Chuyện người họa sĩ từng vẽ tiền cho Ngân hàng Quốc gia

Nguồn: Thụy Oanh/Zing| 01/12/2018 14:47

Với cây cọ và niềm đam mê, họa sĩ Nguyễn Bích đã lưu giữ được những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trên trang giấy nhỏ.

Họa sĩ Nguyễn Bích đã sống trọn cuộc đời với tình yêu hội họa. Với cây cọ và niềm đam mê, ông đã lưu giữ được những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trên trang giấy nhỏ.

Cùng thời với các họa sĩ nổi tiếng như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên… nhưng câu chuyện của họa sĩ Nguyễn Bích và hội họa có phần trầm lắng hơn.

Nói về ông, người ta nhớ ngay tới hình ảnh một con người cầm cọ lặng lẽ bóng tối, chẳng cần tới ánh hào quang. Với Nguyễn Bích, hội họa là một thứ ngôn ngữ để sẻ chia, bởi ông vẽ không chỉ cho riêng mình.

Nhắc tới Nguyễn Bích, người ta nhớ đến hàng loạt tranh cổ động thời kháng chiến và những bức minh họa trên các tờ báo, tạp chí lớn như Văn nghệ, Quân đội nhân dân, tạp chí Văn nghệ quân đội… Ngoài ra ông còn vẽ tranh minh họa, vẽ bìa cho nhiều ấn phẩm dành cho thiếu nhi.

Cuốn Nguyễn Bích họa sĩ của những ô tranh nhỏ do họa sĩ Tô Chiêm biên soạn.


Cuốn Nguyễn Bích họa sĩ của những ô tranh nhỏ do họa sĩ Tô Chiêm biên soạn là một món quà mà bạn bè, đồng nghiệp dành tặng để tri ân và tưởng nhớ cố họa sĩ Nguyễn Bích.

Qua tập sách này, người đọc cũng hiểu thêm về sự phát triển của nền hội họa Việt Nam hiện đại, đặc biệt trong giai đoạn cả đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh.

Chàng trai yêu cây cọ và những câu chuyện trong khói lửa chiến tranh

Họa sĩ Nguyễn Bích sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Bao kí ức tươi đẹp của ông về một thời thơ ấu gắn liền với ngôi nhà trên phố Liên Trì, một con phố cụt chạy từ phố Nguyễn Du sang phố Trần Quốc Toản. Nguyễn Bích đã sống ở đây từ nhỏ cho đến khi rời Hà Nội đi kháng chiến.

Từ khi còn là một cậu bé, Nguyễn Bích đã biểu hiện niềm say mê với hội họa. Khi học trung học ở trường Thăng Long, ông đã mạnh dạn đăng kí tham gia các khóa học từ xa của các trường mỹ thuật ở Pháp.

Bài tập của học sinh sẽ được gửi sang Pháp chấm, sau đó gửi kết quả cùng đề tài mới về Việt Nam. Đây cũng là khoảng thời gian ít ỏi họa sĩ Nguyễn Bích có điều kiện học tập nghiêm túc về hội họa.

Khi ông học xong Tú tài phần thứ nhất, cũng là lúc Cách mạng Tháng Tám nổ ra. Với tinh thần yêu nước cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chàng trai ấy tạm gác lại việc học hành để cầm súng chiến đấu.

Trong thời gian phục vụ trong quân đội, Nguyễn Bích đã tham gia nhiều trận đánh lớn. Ông không chỉ chiến đấu bằng tinh thần của người lính và sự hào hoa của một nghệ sĩ.

Trong cuốn sách này có rất nhiều tư liệu quý được gia đình và đồng nghiệp của họa sĩ Nguyễn Bích cung cấp.


Với Nguyễn Bích, cây cọ cũng có thể trở thành vũ khí. Chính ông đã cho ra đời hàng loạt tranh cổ động bằng phương pháp in lithographie.

Đây là phương pháp in phẳng trên đá, người thợ in phải tỉ mẩn viết ngược từng chữ trên đá bằng một loại mực đặc biệt để tạo ra khuôn in. Với phương pháp này, in khẩu hiệu đã tốn khá nhiều công sức, chứ chưa nói đến việc in cả một bức tranh cổ động lớn, với nhiều đường nét.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngoài tranh cổ động, họa sĩ Nguyễn Bích còn vẽ nhiều bức tranh châm biếm, đả kích kẻ thù, cùng một số tranh bột màu về cuộc sống của bộ đội ở chiến khu. Ở mỗi thể loại ông đều biểu đạt được những cá tính riêng trong hội họa.

Cơ duyên với tờ tiền giấy 2 đồng và những nỗi niềm cho tuổi thơ

Ngoài những công việc quen thuộc như vẽ tranh cổ động và tranh minh họa, họa sĩ Nguyễn Bích còn làm một việc ít ai ngờ tới là vẽ mẫu tiền cho tờ 2 đồng do Ngân hàng Quốc gia (tên gọi trước kia của Ngân hàng Nhà nước) phát hành năm 1967.

Khi đó, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, một người bạn của họa sĩ Nguyễn Bích được giao nhiệm vụ vẽ mẫu tiền mới. Ông đã đề nghị họa sĩ Nguyễn Bích và họa sĩ Mai Văn Hến cùng tham gia. Trong đó, họa sĩ Nguyễn Bích đảm nhận vẽ mặt trước và mặt sau của tờ tiền 2 đồng mới.

Công việc này bắt đầu vào năm 1962 nhưng mãi tới năm 1967 khi tờ tiền mới được phát hành, Nguyễn Bích mang nó về khoe, cả gia đình mới biết về công việc thầm lặng của ông.

Sau này, ngoài việc vẽ minh họa cho các báo và tạp chí, ông còn cộng tác với NXB Kim Đồng để vẽ bìa sách và truyện tranh cho thiếu nhi. Ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm đẹp mắt và ấn tượng như Trạng Quỳnh, Sát Thát.

Họa sĩ Nguyễn Bích cùng vợ và hai con gái.


Đặc biệt, năm 1971 cuốn truyện tranh Sát Thát đã được tặng thưởng giải Bạc tại “Triển lãm nghệ thuật Sách quốc tế IBA” ở Dresden, Cộng hòa Dân chủ Đức.

Cơ duyên của ông với các bạn nhỏ vẫn chưa dừng lại ở đó. Họa sĩ Nguyễn Bích còn là họa sĩ chính tham gia phác họa và tạo hình nhân vật cho bộ phim hoạt hình Trê Cóc do Hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất.

Những phác họa của Nguyễn Bích đã đem lại cho bộ phim phong cách dân gian mộc mạc, khỏe khoắn. Các nhân vật đều thể hiện được thần thái và những nét tính cách riêng.

Trong cuốn Nguyễn Bích họa sĩ của những ô tranh nhỏ, độc giả còn cảm nhận được chân dung một con người hiền lành, hết lòng vì công việc. Tranh chưa vẽ xong thì bất kể nắng nôi, mất điện, mồ hôi chảy ròng ròng cũng không thể làm Nguyễn Bích rời giá vẽ.

Hội họa đã trở thành tình yêu cháy bỏng trong ông. Điều thiêng liêng ấy thấm đẫm trong những ô tranh nhỏ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện người họa sĩ từng vẽ tiền cho Ngân hàng Quốc gia