Chuyện ít biết về Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội

Nguồn: Phương Thúy/VOV6| 11/09/2018 08:44

Hơn 40 năm làm quan, đại thần Đặng Văn Hòa đã có nhiều đóng góp trong việc chăm lo đời sống nhân dân và tâm huyết với các di tích trên đất Thăng Long".

“Hơn 40 năm làm quan, đại thần Đặng Văn Hòa đã có nhiều đóng góp trong việc chăm lo đời sống nhân dân và tâm huyết với các di tích trên đất Thăng Long".

Đó là nhận định của các nhà nghiên cứu tại hội thảo khoa học về đại thần Đặng Văn Hòa - Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội do Trung tâm nghiên cứu văn hóa Đặng tộc Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo sử sách ghi chép, Đặng Văn Hòa (1791-1856), hiệu Lễ Trai, là con trai của Đặng Quang Tuấn, một thầy đồ dạy học nổi tiếng kinh thành Phú Xuân dưới triều Tây Sơn. Năm Gia Long thứ 12 (1813), triều đình mở khoa thi Hương đầu tiên ở Thừa Thiên, Đặng Văn Hòa dự thi và đỗ Hương cống, được bổ làm tri huyện Hà Đông, rồi Quảng Nam (1819), Lang trung bộ binh, Tham hiệp rồi hiệp trấn Thanh Hóa (1822-1827, Tả thị lang Bộ binh kiêm Tham tri Bộ binh lãnh binh tào Bắc Thành (1828).

Hội thảo khoa học về đại thần Đặng Văn Hòa - Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội.


Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, Hội Di sản Việt Nam khẳng định: "Đại thần Đặng Văn Hòa làm quan 4 đời vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Từ năm thứ 9 đời vua Minh Mạng, ông có duyên nợ đặc biệt với Hà Nội, lúc bấy giờ mang tên Bắc Thành. Ông làm Tổng Đốc Hà Nội trong 14 năm với hai nhiệm kì 1835-1839 và 1846-1847, có nhiều cống hiến quan trọng cho vùng đất Kinh đô ngàn năm văn vật của Việt Nam".

Không chỉ là người đứng đầu một tỉnh chăm lo hết mực do người dân từ công tác đê điều đến thuế khóa, đại thần Đặng Văn Hòa đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, chấn hưng văn hóa của Thăng Long xưa.

Nói về những đóng góp của Tổng đốc Đặng Văn Hòa với Hà Nội, các đại biểu nhận định, đại thần Đặng Văn Hòa là Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội sau khi vua Minh Mạng đổi tên Bắc Thành thành tỉnh Hà Nội. Ông đã thay đổi nhiều yếu tố, làm cho Hà Nội vẫn phát triển khi không còn là kinh đô nữa. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã cho vẽ ngay bản đồ Hà Nội, mở rộng đường thiên lý Hà Nội-Phú Xuyên và dựng trường thi Hà Nội ở khu vực Thư viện Quốc gia ngày nay.

Đặc biệt, ông rất quan tâm đến các giá trị di sản văn hóa Hà Nội. Năm 1837, ông cho sửa Khuê Văn Các ở Văn Miếu. Ông cũng là người trùng tu, sửa chữa tiền đường, hành lang tả hữu, gác chuông và tam quan Chùa Diên Hựu (tức chùa Một cột). Hơn 40 năm làm quan, đại thần Đặng Văn Hòa đã có nhiều đóng góp trong việc chăm lo xây dựng đời sống nhân dân và tâm huyết với các di tích trên đất Thăng Long.


Trên cương vị lãnh đạo của mình, đại thần Đặng Văn Hòa đã đưa ra nguyên lý "vị dân chi kế" - mọi kế sách đều vì nhân dân. Ông cũng là người đưa ra chủ trương đúng đắn trong việc trị thủy, bảo vệ hệ thống đê điều. Ông đã xin cho mấy huyện vùng chiêm: Phú Xuyên, Duy Tiên, Thanh Liêm, Nam Xang được nộp thóc tô vào vụ hạ, nộp thuế vào vụ đông để giảm nhẹ đóng góp của dân. Ninh Bình bão to, Tổng đốc Đặng Văn Hòa tổ chức phát chẩn cho dân Kim Sơn, xin chi tiền công để sửa con đê ngăn nước mặn ở Kim Sơn, giúp dân làm ruộng sau cơn bão...

Ông là người rất mẫn cán trong việc đối phó với âm mưu thâm hiểm của nhà Thanh đã đúc tiền giả mang sang nước ta mua hàng; Định lại thuế cho lái buôn nhà Thanh, cấm chúng không được mang thuốc phiện sang bán để đầu độc người dân nước ta.

Bên cạnh những tác phẩm thơ chữ Hán để lại cho con cháu đời sau, ông còn là một nhà sử học đóng vai trò biên soạn một phần bộ sách "Đại Nam thực lục" khi làm Tổng tài Quốc sử quán dưới triều vua Tự Đức. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm, Viện Sử học Việt Nam thì các vua triều Nguyễn luôn có ý thức coi trọng lịch sử, từ vua Gia Long người sáng lập triều Nguyễn dù bận trăm công ngàn việc để ổn định vương triều cũng đã cho thành lập Sử cục vào năm 1811. Quốc sử quán triều Nguyễn ra đời vào tháng 5 năm 1820 dưới thời vua Minh Mệnh. Quốc sử quán tiếp tục được hoàn thiện vào các triều Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883), là một cơ quan biên soạn lịch sử dân tộc lớn nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Đại thần Đặng Văn Hòa được bổ dụng Tổng tài, khi đã 62 tuổi, đang là một trong những trọng thần quốc gia, đảm nhiệm chức vụ Cơ mật viện Đại thần, Hiệp biện Đại học sĩ, Thượng thư bộ Hộ trong chính quyền triều Nguyễn. Vào năm 1846, Đặng Văn Thiêm đã được vua Thiệu Trị chỉ định đảm đương chức Tổng vựng (tương đương Tổng Biên tập) của bộ sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ. Với vai trò Tổng tài Quốc sử quán dưới triều Tự Đức, ông là người phụ trách biên soạn một phần bộ sách Đại Nam thực lục.

Như vậy, đại thần Đặng Văn Hòa trải qua nhiều trọng chức trong triều đình và các địa phương, nhưng trên lĩnh vực Sử học Tổng tài không chỉ là người đứng đầu cơ quan biên soạn lịch sử của triều đình, phụ trách toàn bộ quá trình biên soạn một công trình quốc gia, mà còn phải trực tiếp chỉ đạo từ giai đoạn sưu tầm tư liệu đến khi bản thảo lần cuối để trình vua ngự lãm, phê duyệt (Khâm định).

Có thể nói, với cuộc đời hơn 40 năm làm quan, đại thần Đặng Văn Hòa đã có mặt ở khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc, giữ 5 cương vị quan trọng nhất của triều đình với vai trò Thượng Thư các bộ, trừ bộ Lại. Một cuộc đời không dài của một con người nhưng đã có rất nhiều cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện ít biết về Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội