Cho Thủ đô thêm xanh…

Nguyễn Mai| 25/01/2023 11:40

(NSHN) - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân", năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu trồng 400.000-450.000 cây xanh đô thị, cây ăn quả; trồng bổ sung 20-30ha rừng và bảo vệ diện tích rừng hiện có. Tết Trồng cây đã trở thành nét đẹp, được triển khai một cách thiết thực, hiệu quả tiếp tục góp phần xây dựng Thủ đô thêm xanh, sạch, đẹp hơn mỗi ngày.

Những tuyến đường cây theo chủ đề đẹp mắt được trồng ngày một nhiều ở các vùng nông thôn Hà Nội, tạo cảnh quan đẹp cho các làng quê.

Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Nhờ đẩy mạnh trồng cây xanh, đến nay, trên các tuyến đường ở huyện Ba Vì, đâu đâu cũng bắt gặp những đường hoa, hàng cây xanh đẹp mắt. Góp phần làm xanh đường quê có sự chung sức rất lớn của mỗi người dân Ba Vì.

Ông Nguyễn Văn Trường - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, năm qua, Hội đã chỉ đạo các cấp trực thuộc phát động hội viên nông dân trồng và chăm sóc “Hàng cây nông dân”. Mô hình đã thu hút hơn 5.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia, thực hiện được 46 mô hình “Hàng cây nông dân” với tổng chiều dài hơn 13.000m, tương ứng với 2.749 cây được trồng, trị giá hơn 1,2 tỷ đồng.

“Mô hình “Hàng cây nông dân” đã góp phần cải tạo cảnh quan, môi trường nông thôn, giúp các xã của huyện thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Trường cho biết.

Huyện Đan Phượng nhìn từ trên cao. Mặc dù tốc độ đô thị hóa ở địa phương diễn ra nhanh nhưng vẫn còn nhiều mảng xanh của cây trái.

Còn tại huyện Đan Phượng, 1 trong 5 địa phương đang thực hiện đề án để lên quận, cây xanh cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để huyện đạt mục tiêu đề ra. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, cây xanh trồng trên địa bàn đều đạt chất lượng tốt, phù hợp với đô thị như sấu, sao đen, long não, bàng lá nhỏ... để mỗi hàng cây là một tuyến phố đẹp trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Huy - người dân xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) cho biết: Quá trình đô thị hóa, diện tích đất ở trong các gia đình ngày càng thu hẹp, để tạo thêm không gian xanh, nhiều năm nay, gia đình tôi trồng thêm hoa, cây cảnh trong chậu cảnh. “Cây xanh vừa giúp thành viên trong gia đình thư giãn vừa làm đẹp ngôi nhà”, bà Huy vui vẻ nói.

Công viên mới hình thành ở xã Liên Trung (huyện Đan Phượng) được trồng nhiều cây xanh.

Tại huyện Phúc Thọ, Trưởng phòng Kinh tế huyện Lê Thị Kim Phương cho biết, được quy hoạch là vành đai xanh của thành phố, Tết trồng cây hằng năm, huyện Phúc Thọ đều tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, đẩy mạnh trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Bưởi, cam, xoài, mít, nhãn…

Đến nay, 3 xã: Vân Nam, Vân Phúc, Vân Hà của huyện đã trở thành vùng trồng cây ăn quả trọng điểm với những nông sản có thương hiệu như: Bưởi Tam Vân, bưởi Vân Hà, chuối Vân Nam… mang lại thu nhập cao cho người dân.

Nhiều vườn cây trái ở xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ) được trồng trong các dịp địa phương phát động Tết trồng cây.

Hưởng ứng Tết trồng cây, việc làm nhỏ nhưng mang lại lợi ích lớn. Trồng cây chẳng những làm cân bằng sinh thái, làm sạch không khí, mang lại giá trị kinh tế mà còn trở thành nét đẹp văn hóa, tô đẹp thêm làng quê, góc phố của Hà Nội…

Đồng loạt phát động Tết trồng cây

Theo Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 18-1-2023 tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão 2023 của UBND thành phố Hà Nội, năm Quý Mão 2023, Hà Nội đề ra mục tiêu trồng mới 200.000-250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến giao thông đô thị; trồng 200.000 cây ăn quả; trồng mới, trồng bổ sung 20-30ha rừng; chăm sóc 3.546ha rừng trồng; quản lý bảo vệ 6.483ha rừng phòng hộ, đặc dụng.

Trong đó, riêng đợt ra quân đầu Xuân Quý Mão 2023, toàn thành phố phấn đấu trồng 100.000-120.000 cây xanh các loại, góp phần nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng của thành phố.

Tại Kế hoạch, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố đồng loạt tổ chức lễ phát động Tết trồng cây Xuân Quý Mão năm 2023 từ ngày 27-1 (ngày mùng 6 Tết Quý Mão) đến ngày 5-2 (ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão).

Các địa phương có tổ chức lễ hội đầu xuân hằng năm cần thực hiện kết hợp lồng ghép với lễ phát động Tết trồng cây Xuân Quý Mão 2023. Địa điểm tổ chức phát động phong trào trồng cây là các khu di tích lịch sử, văn hóa, các khu đô thị mới, các công trình công cộng, trường học, bệnh viện, công viên, ven trục giao thông…

Người dân xã Kim Chung (huyện Đông Anh) thực hiện xã hội hóa trồng cây xanh nơi công cộng.

Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương trên địa bàn tổ chức Tết trồng cây đầu xuân bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức... nhằm tuyên truyền, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Với cây xanh đô thị, bảo đảm đa dạng về chủng loại, duy trì phát triển cây bản địa, bổ sung giống, loài cây nhập nội mới phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất đai địa bàn thành phố...

Hưởng ứng Tết trồng cây năm 2023, huyện Sóc Sơn phấn đấu trồng mới 15.000 cây xanh các loại và chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng hiện có. Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, UBND huyện đã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và 26 xã, thị trấn. Theo đó, mỗi xã phấn đấu trồng mới 900 cây xanh, thị trấn Sóc Sơn 200 cây, các trường học 900 cây, bệnh viện - trạm y tế 500 cây và các cơ quan, đơn vị 500 cây.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, toàn huyện phấn đấu trồng 12.000 cây xanh trở lên. Huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức phát động Tết trồng cây Xuân Quý Mão 2023 tại Trường THCS Vân Nam và đường 417 thuộc địa phận xã Vân Nam.

“Việc phát động Tết trồng cây tạo phong trào thi đua sôi nổi ngay từ những ngày đầu năm mới. Đây cũng là động lực để huyện Phúc Thọ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc góp phần giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…", đồng chí Nguyễn Đình Sơn thông tin thêm.

Người dân xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) trồng thêm xây xanh trên tuyến đường liên thôn.

Là Thủ đô nhưng Hà Nội vẫn còn hơn 27.000ha rừng (trong đó, có diện tích rừng tự nhiên là hơn 7.583ha) tập trung chủ yếu ở các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ…

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho biết, huyện thường xuyên chỉ đạo, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng trên diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có với hơn 4.950ha (trong đó rừng đặc dụng là hơn 3.493ha, rừng sản xuất là hơn 1.457ha); thường xuyên có thông tin cảnh báo về phòng cháy rừng đến các xã có rừng và cơ quan liên quan để có biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đồng thời, huyện Mỹ Đức phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm, cán bộ quản lý các cấp và các chủ rừng. 

Hay như tại Vườn quốc gia Ba Vì, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng, đơn vị quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì còn triển khai trồng thêm nhiều hoa dã quỳ, lan, đỗ quyên… để phủ kín màu xanh, tạo cảnh quan đẹp, thu hút khách du lịch…

Màu xanh của Vườn quốc gia Ba Vì.

Triển khai Tết trồng cây một cách hiệu quả chính là góp phần thực hiện tốt Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho Thủ đô thêm xanh…