Chuyện về một làng kháng chiến

Phan Thế Hải| 18/01/2023 19:10

(HNNN) - Xã Trần Phú nằm ở vùng bán sơn địa phía tây nam huyện Chương Mỹ (Hà Nội), tiếp giáp với huyện Mỹ Đức và huyện Lương Sơn (Hòa Bình), là cửa ngõ giữa vùng đồng bằng và miền núi. Với vị trí địa lý này, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Trần Phú có vai trò rất quan trọng.

Tác giả (thứ sáu từ phải sang) và các em học sinh địa phương.

Những dấu tích còn sót lại

Làng Thướp là ngôi làng nhỏ có vị trí đặc biệt. Cách đây gần một thế kỷ, nơi đây là rừng rậm, cây cối um tùm, rất thuận lợi cho hoạt động du kích, đặc biệt là trong những trận chống càn phải đối mặt với quân đội viễn chinh Pháp được trang bị vũ khí tối tân. Ông Vũ Văn Tập đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, kể lại: Trong kháng chiến chống Pháp, Trần Phú nói chung và làng Thướp nói riêng về cơ bản là làng tự do, tiếp giáp với chiến khu Lương Sơn. Trên các ngả đường vào xã đều có trạm gác, có lực lượng ngày đêm theo dõi hoạt động của địch. Những trạm gác này có nhiệm vụ phát hiện địch từ xa, có kế hoạch báo động dây chuyền từ thôn này qua thôn khác. Các trung đội du kích, dân quân được bố trí theo từng thôn, trong đó trung đội du kích cơ động trong toàn xã, được bố trí ở những hướng trọng yếu. Do bị tập kích nhiều lần, chịu tổn thất lớn nên địch đã có nhiều trận tấn công chiếm làng. Trước một kẻ địch vượt trội về quân số và phương tiện, lực lượng du kích buộc phải rút vào rừng để bảo toàn lực lượng.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Trần Phú là xã thuộc vùng địch hậu, nơi có hệ thống địa đạo dưới lòng đất dài hàng ngàn mét nối với các cơ sở cách mạng hoạt động suốt cuộc kháng chiến. Cũng tại đây, lực lượng du kích kháng chiến đã từng phải đối mặt với nhiều trận càn khốc liệt của quân đội Pháp và lính viễn chinh. Trong những cuộc đối đầu không cân sức đó, nhiều cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng địch tạm chiếm đã bị bắt, bị tra tấn dã man, một số đã anh dũng hy sinh nhưng ta vẫn bảo toàn được lực lượng để tiếp tục trường kỳ kháng chiến cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Bí thư Đảng ủy xã Trần Phú, ông Trần Văn Khải lục tìm trên giá sách, đưa cho chúng tôi xem cuốn “Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Trần Phú” được đóng bằng bìa cứng khá đẹp. Lật tìm, chúng tôi thấy những dòng ghi lại: “Song song với xây dựng lực lượng chiến đấu, Chi bộ phát động và tập trung chỉ đạo phong trào toàn dân xây dựng làng kháng chiến. Trên cơ sở học tập kinh nghiệm làng kháng chiến của Liên Bắc và nhất là làng kháng chiến với hệ thống giao thông hầm của Tam Hưng anh dũng, Chi bộ đã chỉ đạo Ủy ban kháng chiến hành chính xã, Xã đội vạch phương án cụ thể rào làng, đào hệ thống giao thông hào, hầm bí mật xây dựng thành làng chiến đấu liên hoàn trên phạm vi toàn xã”. Với tinh thần của cuộc chiến tranh nhân dân, Chi bộ xã dựa vào các tổ chức đoàn thể mà lực lượng nòng cốt là dân quân du kích, Đoàn Thanh niên, qua đó đã huy động toàn dân đóng góp công sức, phương tiện rào làng, đào giao thông hào, hầm trú ẩn... theo phương án đã định. Để đảm bảo bí mật, việc đào địa đạo được tiến hành vào ban đêm.

Ông Vũ Xuân Hòa, Đại tá về hưu, có bố và hai chú ruột từng tham gia kháng chiến kể: Lực lượng du kích hồi đó có bố của ông, cụ Vũ Văn Thức (1916 - 1995), hai chú ruột - cụ Vũ Văn Hành (1918), cụ Vũ Tiến Tu (1919), và nhiều cán bộ kháng chiến khác. Về địa đạo, người dân trong làng đã đào hàng năm trời để có được một hệ thống ngầm kết nối với nhau. Cứ độ dăm mét có một lỗ thông hơi để những cán bộ nằm vùng có thể sống và làm việc như trên mặt đất. Miệng hầm ở ngay sát vị trí nhà thờ họ Vũ hiện nay. Nơi đó được ngụy trang bằng nia, trên đó có cót quây thóc.

Mùa đông năm 1949, trước những thất bại liên tiếp trên chiến trường, quân Pháp đã thực hiện một cuộc càn quét quy mô lớn nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến của làng. Địch đã huy động lực lượng khoảng 1 tiểu đoàn, chia làm 2 mũi: Một mũi từ Quảng Bị qua Lễ Khê tiến vào, một mũi từ Ba Thá qua Phượng Luật đi lên. Hàng trăm lính lê dương đã dùng thuốn sắt dài hơn một mét liên tục xỉa nát các khu vườn của làng để tìm hầm bí mật. Đã có người bị thuốn xuyên trúng nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, không để lộ bí mật.

Nhìn lên di ảnh được lưu lại ở nhà thờ họ Vũ, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Chiến tranh đã lùi xa. Trên quê hương xóm Thướp, những dấu vết của địa đạo đã che giấu cán bộ không còn nữa. Bên cạnh cửa hầm bí mật ngày nào giờ đã mọc lên một cây đại to đang mùa thay lá. Những người du kích năm xưa nay cũng đã lần lượt ra đi.

Nỗi lòng người hôm nay

Câu chuyện về những người du kích năm xưa vẫn được truyền tụng trong làng, nhưng những người được nghe câu chuyện ấy cũng đang già đi. Huyện nào cũng có tài liệu về lịch sử của địa phương, thậm chí cấp xã cũng có những trang viết về quê hương của mình. Nhưng chuyện làng Thướp thì chưa được viết ra một cách sinh động và chi tiết. Đó cũng là nỗi trăn trở của anh Vũ Xuân Hòa, người luôn nặng lòng với quê hương.

Đi qua ngôi đình làng Thướp, nơi có tấm biển bằng đá ghi: “Di tích lịch sử đình làng Thướp đã được xếp hạng”, chúng tôi gặp các cháu học trò đang tụ tập ở đây để chơi bóng đá. Hỏi thăm rằng, có cháu nào biết câu chuyện về ngôi làng huyền thoại trong thời kỳ chống thực dân Pháp hay không, các cháu trả lời hồn nhiên rằng “không!”.

Sẽ tốt hơn rất nhiều cho lớp trẻ nếu khi lớn lên các em được nghe những câu chuyện lịch sử về chính ngôi làng của mình. Đó là cách tốt nhất để giới trẻ được tiếp thêm nguồn cảm hứng từ truyền thống cách mạng, từ lịch sử một ngôi làng anh hùng. Những giá trị văn hóa, lịch sử của làng sẽ là hành trang quan trọng cho các cháu trên bước đường lập nghiệp, cống hiến cho đất nước sau này. Với những chiến tích lịch sử hào hùng, nơi đây có thể trở thành địa chỉ đỏ cho các thế hệ học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về một làng kháng chiến