Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thạch Thất: Niềm vui từ những công trình mới

Ánh Dương| 26/02/2023 16:02

(HNMCT) - Nhiều năm qua, huyện Thạch Thất đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô, giai đoạn năm 2021 - 2025. Đặc biệt, việc tập trung thực hiện chính sách đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho các xã vùng núi theo Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11-11-2021 của UBND thành phố đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống, văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Nhà văn hóa thôn 3, xã Tiến Xuân (huyện Thach Thất) được xây dưng, đưa vào sử dụng góp phần phục vụ các hoạt động cộng đồng. Ảnh: Xuân Bốn

Sức sống mới qua những công trình cơ sở hạ tầng

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 và Kế hoạch 253/KH-UBND ngày 11-11-2021 của UBND thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2021 - 2025, huyện Thạch Thất triển khai thực hiện 20 dự án mới, thuộc nguồn vốn đầu tư công, tổng mức đầu tư 361,706 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều công trình giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa phục vụ lợi ích cộng đồng được xây dựng, hoàn thiện, giúp nâng cao chất lượng đời sống, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Đinh Công Lực, người dân tộc Mường, Trưởng thôn 3 của xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) hồ hởi nói: "Thôn hiện có 230 hộ dân với 1.050 nhân khẩu, trong đó có hơn 80% là người dân tộc Mường, Tày, Thái... Những năm trước, thôn có nhà văn hóa, nhưng diện tích chỉ vỏn vẹn 50m2, rất bất tiện khi địa phương tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, họp triển khai công việc, dù phải căng thêm bạt ở ngoài sân cũng không đáp ứng đủ chỗ ngồi cho đại diện các hộ dân. Từ năm 2021, thôn được đầu tư xây dựng nhà văn hóa rộng 200m2, có sân chơi thể thao, nằm trong khuôn viên 4.000m2, tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng".

Năm 2022, nhà văn hóa thôn 3, xã Tiến Xuân, được hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Ông Quách Hữu Hùng nhà ở gần nhà văn hóa thôn 3 phấn khởi nói: "Từ ngày có nhà văn hóa và sân chơi, chúng tôi hằng ngày tập luyện thể thao, chạy bộ, chơi bóng chuyền hơi..., vừa góp phần củng cố sức khỏe, vừa tăng thêm sự gắn kết cộng đồng".

Cũng theo Trưởng thôn Đinh Công Lực, đến nay, hơn 90% tuyến đường trục chính, ngõ xóm của thôn 3 đã được nhựa hóa, bê tông hóa, một số tuyến còn lại đang được đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Hầu hết các lao động trong độ tuổi của thôn đều có việc làm tại các doanh nghiệp, công ty, xưởng sản xuất trên địa bàn xã, cụm công nghiệp huyện, với thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân chung của thôn đạt 74 triệu đồng/người/năm, cả thôn chỉ còn 3 hộ cận nghèo. “Hiện nay, một số tuyến giao thông nội đồng của thôn vẫn là đường đất, hoặc rải đá cấp phối. Chúng tôi mong thời gian tới, Nhà nước tiếp tục đầu tư nhằm bê tông hóa giao thông nội đồng, để người dân đi lại, sản xuất được thuận tiện hơn” - ông Đinh Công Lực kỳ vọng.

Cũng do mới được đầu tư, đưa vào sử dụng nhà văn hóa đáp ứng 200 chỗ ngồi với các công trình phụ trợ và sân chơi, bồn hoa, trong khuôn viên 670m2, người dân thôn Luồng Lặt (xã Yên Trung) phấn khởi vì từ năm 2022 đến nay, nơi sinh hoạt cộng đồng của thôn khang trang hơn, đẹp hơn. Trưởng thôn Luồng Lặt Đinh Văn Thạo chia sẻ: Từ nhiều năm qua, người dân trong thôn luôn dành thời gian cho hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe với các môn như bóng chuyền, ném còn, kéo co, đẩy gậy... Hằng tháng, hoặc nhân dịp ngày lễ, kỷ niệm, các tổ chức, đoàn thể trong thôn lại tổ chức thi đấu giao lưu, vừa góp phần nâng cao sức khỏe, vừa chọn lựa ra những vận động viên tiêu biểu tham dự hội thi cấp xã. Cũng trong năm 2022, thôn được đầu tư dự án cải tạo nâng cấp đường trục chính rộng 9m. Đã có 10 hộ gia đình hiến hơn 400m2 đất để mở rộng đường, trong đó có 8 hộ là người dân tộc Mường, điển hình như gia đình ông Hoàng Công Thương, bà Hoàng Thị Mơ, ông Nguyễn Văn Lâm...

Tương tự, từ năm 2021 đến nay, xã Yên Bình cũng được đầu tư xây dựng mới nhà văn hóa thôn 2; xây dựng, mở rộng trường mầm non, trạm y tế... với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi

Theo thống kê của UBND huyện Thạch Thất, từ năm 2021 đến nay, huyện đã triển khai thực hiện 10 dự án với tổng mức đầu tư 116,306 tỷ đồng, xây dựng các nhà văn hóa thôn, trụ sở xã, trạm y tế, trường học, cải tạo nâng cấp một số tuyến giao thông, thoát nước... ở các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: "Công tác nghiệm thu, bàn giao các công trình để đưa vào sử dụng bảo đảm tuân thủ theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật có liên quan. Các công trình xây dựng đều bảo đảm chất lượng, tiến độ, kỹ thuật, mỹ thuật theo hồ sơ thiết kế và kế hoạch được duyệt, được bàn giao cho UBND các xã quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả phục vụ nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương".

Đáng chú ý, trong số những dự án đã và đang được thực hiện, có 8 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến lớn hơn tổng mức đầu tư của các dự án được ghi nhận trong Kế hoạch 253/KH-UBND. Cụ thể, tổng mức đầu tư trong kế hoạch là 162 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư mà huyện phê duyệt là 273,925 tỷ đồng. Do đó, huyện đang đề nghị Ban Dân tộc thành phố xem xét, báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố bổ sung thêm vốn ngân sách thành phố, hỗ trợ cho các dự án: Xây dựng, mở rộng Trường Mầm non Yên Bình (điểm thôn Thuống); nâng cấp, cải tạo phòng học, phòng bộ môn, hiệu bộ, khu thể chất, sân vườn Trường THCS Tiến Xuân, THCS Yên Bình; xây dựng, cải tạo Trường Tiểu học Yên Trung, Yên Bình A, Yên Bình B, Tiến Xuân B; xây dựng mới phòng khám đa khoa Yên Bình...

Đồng thời, huyện Thạch Thất cũng đề nghị thành phố bổ sung 18 dự án vào kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2030, tổng mức đầu tư dự kiến 415,494 tỷ đồng, trong đó đề nghị ngân sách thành phố hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025 là 337 tỷ đồng, còn lại cân đối vốn ngân sách huyện.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng khẳng định: “Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, ý nghĩa của các cấp từ Trung ương đến cơ sở, nhân dân các dân tộc miền núi của huyện đã và đang sinh sống đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, chính sách của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước; hợp tác và nghiêm túc thực hiện hiệu quả các chính sách, quy định của địa phương. Cùng với đó, đồng bào 3 xã dân tộc miền núi luôn phát huy tốt tinh thần đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nhiệt tình tham gia các phong trào ở địa phương, các hoạt động nhằm bảo tồn, khôi phục và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Năm 2023 và những năm tiếp theo, huyện Thạch Thất tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế và nhu cầu thiết yếu trong đời sống văn hóa, tinh thần và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thạch Thất: Niềm vui từ những công trình mới