Môi trường xanh ở vùng nhãn chín muộn

Nguyễn Mai| 14/11/2022 15:45

(NSHN) - Xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) từ lâu đã được biết đến là “vựa” nhãn chín muộn của thành phố Hà Nội. Không chỉ giỏi làm vườn, người dân trong xã còn tích cực hưởng ứng xây dựng nông thôn mới nâng cao thông qua việc chung sức giữ môi trường xanh, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) hỗ trợ các gia đình lắp hố ủ và gói men vi sinh để xử lý rác thải hữu cơ.

Giàu có từ nghề nông

Có thể thấy, làm nông nghiệp rất vất vả, nhiều rủi ro nên người nông dân khó để giàu được. Song, với Đại Thành, nhờ cần cù, chịu khó, lại gìn giữ, phát triển được giống cây ăn quả đặc sản là giống nhãn chín muộn nên nhiều hộ dân nơi đây có cuộc sống đầy đủ. Theo thống kê của chính quyền địa phương, trên địa bàn xã đã chuyển 100% diện tích (128ha) đất trồng lúa sang cây ăn quả.

Nhãn chín muộn Đại Thành còn được người dân gọi là nhãn méo bởi quả nhãn không tròn như các giống nhãn thông thường. Anh Trần Hữu Khoa - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành cho biết, giống nhãn muộn Đại Thành hiện nay có nguồn gốc từ cây nhãn tổ trên 100 năm tuổi ở xã. Nhãn này có đặc điểm quả to, hơi méo, cùi dày, vàng ươm, ngọt sắc. Nhãn Đại Thành hợp thổ nhưỡng nên cho năng suất và chất lượng vượt trội so với trồng ở các vùng khác. Sản phẩm đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể, được thành phố Hà Nội chứng nhận OCOP, được tiêu thụ ở nhiều kênh phân phối lớn như siêu thị, bếp ăn tập thể, xuất khẩu. Vụ nhãn năm 2022 của Đại Thành đạt sản lượng 1.700 tấn, thu về khoảng 37 tỷ đồng.

Những hố ủ rác thải hữu cơ trong vườn của các hộ gia đình ở Đại Thành (huyện Quốc Oai).

Gia đình bà Trịnh Thị Mơ (ở xóm 7, thôn Độ Tràng, xã Đại Thành) có hơn 6.200m² trồng nhãn. Sau khi thu hoạch quả, thời điểm này, gia đình bà đang tập trung tỉa cành, phun thuốc trừ rệp để cây nhãn vào thời kỳ ngủ đông. Việc chăm sóc có vai trò quan trọng để cây khỏe mạnh, mùa xuân tới, cây ra lộc, ra hoa...

Cũng từ khi vùng trồng nhãn chuyên canh tập trung hình thành, người dân Đại Thành phát triển thêm nghề mới - nuôi ong lấy mật. “Nuôi ong trong vườn cây ăn quả giúp tăng tỷ lệ thụ phấn cao cho cây trồng. Hiện, cả xã có 10 hộ nuôi ong, sản lượng mật mỗi năm đạt khoảng 50 tấn, mang lại nguồn thu nhập rất khá cho các hộ dân” - ông Lý Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành cho biết.

Ngoài trồng nhãn, khoảng 500 hộ dân ở Đại Thành còn trồng rau và vào nội thành bán rau, hoa quả nên thu nhập ngày một nâng cao… Đến nay, thu nhập bình quân của Đại Thành ước đạt 69 triệu đồng/người/năm, xã không còn hộ nghèo.

Giữ môi trường xanh

Đại Thành đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí để về đích xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022. Theo Chủ tịch UBND xã Đại Thành Lý Đình Quang, đến nay xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí. “Trong số 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, môi trường là tiêu chí khó. Chính vì vậy mà xã quyết liệt thực hiện tiêu chí này, trong đó có việc phân loại rác thải tại nguồn”, ông Quang nói.

Việc phân loại rác thải tại nguồn ở xã Đại Thành có nhiều lợi thế. Đó là các gia đình ở Đại Thành hầu như nhà nào cũng có vườn rộng, vừa là điểm ủ rác thải hữu cơ vừa tạo ra phân sạch bón cho cây trồng. Việc làm nhỏ vừa giúp vệ sinh môi trường tốt hơn, giảm lượng rác thải ra môi trường, vừa mang lại giá trị kinh tế cho các hộ, bởi tiết kiệm tiền mua phân bón cho vườn cây.

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhu (ở xóm 3, thôn Đại Tảo, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai) ủ rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng.

Tham gia phân loại rác tại nguồn, phụ nữ là lực lượng nòng cốt. Chị Nguyễn Thị Thêu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đại Thành cho biết, từ tháng 3-2022, Hội đã làm điểm, chọn 75 hộ gia đình cán bộ, đảng viên… tham gia. Hội hỗ trợ các gia đình 28 lắp hố ủ và 75 gói men vi sinh, cũng như quy trình kỹ thuật ủ phân. Thấy hiệu quả rõ rệt nên dù hỗ trợ không nhiều nhưng người dân vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua men vi sinh và tự đào hố ủ rác hữu cơ. Sau 3 tháng làm điểm, Hội tổ chức đánh giá mô hình và vận động các hộ dân tham gia. Đến nay, cả xã Đại Thành có 1.400 hộ chủ động phân loại rác tại nguồn và đào hố ủ rác trong vườn nhà.

Bà Nguyễn Thị Nhu (ở xóm 3, thôn Đại Tảo) cho biết: “Mỗi ngày nhà tôi phát sinh khoảng 2kg rác thải sinh hoạt. Nay tôi phân loại rác thải có thể tái chế để riêng bán đồng nát, rác thải hữu cơ đem ủ phân, chỉ còn thải ra xe rác 1kg. Rác được ủ trong thùng phuy nhựa lớn, tạo ra nguồn phân hữu cơ đáng kể. Nhờ đó mà tiết kiệm chi phí mua phân bón cho cây trồng”…

Sạch từ nhà ra ngõ, làng quê Đại Thành ngày một phong quang, sạch đẹp hơn. Cả 3/3 thôn của xã Đại Thành đều có tuyến đường kiểu mẫu, đường hoa cùng những vườn cây ăn quả xanh mướt, góp phần tô điểm cho vùng quê ven đô ngày càng giàu đẹp, thanh bình...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Môi trường xanh ở vùng nhãn chín muộn