thì chẳng yên tâm. Năm 1996, lần đầu tiên sau hơn ba thập niên ông Cường lại nhìn thấy bát hoa thủy tiên bày bán ở chợ hoa gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngỡ như gặp lại bạn tri âm thất lạc mấy chục năm trời. Vậy là đã có người nhập giống thủy tiên về. Sang đến năm sau, ông bắt đầu mua củ thủy tiên về gọt.

Cái giống này ưa sạch. Sáng sớm, việc đầu tiên là “thăm” mấy giò thủy tiên, rồi “tắm gội” cho đàng hoàng. Cái công gọt thì tỉ mẩn. Sơ ý một tí thôi, chạm vào mầm hoa là có thể bị thối. Không được ai chỉ dạy, ông Cường tự tìm tài liệu, mày mò. Thành quả là Tết năm ấy gia đình có mấy bát thủy tiên đón xuân. Ai đến cũng khoe thủy tiên do mình tự tay gọt, nhưng trong thâm tâm mới vui được một nửa. Bát thủy tiên lá cứ thẳng đuỗn, giò hoa cao ngỏng cao nghều. Thế rồi cả năm sau ông đi khắp nơi tìm người biết chơi thủy tiên, lục lọi mọi tài liệu có thể, từ trên mạng Internet đến các thư viện…

3. Khấp khởi mừng thầm, để rồi… thất bại. Những người có duyên với thủy tiên ở Hà Nội ông đã thuộc lòng. Tết nào cũng vậy, lá rồi hoa thủy tiên vẫn cứ cao vống lên, rõ ràng không phải thủy tiên "của ngày xưa". Không thành công song tình yêu của ông Cường đã truyền sang cho con gái, hai cha con cùng lọ mọ với những bát thủy tiên. Cứ thế 7 năm liền, cho tới một ngày giáp Tết năm ấy, ông Cường tình cờ gặp một Việt kiều từ Mỹ trở về. Cụ tên là Phạm Hữu, khi ấy đã gần 90 tuổi, là người giữ được tuyệt kỹ gọt thủy tiên.

Cuộc tương phùng đến giờ nghĩ lại ông Cường vẫn muốn rơi nước mắt: “Có lẽ, mọi sự gói gọn trong chữ duyên. Hôm gặp cụ Phạm Hữu đã là 28 Tết. Làm gì còn ai bán củ thủy tiên nữa, người ta chỉ bán hoa thôi. Cụ Phạm Hữu yêu cầu tôi phải đi tìm một củ thủy tiên về để cụ hướng dẫn. May mắn lại tìm được mấy củ thủy tiên vứt chỏng chơ ở một cửa hàng hoa, do bán ế. Cụ Phạm Hữu bảo cha con tôi gọt thử. Gọt xong, cụ cười: Bố con ông gọt thế chẳng có tác dụng gì cả. Cụ Phạm Hữu có con dao quý. Ban đầu nhất quyết không bán nhưng thấy cha con tôi mê quá nên cụ để lại với giá tượng trưng là 5 đô la”.

Có được dao gọt riêng rồi còn phải học cái tính cầu kỳ, tỉ mỉ. Phải áp đèn, phơi sương tùy khi nóng lạnh. Ngày ngày phải "tắm gội", chỉnh hoa, chải rễ... Nhưng khó nhất là tác động đến bộ phận nào, mức độ như thế nào để những chiếc lá không cao vọt lên, mà uốn lượn thành những đường cong, làm nền cho những bông hoa tinh khôi. Thủy tiên thuộc họ hành, củ thủy tiên giống như củ hành tây. Gọt thủy tiên là tách dần những lớp vỏ, đến độ củ thủy tiên lộ những mầm lá, mầm hoa bên trong. Bóc những lớp vỏ này ngoài dao còn cần phải có sự tinh tế, khéo léo. Sự tinh tế không bỗng dưng mà có. Phải trải qua năm tháng, qua những thất bại mới thành. Cái cốt lõi nhất là khi lộ ra những mầm lá, mầm hoa, thì phải dùng dao làm tổn thương những mầm này. Tổn thương thế nào để lá xoăn, hoa thấp, dáng thế như mình mong muốn lại cần cả quá trình đúc rút kinh nghiệm… Khi lá bắt đầu nảy mầm, lại còn phải dùng que tre chỉnh hướng. Bộ rễ cần phải chăm chút hằng ngày thì mới phô hết vẻ đẹp, mới tạo được dáng như ý.

Sau khi học được cách gọt củ thủy tiên, nghệ nhân Nguyễn Phú Cường đã được hưởng trọn vẹn thành quả. Bấy giờ ông mới hiểu vì sao người xưa mê thủy tiên đến thế. Bởi đó là một kỳ công chinh phục. Cái đẹp của thủy tiên là cái đẹp vẹn toàn. Khi đặt giò thủy tiên vào bát thủy tinh, cái đẹp phô ra, được người đời gọi là “ngũ tuyệt”: Đẹp từ rễ, lá, hoa, hương và tổng hòa cả dáng thế. Riêng cái dáng hoa thì ngoài kỹ thuật còn cần có tố chất mỹ thuật. Cùng một cây thủy tiên, mỗi người lại có thể “xếp” những dáng thế khác nhau. Ông Cường ngồi bên những bát thủy tiên hàng giờ, ngắm sự đổi thay trong từng khoảnh khắc, bồi hồi chạm vào vẻ đẹp mà trước nay ông tưởng rằng đã thất truyền.

4. Khi nghĩ lại hành trình chinh phục hoa thủy tiên, nghệ nhân Nguyễn Phú Cường nhận ra rằng, 7 năm liên tục thất bại không phải không có ý nghĩa. Thủy tiên là bầu bạn. Và nhờ hiểu người bạn ấy nên dù cuộc gặp với người thầy Việt kiều ngắn ngủi nhưng cái tinh túy của gọt thủy tiên đã được lưu lại đến mai sau. Tôi không biết gọi ông Cường bằng từ gì khác ngoài hai chữ "nghệ nhân", bởi một lẽ giản dị: Hầu như người nào có duyên với hoa thủy tiên ở Hà Nội cũng phải tìm đến ông để tôn làm thầy, để học hỏi kinh nghiệm.

Nhà văn Nguyễn Tuân từng viết về cuộc thi hoa thủy tiên nở đúng giao thừa. Chính xác đến độ có người móc túi lấy đồng hồ quả quýt ra chỉnh giờ theo đúng giờ hoa nở. Nghệ nhân Nguyễn Phú Cường, sau bao năm mê đắm, ngẫm ngợi, cuối cùng đã nhận ra: Chính vì xưa đi thi nên các cụ thường giữ bí quyết cho riêng mình, không phổ biến cho ai, vì thế mà kỹ năng gọt hoa thủy tiên tưởng như đã thất truyền. Kế thừa tinh hoa của người xưa nhưng ông Cường nghĩ khác. Muốn khôi phục thú chơi tao nhã thì cần phải phổ biến kỹ thuật cho mọi người, vì vậy mà ông vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm với những người mê hoa thủy tiên. Ông cũng tìm thêm những dáng thế mới, thay vì chỉ chơi những dáng những thế truyền thống...

Mùa xuân đang gõ cửa mọi nhà. Tết này, trong nhiều gia đình lại có những bát thủy tiên tao nhã tỏa hương. Nghệ nhân Nguyễn Phú Cường cho tôi xem một dòng lưu bút của một cô bé sinh năm 1990 mà đã có 4-5 năm học gọt thủy tiên: “Tất cả sách vở, lý thuyết gọt tỉa thủy tiên là xương sống, kinh nghiệm chơi hoa thủy tiên của các cụ mới là linh hồn”. Có thể cảm nhận niềm vui, niềm tự hào trong nụ cười của lão nghệ nhân. Một thú chơi tinh tế, tao nhã đậm chất Hà thành đã được nối tiếp đến mai sau...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ nhân hoa thủy tiên