Hoàng Đạo Thúy: “Làm gì cũng nghĩ yêu nước”

Vân Hạ| 29/01/2017 15:44

Là một người Hà Nội, suốt cuộc đời 94 năm của mình, Hoàng Đạo Thúy hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, ở lĩnh vực nào ông cũng để lại nhiều dấu ấn.

Là một người Hà Nội, suốt cuộc đời 94 năm của mình, Hoàng Đạo Thúy hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, ở lĩnh vực nào ông cũng để lại nhiều dấu ấn. Làm được điều này, ngoài khả năng và lòng nhiệt huyết, trách nhiệm, còn là bởi ông chỉ hướng về một mục đích duy nhất như ông từng tổng kết: "Dạy học 28 năm, làm Hướng đạo 15 năm, vào bộ đội 20 năm… Cả đời yêu nước. Làm gì cũng nghĩ yêu nước. Từ dạy học, làm Hướng đạo, vào bộ đội, làm trưởng Dân tộc, vì yêu nước. Đến cầm bút viết cũng vì mục đích ấy". Vậy nên, không chỉ "đóng đinh" trong vai trò của nhà giáo, nhà hoạt động xã hội, cán bộ quân đội hay nhà nghiên cứu văn hóa, mà Hoàng Đạo Thúy trước sau là một nhà yêu nước.


“Quạt cho phong trào lớn mạnh”

Năm 2016, cuốn sách Trai nước Nam làm gì? của Hoàng Đạo Thúy được tái bản đã thu hút khá nhiều người đọc, khiến nhiều người thắc mắc tại sao không phải một cuốn sách thời thượng, mà sau 73 năm vắng bóng cuốn sách vẫn gây được tiếng vang? Ấy là bởi cuốn sách ẩn trong mình hơi thở của thời đại, mà dù thời gian trôi qua rất lâu nhưng nhiều tư tưởng trong đó vẫn còn nguyên giá trị. “Thế giới đã ốm rồi” - Hoàng Đạo Thúy từng viết - “và ốm bởi vì văn minh vật chất đã lấn át các giá trị tinh thần, vì nhiều thanh niên sống không có mục đích, không có chí khí, không tự tìm lấy một con đường mà đi”. Với cách viết phân tích sâu sắc, khéo léo thuyết phục, Trai nước Nam làm gì? của Hoàng Đạo Thúy được ví như một lời kêu gọi, một cương lĩnh sống cho thanh niên. “Cái đời đáng sống” với ông là “tìm được một việc mà làm, một tôn chỉ mà theo, một mục đích mà đi tới... Như thế trên đời này, ngửa không thẹn với giời, cúi không thẹn với đất, mở mắt nhìn người không phải cúi đầu”.

“Phải tìm lấy một con đường mà đi” là lời khuyên của Hoàng Đạo Thúy cho các trai nước Nam. Và chính bản thân ông cũng tự tìm một con đường đúng đắn cho mình. Bỏ qua lời khuyên học tiếp để ra làm quan, để được mức lương cao gấp nhiều lần, sau khi tốt nghiệp trường Bưởi, chàng thanh niên Hoàng Đạo Thúy chọn nghề giáo bởi đó là “nghề tự trọng, cao quý và cái chính là không phải gần Tây, luồn cúi”. Nhưng làm thầy, không có nghĩa là chỉ truyền dạy kiến thức, đối với Hoàng Đạo Thúy người thầy còn phải có phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống để học sinh trở thành người có ích cho đất nước: “Nhà, trường và Đoàn, Đội xóa các khoảng trống bằng cách dạy các em yêu, yêu nước, yêu cha mẹ, yêu đời; luyện cho các em các thói quen làm việc tốt để giúp đồng bào, tập cho các em quen tôn trọng pháp luật”.

Đó cũng chính là tiền đề để năm 1929, ông cùng bạn đồng chí hướng thành lập Hội Hướng đạo Việt Nam. Hội đã phát triển khá mạnh mẽ, và cũng như Người Anh Cả của Hướng đạo sinh Việt Nam Hoàng Đạo Thúy, nhiều tráng sinh sau này đã trở thành cán bộ cốt cán của Cách mạng. Năm 1948, bởi yêu cầu “cần một người có sáng kiến, nhiều kinh nghiệm và tính xốc vác”, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Tổng Bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương. Trong buổi gặp mặt để nhận nhiệm vụ mới, Bác đã tặng ông một chiếc quạt với lời nhắn nhủ “dùng cái quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên”.

Suốt một đời Hoàng Đạo Thúy cứ luôn đau đáu với các nguy cơ xã hội, với giáo dục thế hệ trẻ, luôn băn khoăn về sự thay đổi của nếp sống thanh lịch, của các giá trị đạo đức đổi thay như thế, cho nên từ tạo sân chơi hướng đạo cho thanh thiếu niên khi ông ở tuổi “tam thập nhi lập” cho đến khi đã gần “bách niên giai lão”, ông vẫn còn gửi đăng bài báo Những khoảng trống đáng sợ cảnh báo về nguy cơ xã hội, về sự xuống cấp của đạo đức.

Vì tình yêu Hà Nội

Trải qua nhiều vị trí trọng trách trong ngành Giao thông công binh, Thông tin liên lạc, năm 1966, ông nghỉ hưu, bắt đầu một cuộc đời mà toàn bộ thời gian và tâm huyết ông dành cho việc nghiên cứu. Nếu trước đây, đa phần sách của ông đều liên quan đến công việc ông đang làm như các cuốn Hướng đạo sinh, Trai nước Nam làm gì?, Nghề thầy, Những ngày hè vui khỏe, Thi đua ái quốc, Thông tin liên lạc sơ lược, Ông cha ta đánh giặc như thế nào?... thì các tác phẩm giai đoạn sau này của ông hầu hết đều viết về Hà Nội. Đó là một Hà Nội qua sử liệu, một Hà Nội qua các phong tục tập quán ở nhiều thời kỳ với các tác phẩm Người và cảnh Hà Nội, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Phố phường Hà Nội xưa, Hà Nội thanh lịch.

Đường Hoàng Đạo Thúy , Trung Hòa Nhân Chính Hà Nội Ảnh: Đăng Định


Đã có người gọi ông là “nhà Hà Nội học đầu tiên”, nhưng Hoàng Đạo Thúy không đồng ý. Bởi với ông, chỉ đơn thuần là ông đang kể về Hà Nội mà ông đã sống, qua những gì ông biết, những gì ông nhớ, qua những yêu thương và nhiều trăn trở của riêng ông. Am hiểu Hán Nôm, thông thạo tiếng Pháp, lại thuộc nằm lòng lịch sử, địa lý của Hà Nội nên những chuyện phố chuyện phường, chuyện về nếp sống, về cảnh sắc, con người Hà thành mà ông kể đã hiện lên với nhiều chi tiết thú vị. Đọc các trang viết của ông, thấy rõ ràng hơn bao giờ hết nét thanh lịch Tràng An hiển hiện trong cách ứng xử, trong nếp sống của Hà Nội xưa qua từ cách ăn, cách mặc, cách nói năng, đi lại.

Không chỉ viết về Hà Nội, Hoàng Đạo Thúy còn là một “guide” về nhiều miền quê khác của đất nước. Những tháng ngày rong ruổi dạy học và hoạt động cách mạng trước đây đã cho ông có cơ hội đi nhiều, đọc nhiều, để rồi tích lũy vào trí nhớ siêu việt của mình một trường kiến thức sâu rộng về lịch sử, địa lý đất nước. Cho nên khi người vợ thương yêu đau ốm triền miên, ngày đêm chăm sóc bên giường bệnh, ông vẫn lặng lẽ kê giấy lên đùi mà khởi thảo các trang viết Đi thăm đất nước, Lên đường hạnh phúc, Đất nước ta cùng hàng trăm bài báo về nhiều lĩnh vực. Với ông, viết về đất nước qua ký ức là cách kể lại để “ôn cũ biết mới”. Biết rõ nền móng của mình như thế nào, “biết những cái vẻ vang, cũng biết cả những nỗi nhọc nhằn của ông cha ta, thì mới rõ đời ta bây giờ là quý làm sao, mới hiểu cái giá trị của đất hương hỏa này trao đến tay ta”.

Cuộc đời thanh bạch

Mang cốt cách của một nhà nho, liêm khiết và giản dị, khi về hưu năm 1966, Hoàng Đạo Thúy lập tức trả lại ngôi biệt thự được cơ quan phân trên phố Điện Biên Phủ, trở về sống tại căn nhà tổ tiên để lại ở làng Đại Yên, Ngọc Hà. Nhà lâu không có người ở, mái lợp lá gồi dột hết cả, nhưng ông cũng chẳng màng. Cuộc đời ông chỉ quan tâm đến công việc. Ngoài viết sách, ông lại loay hoay với mảnh vườn nhỏ trước hiên nhà mà trồng rau để ăn, trồng hoa để ngắm. Tuổi cao nhưng ông vẫn tự mình nấu cơm, giặt giũ, quần áo rách ông tự vá, ốm đau không than vãn mà luôn tập thể dục để rèn luyện sức khỏe. Với ông, mọi thứ tài sản là vật ngoại thân, viết được bao nhiêu bài báo, xuất bản bao nhiêu cuốn sách thì phần nhuận bút ông lại gom góp gửi giúp đỡ người tàn tật, trẻ mồ côi hết cả.

Vài tháng trước khi mất, ông dường như đã linh cảm được cuộc ra đi của mình. Ông lặng lẽ viết lời từ biệt bà con xóm phố và dặn dò con cháu việc tang cho mình thật đơn sơ, không chụp ảnh, không diễu huân chương, người mất xin không viếng bằng tiền, đối chướng, hay hoa mà chỉ dùng mấy nén hương hay mấy chữ trên một tờ giấy… cốt làm sao “tránh được đồ phúng tốn và phiền đến bà con, láng giềng”. Tài sản ông để lại cho các con chẳng có gì, “chỉ để lại cho các con cái giấy giới thiệu”. Cái giấy giới thiệu ấy chính là tấm gương cho con cháu, đổi lại ông không yêu cầu con cháu phải trả ơn bằng mâm cao cỗ đầy, mà chỉ cần “kỷ niệm bố mẹ bằng cách ăn ở”. Sau khi ông ra đi, mộ phần của ông cũng chỉ vẻn vẹn dòng chữ “Cụ Hoàng Đạo Thúy 1900-1994”, giản dị như cuộc đời của ông vậy. Đánh giá về ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: “Anh đã dành những năm tháng trong cuộc đời trong sáng và thanh bạch của mình cho sự nghiệp cách mạng của quân đội, của nhân dân, của Đảng. Thương yêu đồng chí và đồng đội, gần gũi bạn bè, hết lòng dìu dắt thế hệ trẻ, anh đã hoàn thành sứ mạng trên mọi cương vị”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàng Đạo Thúy: “Làm gì cũng nghĩ yêu nước”