Từng có “tiểu Thăng Long” bên sông Tích'

Trường Lịch| 14/02/2018 17:53

(NSHN) -  Vào thế kỉ XI, nhà Lý (1010-1225) cho lập làng Kinh Xá chỉ cách Thăng Long hơn hai mươi dặm đường bộ (trên 30km).

(NSHN) -  Vào thế kỉ XI, nhà Lý (1010-1225) cho lập làng Kinh Xá chỉ cách Thăng Long hơn hai mươi dặm đường bộ (trên 30km). Kinh Xá chia khu dân cư giống như ở kinh đô Thăng Long nên từng được gọi là “tiểu Thăng Long” nằm bên bờ sông Tích. Có nghiên cứu cho rằng, đó là lần đầu tiên Nhà nước đương thời thực hiện di dân và tổ chức xã hội một cách bài bản, khẳng định chủ quyền trên một phạm vi rộng lớn.

Năm 1010, vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La rồi đổi Đại La thành Thăng Long. Triều đình cho di dân ở ven thành và làng Cơ Xá, ở phía Bắc thành, giáp với làng Phúc Xá vào đất làng Cấn (nay thuộc xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), hợp với hai làng cũ và đặt tên mới là Kinh Xá. Làng Kinh Xá thời Lý chỉ cách Thăng Long hơn hai mươi dặm đường bộ (trên 30km).

Có nhiều nhận định về mục đích, ý nghĩa của việc lập làng Kinh Xá theo mô hình giống với kinh thành; trong đó, có ý kiến cho rằng, đó là lần đầu tiên Nhà nước đương thời thực hiện di dân và tổ chức xã hội một cách bài bản, khẳng định chủ quyền trên một phạm vi rộng lớn.

Làng Kinh Xá (sau gọi là Cấn Xá) nằm trên dải gò gồm 8 mỏm cao thấp nối liền nhau, mặt bằng chung giống như một lá cờ đuôi nheo; chỗ lớn nhất ở phía Đông Nam, đuôi cán cờ ở phía Tây Bắc.

Kinh Xá chia khu dân cư giống như ở Kinh đô Thăng Long, gồm 11 phường, trong đó có 10 phường ở trong làng và 1 phường ở ven sông Tích.

Phường đầu chạ là Tràng Thọ phường, nằm ở đầu làng, trên gò thứ nhất (theo cách gọi của người dân sở tại, còn lưu truyền đến nay). Phường Vàng (Hoàng phường) nằm ở gò thứ hai. Vào nửa sau thế kỉ XX, hai phường này thuộc xóm Tiên Phong. Phường thứ ba là Trung phường, vào nửa sau thế kỉ XX thuộc xóm Gương Mẫu. Phường Chợ (Thịnh Thị phường) ở cửa đình, vào nửa sau thế kỉ XX thuộc xóm Văn Minh. Cả Trung phường và Thịnh Thị phường đều nằm ở gò thứ ba. Đình, chùa và văn chỉ làng nằm ở gò thứ tư. Do thuộc xóm Văn Minh nên có phần nằm ở gò thứ năm. Phường thứ năm là Phú Cường phường, vào nửa sau thế kỉ XX thuộc xóm Văn Minh, nằm ở gò thứ năm. Hai phường tiếp theo là Đăng Khoa thượng (phường Ra trên) và Đăng Khoa hạ (phường Ra dưới). Cả Đăng Khoa thượng và Đăng Khoa hạ đều nằm ở gò thứ sáu. Hai phường này vào nửa sau thế kỉ XX thuộc xóm Tiến Bộ. Phường thứ tám là Tiền phường (phường Trước), xưa kia ở đầu con đường độc đạo dẫn vào làng, vào nửa sau thế kỉ XX thuộc xóm Đoàn Kết. Tiếp đó là Vĩnh Phúc phường, vào nửa sau thế kỉ XX thuộc xóm Quyết Tiến. Cả Tiền phường và Vĩnh Phúc phường đều nằm ở gò thứ bảy (gò này có hai đỉnh, cao tương đương nhau). Do thuộc xóm Quyết Tiến nên có phần nằm ở gò thứ tam. Phường thứ mười là Nội quần phường (phường Còn), vào nửa sau thế kỉ XX thuộc xóm Quyết Tiến, nằm ở gò thứ tám. Cuối cùng là phường thủy cư trên sông Tích gọi là Cấn Giang phường (còn gọi là phường Dưới Sông hay phường Sông Cấn). Tên gọi này xuất phát từ chỗ đoạn sông Tích dài khoảng 7km chạy qua làng Cấn còn được gọi là sông Cấn, kéo dài từ thôn Cây Chay (xã Cấn Hữu) đến Trại Cau (nay thuộc xã Phú Cát, huyện Quốc Oai).

Nhà Lý cho mở rộng các xứ đồng trong đê nên xa xưa đất đồng làng Kinh Xá (Cấn Xá) rộng đến tận Kẻ Lọc (nay là thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai), đồng Bèo (thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai), có cắm mốc phân định địa giới bằng đá xanh.

Thời đó, mỗi phường đều có một điếm (nhà tre, xưa lợp tranh, sau là nhà gỗ lợp ngói) gồm 5 gian, dùng làm nơi sinh hoạt công cộng. Riêng Trung phường và Nội Quần phường chỉ có miếu nhỏ 1 gian, 2 chái. Ngày sinh hoạt chung là ngày 11 tháng Giêng hằng năm; các cụ từ 50 tuổi trở lên đều về điếm để họp bàn việc trong năm. Phường có sổ sách theo dõi thu chi. Nhà nào có con trai đủ 16 tuổi phải khai báo để đưa vào diện dạ phường để gánh vác việc phường. Hết tuổi này thì lại chuyển cho người vào tuổi dạ phường kế tiếp. Hết tuổi dạ phường thì phải đi phu, đi phiên; nếu có nhiều tiền mua được chức phó lí thì không phải đi phu, đi phiên; sau đó nếu được hội đồng tộc biểu cử thì có thể tham gia các việc làng và phải khao làng lần nữa.

Từ xa xưa cho đến năm 1953, người Cấn Giang phường có nghề chính là đánh cá, sinh sống trên bè mảng nổi trên mặt nước. Năm 1958, khi các đơn vị hành chính mới được thành lập thì Cấn Giang phường được tách ra: Trại Cao thuộc về xã Phú Cát; Đồi Phủ thuộc về xã Hòa Thạch; còn Bến Vôi và Cây Chay thuộc xã Cấn Hữu. 10 phường xưa đã đổi thành 6 xóm.

Cấn Xá xa xưa có cả người Mường sinh sống; đến đời Lý thì người Mường mới chuyển vào vùng bán sơn địa (giáp tỉnh Hòa Bình hiện nay) và vùng núi (nay thuộc hai huyện Lương Sơn và Kì Sơn của tỉnh Hòa Bình).

Từ khi có người Cơ Xá chuyển về thì các gò đống, vườn tược, chằm dộc ở Kinh Xá (Cấn Xá) được khai hoang; đất đai được mở mang. Cho đến nay, nhiều địa danh cũ vẫn được lưu giữ như: Gò Đống Sổ, gò Đống Lim, gò Cây Sòi, gò Diều Hâu, Hốc Quýt, khu Quả Bầu, gò Phất Củ lớn, gò Phất Củ con, đồng Trảy thượng, đồng Trảy hạ...

Trước năm 1945, Cấn Xá có 39 dòng họ sinh sống, đến năm 1996 là 56 đầu họ, với 662 hộ, 650 mẫu canh tác. Ở thời điểm đó, Cấn Xá là một trong những làng có nhiều dòng họ ngụ cư nhất.

Trên đất làng Cấn Xá còn nhiều di tích cổ chứng tỏ quá trình xây dựng và phát triển qua hơn 1.000 năm, trong đó nổi bật là đình và chùa làng.

Đình Cấn Xá xây cất từ năm 1035, hoàn thành năm 1038. Trên bảng gỗ có ghi: “Thống Thụy nhị niên tuế thứ Mậu Dần” (Thống Thụy là niên hiệu từ năm 1034 đến năm 1038 của vua Lý Thái Tông, tức Lý Phật Mã, 1028-1054). Như vậy, đây là một trong những ngôi đình được xây dựng sớm nhất ở Việt Nam.
Phương ngôn có câu: “Đẹp đình So, to đình Cấn”; “Chiêng Bương, trống Cấn” chỉ quy mô, kích cỡ lớn hạng nhất của đình Cấn và trống Cấn; cùng với đó là hàm ý chỉ sự quý hiếm của các di tích, di vật ở nơi đây.

Nguyên thủy, đình Cấn Xá được làm hình chữ “đinh”, gồm 7 gian 2 dĩ (dài 39 mét, rộng 21 mét, diện tích lòng đình 819m2 ), phía sau có hậu cung (rộng 12 mét, dài 15 mét, diện tích 180m2 ), tổng diện tích lòng đình là 999m2, rất lớn so với các ngôi đình khác ở Việt Nam. Lòng đình có 6 hàng cột. Ngoài cùng là sạp gỗ, cửa gian giữa lõm xuống. Phần gỗ do 4 hiệp thợ làm nên đường nét hoàn thiện và các họa tiết có khác nhau. Trong đình còn bức hoành phi khắc 4 chữ Hán lớn: “Thánh cung vạn tuế”, cửa võng phía trước mang phong cách thời Lý.

Hiện nay, trong đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý. Đó là các tảng đá xanh kê chân cột, hình vuông (kích thước 90cm x 90cm, dày 30cm), riêng phần mặt tròn đỡ chân cột có kích thước lên tới 80cm x 80cm cho thấy các cột gỗ ngày xưa rất lớn, hiếm có ngôi đình nào có cột to như thế. Đó còn là chiếc trống Cấn cao 2,1m; bề mặt rộng 1,65m đặt trên giá gỗ. Các di vật khác như kiệu, cờ, quạt, triện bằng ngà voi... Đình còn giữ được 12 đạo sắc phong các đời vua ban, sớm nhất là sắc phong đời Lê Cảnh Hưng (năm 1784); muộn nhất là sắc phong đời Khải Định (năm 1924). Trước cửa đình hiện còn hai con voi tạc bằng đá ong nguyên khối (dài 120cm, cao 80cm, dày 40cm).

Chùa Cấn Xá (Sùng Hưng tự) xây dựng sau đình làng, trong khoảng những năm từ 1049 đến 1056 là một công trình có quy mô lớn trong khuôn viên rộng rãi. Chùa do Long Hoa Hải Hội cùng dân làng đứng ra quyên góp tiền của, hưng công xây dựng. Hiện nay, trong chùa còn bức đại tự khắc 4 chữ Hán: “Long Hoa Hải Hội” là chứng tích. Năm 1995, đình, chùa và văn chỉ Cấn Xá được công nhận là di tích Lịch sử-Văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từng có “tiểu Thăng Long” bên sông Tích'