Những miền quê đong đầy sắc xuân

Nguyễn Mai| 18/01/2023 14:09

(HNM) - Tết Quý Mão đang đến thật gần. Làng quê ngày một thay da đổi thịt cùng tiến trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu… Cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao là tiền đề để Hà Nội hướng tới mục tiêu nông thôn mới thông minh, hiện đại...

Xuân về trên rẻo cao Ba Vì

Mùa xuân đang gõ cửa từng ngôi nhà, từng ngõ xóm. Ở vùng quê Ba Vì, không khí đón năm mới rộn rã trong niềm hân hoan của mỗi người dân.

Tết này, xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) mang một sắc diện mới với những bức tường trắng tinh khôi hay những bức bích họa nối dài khắp xóm làng. Trưởng thôn Yên Thịnh (xã Sơn Đà) Nguyễn Xuân Thông cho biết, thôn có 318 hộ dân, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng lúa, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thực hiện cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” do Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì phát động, người dân trong thôn náo nức dọn dẹp đường làng ngõ xóm, những nhà có điều kiện ủng hộ thêm tiền để quét vôi ve, vẽ tranh tường. Thôn nhỏ chỉ với hơn 300 nóc nhà nhưng đã nhận được hơn 100 triệu đồng của những người con xa quê ủng hộ.

“Để đường làng ngõ xóm luôn sạch đẹp, sớm nào các gia đình ở Sơn Đà cũng có người dậy sớm, dọn lá rụng từ trong nhà đến ngoài ngõ. Thứ bảy, chủ nhật, các gia đình dù bận đến đâu cũng dành thời gian vệ sinh tổng thể trong nhà, ngoài vườn rồi đoạn đường trước cửa nhà mình. Ở những nơi công cộng, nơi xa khu dân cư, các đoàn thể trong thôn phụ trách việc dọn dẹp, duy trì vệ sinh…”, Trưởng thôn Nguyễn Xuân Thông nói với phóng viên Báo Hànộimới.

Năm nào cũng vậy, cứ từ ngày 25 đến 27 tháng Chạp, con cháu làm ăn nơi xa lại trở về bên gia đình nên làng quê nhộn nhịp, chợ quê cũng vậy mà đông vui hơn. Nhiều nhà đã ngả lợn “ăn đụng” sớm, vừa để làm bữa cơm Tất niên chung của chòm xóm, vừa để lấy thịt làm nhân bánh chưng. Trưởng thôn Nguyễn Xuân Thông chia sẻ: “Tết Nguyên đán năm nay, thôn Yên Thịnh có 33 cụ được mừng thọ từ 70 đến 104 tuổi, người trong thôn có thêm niềm vui...”.

Từ Sơn Đà ngược tới xã Tản Hồng nơi ngã ba hợp lưu sông Hồng, sông Đà và sông Lô, không khí đón năm mới Quý Mão cũng tràn ngập khắp xóm làng. Trên các tuyến đường từ thôn La Thiện, La Phẩm tới Vân Sa đâu đâu cũng rực rỡ cờ Tổ quốc, cờ hội... Trên những tuyến đường liên thôn khang trang, sạch đẹp có thêm nhiều chậu hoa khoe sắc được sắp đặt một cách “bắt mắt”.

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, bà Lê Thị Tính, thôn Vân Sa 2 (xã Tản Hồng) cho biết, từ tháng 5-2022, chính quyền địa phương phát động cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, các hộ dân đã bàn bạc, thống nhất hiến đất để mở đường, góp công làm sạch đẹp xóm làng.

Còn Trưởng thôn La Thiện (xã Tản Hồng) Nguyễn Văn Dung kể: Từ năm 2016, hộ gia đình ông Phương Công Thạch đã ủng hộ 2,5 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường đôi đầu làng. Hiện nay, La Thiện đã có nhà văn hóa thôn, ngoài ra, mỗi xóm còn có thêm một nhà sinh hoạt cộng đồng. Xã có 575 hộ dân và có nghề mộc truyền thống phát triển nên các gia đình đều có “của ăn, của để”, có điều kiện hơn để chung sức xây dựng xóm làng thêm khang trang, sạch đẹp.

Cuối đông, nhìn lại hành trình đã qua của huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung chia sẻ, từ một huyện khó khăn, xa trung tâm của Thủ đô, đến nay, Ba Vì đã có 4 xã “cán đích” nông thôn mới nâng cao. Những thành công trong xây dựng nông thôn mới cùng với việc tổ chức cuộc thi "Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn" đã “thay áo mới” cho các làng quê nơi rẻo cao Ba Vì.

Nối dài niềm vui

Một mùa xuân mới đang về, khí xuân lan tỏa khắp các nẻo quê từ Chương Mỹ đến Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên hay ngược sang bên kia sông Hồng là Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh... Xuân này, 382/382 xã trên địa bàn thành phố đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và có nhiều hơn các xã “cán đích” nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2022 khép lại cũng là năm có nhiều niềm vui đối với cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Mê Linh. Sau nhiều nỗ lực, Mê Linh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho biết, thành công này là tiền đề để huyện triển khai các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là các tuyến đường giao thông kết nối với đường Vành đai 3,5 và Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội nhằm tạo động lực cho địa phương phát triển. Mê Linh đang nỗ lực phấn đấu trở thành một quận của thành phố trong giai đoạn 2025-2030, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố phía Bắc Thủ đô như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị đề ra.

Năm 2022, huyện Đan Phượng, có thêm 6 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng số xã đạt chuẩn lên 11/15 xã - cao nhất thành phố. “Tấm áo mới” đang được khoác lên vùng đất ven đô trong mùa xuân này, làng quê khang trang, hiện đại, thành quả của công nghệ số, chuyển đổi số, của nông thôn thông minh đang hiện diện ở khắp các ngõ xóm, trong mỗi gia đình.

Tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng), công nghệ số được ứng dụng trong mọi mặt của cuộc sống, từ giải quyết thủ tục hành chính đến thương mại điện tử, giám sát xã hội… Trưởng thôn Tháp Thượng (xã Song Phượng) Bùi Văn Trường cho biết: Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hướng dẫn, hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ số để xây dựng mô hình thôn thông minh…

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng thông tin, Đan Phượng đã chỉ đạo các xã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ số, tương tác với chính quyền qua nền tảng số; đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử. Cùng với việc mở tài khoản thanh toán điện tử, người dân đã cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu như: Y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch... Người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu, do vậy mô hình nông thôn thông minh mang lại nhiều giá trị thiết thực.        

Năm 2022, thành phố đặt mục tiêu có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thời điểm hiện tại đã có 53 xã đăng ký phấn đấu hoàn thành. Với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Hà Nội đặt mục tiêu năm 2022 có 15 xã thì đến nay đã có 14 xã đánh giá đủ điều kiện hoàn thành.

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, nét mới ở các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là đã triển khai nhiều nội dung ứng dụng công nghệ số, mô hình thôn thông minh… Đây là cơ sở, là tiền đề để các vùng quê Hà Nội hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại phù hợp với xu thế phát triển.

Nông thôn Hà Nội đang chào đón một mùa xuân mới với những thành công mới và nhiều niềm vui mới. Phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã thật sự mang đến luồng sinh khí mới cho các làng quê ngoại thành. Một mùa xuân nữa lại về, sắc xuân rạng rỡ, đong đầy khắp các vùng quê.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những miền quê đong đầy sắc xuân