Xã nông thôn mới kiểu mẫu Đại Đồng

Minh Phú| 28/02/2023 06:35

(HNMO) - Xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp” và danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”. Phát huy truyền thống, Đại Đồng hôm nay là xã đầu tiên của huyện Thạch Thất hoàn thành đủ tiêu chí để được thành phố xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022.

Làng quê Đại Đồng.

Năm 2010, Đại Đồng là xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Thạch Thất và đã hoàn thành năm 2013. Đến năm 2018, xã tiếp tục được huyện Thạch Thất chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và đã hoàn thành năm 2020.

Hiện nay, Đại Đồng tiếp tục là xã đầu tiên của huyện Thạch Thất hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả này là minh chứng về một miền quê luôn là “điểm sáng” của huyện Thạch Thất nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung trong các phong trào thi đua.

Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, với những cách làm sáng tạo, cán bộ và nhân dân Đại Đồng đã chung sức xây dựng quê hương thành “nơi đáng sống”. Chủ tịch UBND xã Đại Đồng Kiều Thị Khuyến cho biết, đến hết năm 2022, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đã đạt 90,2 triệu đồng/người/năm. Đây là một trong những địa phương có bình quân thu nhập rất cao so với mặt bằng chung ở khu vực nông thôn Hà Nội.

Người dân Đại Đồng có thu nhập cao nhờ nhiều ngành nghề phát triển.

Lý giải về thu nhập bình quân nổi trội, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng Kiều Thị Khuyến cho biết, xã thuần nông, không có làng nghề nên hơn 20 năm qua, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân trong xã rất quan tâm đến việc dạy và học, đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động.

Xác định học tập là con đường xóa nghèo bền vững nên hằng năm, xã đều có từ 120 đến 140 học sinh phổ thông đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trường nghề. Những lao động qua đào tạo đó đã có nhiều cơ hội việc làm. Ở xã Đại Đồng, nhiều người dân làm việc trong các cơ quan nhà nước, công ty, doanh nghiệp có thu nhập cao và bền vững. 

Về sản xuất nông nghiệp, Đại Đồng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trên địa bàn xã cũng đã có các mô hình tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiệu quả cao. Điển hình là mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đồng; mô hình trồng nấm của hộ gia đình ông Nguyễn Hồng Hải; trồng hoa của hộ ông Nguyễn Hữu Cường. Ông Nguyễn Hữu Cường cho biết, gia đình có gần 2ha trồng các loại hoa ly, cúc, đồng tiền, lay ơn... Nhờ đầu tư hệ thống nhà lưới nên năng suất, chất lượng hoa bảo đảm. Ngoài trồng hoa, ông Cường còn làm giống hoa cúc cung cấp cho vùng trồng hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) và thành phố Hồ Chí Minh. 

Mô hình trồng hoa trong nhà lưới của hộ ông Nguyễn Hữu Cường.

Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Đại Đồng Kiều Thị Hà cho biết, từ năm 2021, Hội đã thí điểm mô hình trồng sen (diện tích 5ha). “Trồng sen đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật. Mùa sen, thu hoạch hoa, lá và hạt sen bán ra thị trường. Chúng tôi thực hiện mô hình với mong muốn để hội viên phụ nữ trong xã học tập, nhân rộng, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai”, chị Kiều Thị Hà cho biết.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn Đại Đồng còn một số hộ phát triển nghề mộc, làm chè kho, chè lam, kinh doanh buôn bán... Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện tham gia đóng góp xây dựng quê hương nhiều hơn. Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Ngọc Lâu Nguyễn Thanh Hải cho biết, thôn có 307 hộ dân, mới đây, nhân dân đã ủng hộ được hơn 1 tỷ đồng để xây dựng cổng và tu sửa đình làng.

Để huy động được kinh phí lớn, cấp ủy Chi bộ đã ra nghị quyết chuyên đề, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. “Chúng tôi không chia theo định mức đầu người mà vận động nhân dân ủng hộ tùy điều kiện mỗi gia đình. Năm 2022 vừa qua, thôn đã nhận đươc 860 triệu đồng do người dân ủng hộ làm cổng làng và 134 triệu đồng ủng hộ tu sửa đình cùng hàng trăm ngày công lao động. Nhiều gia đình đã ủng hộ số tiền lớn: Ông Nguyễn Đình An và Nguyễn Văn Trị, mỗi ông ủng hộ 50 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Ký ủng hộ 20 triệu đồng… Dịp Tết nguyên đán vừa qua, cả 2 công trình đều hoàn thành, nhân dân rất phấn khởi”, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm.

Cổng thôn Ngọc Lâu đã được xây dựng khang trang từ nguồn vốn xã hội hóa.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng Khuất Thanh Huyền, Đại Đồng được biết đến là đất học, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, từ năm 2020, địa phương cũng đã xây dựng được thư viện xã với 2.300 đầu sách. Năm 2022, thư viện đã đón 3.106 lượt người đến đọc và mượn sách. Việc xây dựng tủ sách nhằm lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh và người dân địa phương. Đến nay, 6/6 thôn trên địa bàn xã đều đã có nhà văn hóa khang trang, là nơi sinh hoạt, hội họp và rèn luyện thể thao cho người dân. Địa phương cũng đã quy hoạch Trung tâm thể thao xã diện tích hơn 2,8ha với kinh phí đầu tư 55 tỷ đồng cùng nhà văn hóa 400 chỗ ngồi. Sau khi việc xây dựng hoàn thành, nơi đây sẽ phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao cho nhân dân. 

Thực hiện mô hình “thôn thông minh”, Đại Đồng đã lắp đặt được 28 thiết bị wifi miễn phí tại 18 điểm như trụ sở UBND xã, khu vực tiếp dân của công an xã, trạm y tế xã, nhà văn hóa các thôn, các đình, chùa trên địa bàn, giúp nhân dân thuận tiện khi truy cập internet phục vụ đời sống và giải quyết dịch vụ công trực tuyến. Từ năm 2021 đến nay, Đại Đồng xã hội hóa được 274 triệu đồng lắp đặt hệ thống camera an ninh tại 6 thôn để kiểm tra, giám sát an ninh trật tự trên địa bàn... Mới đây, xã được Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đánh giá đủ điều kiện hoàn thành hồ sơ trình Hội đồng thẩm định thành phố xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 trên 2 lĩnh vực y tế và văn hóa. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xã nông thôn mới kiểu mẫu Đại Đồng