Mô hình điểm về công tác xã hội hóa xóa đói, giảm nghèo

Sơn Tùng| 06/03/2023 07:30

(NSHN) - Những năm qua, ngoài chính sách hỗ trợ vốn giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, hội đoàn thể…, đã xuất hiện nhiều mô hình hỗ trợ vốn cho người nghèo do các doanh nghiệp, cá nhân tự bỏ kinh phí thực hiện, phát huy hiệu quả. Một trong những mô hình đó là ngân hàng bò của Công ty CP Ao Vua...

Được khởi xướng từ năm 2014 với số vốn 8 tỷ đồng, đến nay, sau gần 10 năm hoạt động, ngân hàng bò của Công ty CP Ao Vua đã giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

Gia đình thương binh Đinh Công Thư (thôn Gò Đình Muôn, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) ổn định cuộc sống nhờ được vay vốn từ ngân hàng bò của Công ty CP Ao Vua.

Điển hình là gia đình thương binh Đinh Công Thư (thôn Gò Đình Muôn, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội) trước đây từng là một trong những hộ cận nghèo của địa phương, kinh tế trông chờ vào mấy sào ruộng, năm 2021, qua bình xét của địa phương, gia đình ông được vay 15 triệu đồng từ chương trình ngân hàng bò của Công ty CP Ao Vua, đã đối ứng thêm một phần tiền để mua bò giống. Sau hơn 2 năm, nhờ sự tập huấn về công tác chăn nuôi cũng như sự tận tâm chăm sóc, gia đình ông Thư đã nhân lên thêm 2 con bê. Đàn bò đã trở thành tài sản lớn giúp gia đình ông Thư thoát nghèo, ổn định cuộc sống, đây là điều mà trước kia gia đình ông luôn mong mỏi, nay thành hiện thực.

Trên khuôn mặt đã bớt phần âu lo, thương binh Đinh Công Thư vui vẻ cho biết: "Tôi thấy dự án bò của Công ty CP Ao Vua rất hiệu quả. Thời gian tới, mong Công ty CP Ao Vua tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để các hộ nghèo, khó khăn được vay vốn, phát triển kinh tế".

Không riêng gia đình ông Thư, trong gần 10 năm qua, 110 hộ dân tại xã Khánh Thượng cũng được hưởng lợi từ ngân hàng bò của Công ty CP Ao Vua. Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thượng Đinh Ngọc Sơn chia sẻ: Vốn là một trong những xã miền núi khó khăn của thành phố, số hộ nghèo đông, trải dài ở 12 thôn, gần 1 tỷ đồng vốn từ ngân hàng bò của công ty đã đem tới cơ hội thoát nghèo, ổn định đời sống cho rất nhiều hộ dân. Qua tổng kết cho thấy, từ nguồn vốn hữu ích này đã góp phần không nhỏ để xã Khánh Thượng giảm hộ nghèo toàn xã, hiện còn 25 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo của địa phương chỉ còn hơn 1%, trở thành điểm sáng về xóa đói, giảm nghèo của huyện Ba Vì.

Đại diện Công ty CP Ao Vua trao vốn hỗ trợ nông dân thông qua Hội Nông dân huyện Ba Vì trong chương trình ngân hàng bò.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường nhận định: Khác với các hình thức hỗ trợ bằng vật nuôi như các ngân hàng bò khác, Công ty CP Ao Vua trao cơ hội và hỗ trợ thoát nghèo cho người dân bằng tiền mặt, người dân được chủ động lựa chọn mua giống theo khả năng, nhu cầu chăm sóc. Chu kỳ hỗ trợ vốn kéo dài tới 3 năm nông dân mới phải hoàn trả vốn để hộ khó khăn khác được vay tiếp.

Theo ông Trường, cùng với sự tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, đồng hành của cán bộ Hội cũng như cán bộ thú y, việc chăn nuôi bò của các hộ tại dự án đem lại hiệu quả cao. Đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, từ 1 con bò ban đầu của mỗi hộ dân đã nhân lên nhiều con theo thời gian. Tham gia dự án này, nhiều gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo, hộ khó khăn, ổn định cuộc sống; nhiều hộ bằng tiền bán bê cộng với sự giúp đỡ của anh em dòng họ và chính quyền địa phương đã xây dựng được nhà ở khang trang.

Đồng vốn từ ngân hàng bò của Công ty CP Ao Vua không chỉ phát huy hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ như Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn…, hàng ngàn hộ dân cũng được trao cơ hội thoát nghèo.

Đồng vốn từ ngân hàng bò của Công ty CP Ao Vua còn phát huy hiệu quả tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Có thể thấy, dự án ngân hàng bò của Công ty CP Ao Vua là mô hình tạo sinh kế cho người nghèo, giúp các hộ khó khăn vươn lên khi trao tặng, hỗ trợ trúng, đúng mục tiêu, tạo động lực để họ vươn lên tự chủ cuộc sống.

Đánh giá về mô hình hỗ trợ vốn xóa đói giảm nghèo của Công ty CP Ao Vua thông qua ngân hàng bò, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh nhận định: Với việc ủy thác đồng vốn cho các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương như Hội Nông dân… và hỗ trợ vốn bằng tiền mặt để nông dân tự quyết nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất, giúp nông dân có động lực để đầu tư chăn nuôi phù hợp nhu cầu, trình độ của gia đình.

Ông Nguyễn Đức Anh khẳng định, đây thực sự là “điểm sáng” trong công tác xã hội hóa, thu hút nguồn lực tham gia hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện tại các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ thành công của mô hình, mong rằng sẽ xuất hiện những mô hình tương tự, góp phần thu hút nguồn lực doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân, từ đó có thêm nhiều hộ thoát nghèo...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mô hình điểm về công tác xã hội hóa xóa đói, giảm nghèo