Nguồn vốn Quỹ Khuyến nông: Điểm tựa phát triển sản xuất

Sơn Tùng| 13/11/2022 06:52

(HNM) - Thời gian qua, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ hiệu quả nhiều hộ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Như một điểm tựa quan trọng, nguồn vốn của Quỹ đã góp phần phát triển nông nghiệp Thủ đô bền vững.

Nhờ được vay vốn quỹ khuyến nông, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Ba Vì... đã xây dựng được mô hình nông nghiệp chuyên canh, hàng hóa giá trị cao.

Tạo “bệ phóng” phát triển sản xuất

Mới đây, hộ gia đình ông Phùng Văn Phượng (thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) được vay 500 triệu đồng từ Quỹ Khuyến nông thành phố để phát triển kinh tế. Nhờ nguồn vốn này, gia đình ông Phượng đầu tư cải tạo chuồng trại, chăn nuôi 10.000 con gà đẻ. Theo ông Phùng Văn Phượng, với mức phí quản lý 0,5%/tháng, chu kỳ vay vốn kéo dài 24 tháng, lại được cán bộ khuyến nông tận tình giúp đỡ hoàn thiện thủ tục vay vốn, gia đình ông có điều kiện mở rộng quy mô trang trại, kinh tế ngày càng phát triển, lợi nhuận đạt 500-600 triệu đồng/năm.

Tương tự, hộ anh Hoàng Tiến Lưu ở xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh) 2 lần được vay vốn từ Quỹ Khuyến nông thành phố: Lần đầu vay 500 triệu đồng, lần thứ hai vay 450 triệu đồng để mua máy gặt đập liên hợp. Vào mùa vụ, anh Lưu đưa máy đi thu hoạch lúa trên địa bàn Hà Nội và địa phương lân cận với giá công thu hoạch 1 sào lúa 130.000-180.000 đồng, trừ các loại chi phí, lãi khoảng 35-40% doanh thu. “Nếu không có nguồn vốn đi kèm chính sách trả góp từ Quỹ Khuyến nông, chúng tôi sẽ không dám đầu tư vào lĩnh vực cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp vì thời gian sử dụng máy móc ít, khấu hao lâu”, anh Lưu khẳng định.

Không chỉ tạo “bệ phóng” cho hàng ngàn nông dân Thủ đô phát triển kinh tế, Quỹ Khuyến nông Hà Nội còn trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, qua đó tạo đột phá trong cơ giới hóa nông nghiệp Thủ đô.

Về hiệu quả của Quỹ Khuyến nông thành phố, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm nhận xét, từ nguồn quỹ này, nhiều nông dân, chủ trang trại ở Quốc Oai thêm cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh... Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đông Anh Lê Quang Đức cho biết, bên cạnh hỗ trợ vốn vay ở mức tối đa, Trạm Khuyến nông huyện Đông Anh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng sử dụng trang thiết bị máy móc cơ giới hóa; phối hợp với chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về ứng dụng cơ giới hóa, nâng cao năng suất, chất lượng lúa hàng hóa. Giá trị sản phẩm của các phương án tăng 10-30% so với khi chưa được vay vốn Quỹ Khuyến nông.

Tiếp tục đồng hành hiệu quả

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, nguồn vốn Quỹ Khuyến nông đã góp phần không nhỏ trong định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho người dân nông thôn. Đặc biệt, trong suốt 2 năm chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, nguồn quỹ đã khẳng định vai trò đồng hành với nông dân vượt qua khó khăn, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Từ khi thành lập (năm 2002) tới nay, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã giải ngân hơn 4.000 lượt hộ vay, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vốn sản xuất của các chủ trang trại, hộ sản xuất. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/người/tháng; góp phần khai thác, sử dụng tiềm năng đất đai, mặt nước hiệu quả, tạo giá trị sản phẩm hàng hóa đạt 250-500 triệu đồng/ha/năm.

Theo Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đông Anh Lê Quang Đức, người dân đánh giá rất cao chính sách không tính lãi và trả góp dần trong vòng 3 năm của chương trình cho vay phát triển cơ giới hóa mà thành phố Hà Nội đang triển khai rộng khắp. Tuy nhiên, để được vay vốn Quỹ Khuyến nông, yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải có tài sản thế chấp, cụ thể là đất đai. Không ít tổ chức, cá nhân muốn vay vốn nhưng khó tiếp cận do không có tài sản bảo đảm. Đây cũng là vấn đề mà cơ quan quản lý Quỹ Khuyến nông tiếp tục rà soát, nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp tình hình mới.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, trong bối cảnh ngành Nông nghiệp Thủ đô thường xuyên đối diện thiên tai, dịch bệnh, để đáp ứng nhu cầu phát triển, Trung tâm Khuyến nông cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ Khuyến nông. Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách liên quan tới hoạt động của Quỹ, đề xuất với các sở, ngành liên quan để báo cáo UBND thành phố có sự điều chỉnh phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ, quan trọng hơn là để ngày càng có nhiều hộ nông dân, chủ trang trại tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn vốn Quỹ Khuyến nông: Điểm tựa phát triển sản xuất