Trò chuyện với NSND Lê Khanh: Nét đẹp Tràng An và Tết truyền thống

Vĩnh Hà| 15/02/2018 09:16

(HNNN) - Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh còn bật mí về việc chuẩn bị, cũng như đón Tết của gia đình chị. Ngày Tết với Lê Khanh là mái ấm gia đình, là tình yêu thương dành cho các con...

(HNNN) - Không chỉ nói về những nét đẹp của người Hà Nội, người phụ nữ Hà Nội - trong câu chuyện đầu xuân với Hà Nội Ngày nay, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh còn bật mí về việc chuẩn bị, cũng như đón Tết của gia đình chị. Ngày Tết với Lê Khanh là mái ấm gia đình, là tình yêu thương dành cho các con...

Tâm thế, cốt cách làm nên cái đẹp

- Không vô cớ mà Nhà văn Chu Lai đã nói: Niềm tự hào của Hà Nội chính là cây xanh hồ nước và con gái. Thưa Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh, theo chị hình thức quyết định như thế nào đến cái đẹp của một người phụ nữ?

- Sinh ra trên đời, ai cũng mong muốn có được một vẻ đẹp hình thức hoàn hảo với mắt bồ câu, mũi dọc dừa, cao ráo, trắng trẻo... Thế nhưng chỉ sau 5 đến7 phút tiếp xúc, vẻ đẹp bên ngoài ấy gần như bị xóa nhòa. Để thuyết phục người đối diện cần một thế giới tinh thần, thế giới tâm hồn thông qua khẩu khí truyền đạt được nguồn năng lượng của người phụ nữ ấy. Giao tiếp nhiều hơn, càng hiểu hơn về người đó với cái đẹp ẩn chứa trong quan điểm sống, cung cách sống và hành vi ứng xử của họ từ gia đình đến ngoài xã hội. Có cả một sự nhìn nhận từ bên ngoài tới sâu thẳm bên trong thế giới nội tâm, từ xa đến gần... và tôi chắc chắn một điều, đó không phải chỉ là hình thức. Vì thế hình thức không hoàn toàn quyết định giá trị về cái đẹp của con người. Có rất nhiều phụ nữ không thể gọi là đẹp về hình thức, nhưng họ làm lay động mọi người vì tấm lòng nhân ái và ảnh hưởng của họ trong cuộc sống. Ở đâu có họ thì ở đó mọi người cảm thấy ấm áp và hạnh phúc.

- Nhiều người nói về khái niệm “chuẩn phụ nữ Hà Nội”, theo chị người phụ nữ thế nào mới đạt “chuẩn” Hà Nội?

- Khái niệm “chuẩn” Hà Nội đã có từ rất lâu và từ xưa đến nay, những giá trị được gọi là “chuẩn” ấy vẫn gắn với người phụ nữ Hà Nội. Theo tôi đó là người có cung cách cư xử khuôn phép, mẫu mực; mọi lễ nghĩa, phép tắc, hiếu hỉ được gìn giữ cẩn trọng, nâng niu; chuyện thăm hỏi họ mạc trong ngày Tết, ngày lễ được coi trọng; nếp sống gia đình chỉn chu, nữ công gia chánh tươm tất; nhà cửa biết cách sắp đặt tinh tươm...Trong giao tiếp thì từ tốn, điềm đạm, không “đao to búa lớn”, phô trương. Và nữa, không “mâm cao cỗ đầy” nhưng cách ăn và món ăn rất tinh tế...

Trong nhịp sống hiện nay không khó nhận ra những người phụ nữ Hà Nội xưa ấy, bởi họ có cái gì đó gần như là đi chậm hơn bước thời đại. Trong tiết tấu rất nhanh, hối hả, thậm chí là khốc liệt của xã hội thời nay, ở những phụ nữ Hà Nội ấy vẫn có sự bình thản, an nhiên. Có lẽ họ ngại tất cả những gì là xô bồ, cấp tập. 
Như tôi đã nói, tâm thế, cốt cách và ứng xử tạo nên nét đẹp mang tính biểu tượng của địa danh, địa danh ấy là Thăng Long - Hà Nội văn hiến, văn minh, thanh lịch. Tất cả nét đẹp ấy làm nên một hình tượng, một chân dung người phụ nữ, người con gái Thủ đô Hà Nội.

- Có nhà nghiên cứu cho rằng: Phụ nữ Hà Nội mang vẻ đẹp rất chung nhưng cũng rất riêng, không dễ lẫn với những người phụ nữ ở địa phương khác. Theo chị nét riêng đó là gì?

- Phụ nữ Hà Nội có nét đẹp chung của phụ nữ Việt Nam, nhưng lại có những nét riêng, phải sống gần, sống lâu với họ mới nhận ra. Họ có xu hướng e ấp, nép mình, luôn ý tứ nhìn trước nhìn sau, kể cả dáng đi lẫn lời ăn tiếng nói. Trong cung cách ứng xử, họ ý tứ và nhường nhịn, không ồn ào, không bon chen, thậm chí theo cách nghĩ thời đại là hơi lạc hậu. Bởi lẽ họ không nhất thiết phải giành giật hay tìm bằng được thứ gì đó cho nhu cầu cuộc sống của mình như cái cách nhiều người đang làm cuộc sống hiện đại. 

Chỉ nói riêng về cách mặc thôi cũng thấy rất rõ điều đó. Người Hà Nội không ưa sự bóng bẩy, hào nhoáng. Ví dụ như trang phục gắn kim sa, kim tuyến óng ánh là họ rất ngại, rất ngượng khi khoác lên mình. Người phụ nữ Hà Nội xưa không vướng vào suy nghĩ phải nổi bật hoặc sợ bị chìm vì trang phục. Ưa thích sự nền nã, tinh tế, họ thường chọn màu sắc trang nhã. Đi đến đâu, đến đám cưới mặc gì, đám hiếu mặc gì... đều cẩn trọng lựa chọn trang phục phù hợp. Đó là phông văn hóa có được từ sự giáo dục bài bản, kỹ càng về cung cách ăn mặc, quan niệm ăn mặc sao cho thanh lịch, nền nếp. Kể cả trong những biến thiên của thời cuộc, như lúc đất nước có chiến tranh hay kinh tế khó khăn thì họ vẫn giữ được cái sang quý bởi cách ăn mặc nhã nhặn, thanh tao.

- Chúng ta vừa nói tới những giá trị chuẩn của cái đẹp trong mỗi người phụ nữ Hà Nội. Cái đẹp ấy như nhiều người vẫn nói: Thấm đẫm văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Vậy, thành phố hơn 1000 năm tuổi của chúng ta cho chị những cảm xúc gì ?

- Mỗi ngày ra khỏi nhà để tới nhà hát, đi dưới những bóng nắng, tán cây, hòa vào lòng người trên những còn đường thân quen Phan Đình Phùng, Hàng Lược, Chả Cá, Lương Văn Can rồi đến Bờ Hồ... trong tôi lại dâng lên những niềm cảm xúc. Suốt bốn mùa, mùa nào Hà Nội cũng đẹp. Những con đường đầy không gian thơ mộng và đầy năng lượng của con người luôn cho tôi cảm giác háo hức. Tôi thật sự yêu thành phố này!

Cái quý giá nhất, tài sản lớn nhất của một con người, một địa danh, một đất nước đó chính là sự khác biệt. Tôi nghĩ vậy và tôi nghĩ Thủ đô Hà Nội rất khác biệt! Với 36 phố mang tên “Hàng”, mới nghe đến thôi đã thấy một quần thể di tích rất độc đáo, thâm nghiêm. Và những hồ nước, dòng sông, đền chùa cổ kính đều mang đến cảm giác vừa gần gũi thân thiện, vừa cởi mở. Đó chính là nét riêng của thành phố này. Tôi may mắn được đi thăm nhiều thủ đô trên thế giới, có thể nói: Hà Nội của mình 
đẹp lắm! 

Tết truyền thống - Tết sum vầy

- Được biết chị là người rất thích Tết truyền thống. Trong gia đình chị, Tết thường diễn ra như thế nào?

- Khi tôi sinh con gái đầu lòng, thấy tôi chuẩn bị đón Tết cho con khá cầu kỳ, có người nói: Trẻ con đâu đã biết Tết. Nhưng là một người mẹ như bao người mẹ khác, tôi mong muốn trang hoàng nhà cửa thật đẹp để dù cháu còn bé cũng được cảm nhận mọi thứ xung quanh trong không khí ngày Tết. Rồi con 1 tuổi, 2 tuổi, 5 tuổi, mỗi năm Tết đến, tôi vẫn trang hoàng nhà cửa, sắp đặt mọi điều đúng nghi lễ Tết dân tộc cho các con tôi được thấy Tết đúng nghĩa. Chúng tôi mê Tết nên gia đình tôi vẫn giữ mọi nền nếp gần như nguyên vẹn của Tết truyền thống, Tết đặc trưng Hà Nội.

Tôi cho rằng, mình thích phong vị Tết của nước ngoài hay Tết truyền thống là quyền của mình và con mình sẽ được hưởng điều đó. Với tôi, Tết cổ truyền, vẫn luôn đẹp và ấm áp. Tôi luôn nghĩ khi người mẹ gieo vào con mình những niềm vui cũng như khung cảnh gia đình ấm áp thì lớn lên con trẻ sẽ được như thế. Tết là dịp sum vầy của người Việt, bởi thế tôi muốn các con hiểu ý nghĩa của Tết đúng nguyên nghĩa và luôn gắn bó với gia đình.

- Hình như Tết năm nào gia đình chị cũng tự tay gói và luộc bánh chưng. Giữ lại điều đó hẳn chị muốn giữ gìn nét đặc trưng của Tết Hà Nội?

- Nhà tôi vẫn giữ việc tối thiểu của ngày Tết là tự tay gói bánh chưng, sắp lễ theo đúng cung cách của các cụ ngày xưa như mâm ngũ quả, đồ ăn, bánh mứt... Một số món ăn truyền thống có thể làm được, gia đình tôi vẫn tự làm. Trước tiên là vì ngày lễ, ngày Tết, trong gia đình có những hoạt động hay sinh hoạt chung, cả nhà sẽ rất vui. Niềm vui của Tết chính là ở đó chứ không phải bày ra la liệt cỗ bánh mình đi đặt hay mua ngoài chợ về. Nếu mời khách đến nhà, món ăn tự tay làm sẽ khác hoàn toàn với việc mua đồ có sẵn.
Hồi còn bé các con tôi không hẳn đã ý thức được việc gói bánh chưng hay làm các công việc của ngày Tết. Bây giờ thì các cháu đã đi khoe với bạn bè một cách sung sướng là nhà tự gói bánh chưng. Vài Tết gần đây, các con tôi còn xin bố mẹ được rủ các bạn về gói bánh chưng ở nhà mình. Mỗi cháu một việc, đứa thì rửa lá, đứa thì giã lá giềng để nhuộm gạo. Chúng được trải nghiệm thế nào là đun củi luộc bánh chưng. Các con vừa trông nom nồi bánh vừa nướng khoai, nướng sắn và được vui niềm vui xung quanh bếp lửa luộc bánh chưng suốt ngày tới đêm một cách thích thú. Nhiều người qua đường - trên hè phố Phan Đình Phùng nhà tôi thấy cảnh đun nấu bánh chưng cũng ghé vào. Chỉ với một nồi bánh chưng ấy thôi đã kéo theo cả một cộng đồng người háo hức ngày Tết.

- Và đương nhiên ngày Tết không chỉ có nồi bánh chưng?

- Chúng tôi cũng cùng nhau đi chợ hoa, cùng nhau chọn cành này, lựa cành kia với tâm trạng hồi hộp. Ngày áp Tết cả nhà cuống lên dọn dẹp. Bố thì cắt hoa, cắm hoa, mẹ thì làm bếp, con cái thì lăng xăng cùng bố mẹ sắp đặt. Được hưởng bầu không khí ấy với tôi là điều quý giá nhất. Khi Giao thừa đến, mọi người đều mệt nhoài ra nhưng là cái mệt trong niềm vui sum vầy. 

Nếp nhà chính là đời sống cộng đồng của ông bà, cha mẹ và con cái, trong những sinh hoạt chung, càng đông càng vui. Điều đó rất khác với những gia đình thời hiện đại. Các con tôi là sản phẩm của xã hội hiện đại, cũng đi du học, cũng có lối nghĩ hiện đại, luôn tối giản, nhưng các cháu rất yêu những nét đẹp truyền thống, văn hóa truyền thống. Có được điều đó là cả một quá trình cả gia đình, cha mẹ cùng vun đắp, giữ gìn.

- Như vậy, để gìn giữ nếp nhà và lớn hơn là giữ truyền thống văn hóa là cả một câu chuyện đúng không chị?

- Một cây hoa mua sẵn ngoài chợ rất dễ, vì chợ rất nhiều hoa và giá không quá đắt nhưng tôi cho rằng nó không thể quý bằng việc bạn gieo một cái hạt và mong chờ nó nảy mầm, lớn lên rồi ra hoa. Cái cây ấy thật sự có giá trị vì nó là thành quả của quá trình chăm sóc kỳ công. Văn hóa cũng vậy, cũng phải vun đắp từ từ, dần dần, miệt mài, nhẫn nại. Mỗi người cần nuôi nấng, gìn giữ những giá trị văn hóa trong mỗi gia đình như chính nhu cầu của họ. Mình yêu Tết vì bản thân mình yêu Tết chứ không phải mình chủ tâm hay cố tình giả bộ yêu để dạy dỗ con cái một cách gượng gạo. 

Nhân đây, tôi kể câu chuyện, đó là Tết năm ngoái, chứng kiến không khí tất bật mua sắm, sắp xếp, cậu em họ lần đầu lên nhà tôi ăn Tết nói: Năm nay là lần đầu tiên em được sống cái Tết thật sự vì ở nhà em Tết đến là mỗi người một nơi. Tết ở nhà em cái gì cũng có nhưng cái không có chính là tinh thần Tết. Và em tôi nói sang năm sẽ thay đổi quan niệm, cùng cả nhà đón Tết sao cho thật đúng nghĩa.

- Trân trọng cảm ơn Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trò chuyện với NSND Lê Khanh: Nét đẹp Tràng An và Tết truyền thống