“Mái ấm” của người khuyết tật

Nguyễn Mai| 11/11/2022 11:30

(NSHN) - Ở xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn có một hợp tác xã đặc biệt - "mái ấm chung" dành cho những người khuyết tật và do người khuyết tật làm chủ. Đó là Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng do chị Đinh Thị Quỳnh Nga làm giám đốc.

Tổ sản xuất hàng may mặc luôn có hơn 20 người lao động làm việc.

Trái tim hồng lan tỏa yêu thương

Bản thân là người khuyết tật, lại giảng dạy tại Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn nên chị Đinh Thị Quỳnh Nga (sinh năm 1977, trú ở Hồng Kỳ, Sóc Sơn) đã trăn trở rất nhiều trước những khó khăn, vất vả của người khuyết tật. Với họ, tự chăm sóc bản thân đã khó, chứ nói gì đến xin được việc làm và có thu nhập hằng tháng.

Từ những trăn trở đó, năm 2009, chị Nga đã thành lập nhóm “Trái tim hồng” để tập hợp các chị em là người khuyết tật, cùng làm các công việc: In ấn, làm hoa khô, làm tranh sơn dầu và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Nung nấu ý định phát triển nhóm để hoạt động bài bản hơn, năm 2015, chị Đinh Thị Quỳnh Nga đã thành lập Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, mở rộng sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng như: Than sinh học, sản phẩm may mặc, nông sản, dịch vụ quán cà phê… thu hút nhiều người khuyết tật đến làm việc.

Nói về tên gọi “Trái tim hồng”, chị Nga cho biết, đó là câu chuyện rất xúc động về một thành viên trong nhóm. “Chị ấy không may mắc bệnh tan máu bẩm sinh nên tháng nào cũng phải đi truyền máu ở bệnh viện. Dù hằng ngày phải chống chọi với bệnh tật, nhưng chị ấy rất nỗ lực làm việc để không là gánh nặng cho người thân và cuộc sống có ý nghĩa hơn. Chính nghị lực và sự vươn lên của chị ấy, chúng tôi đã quyết định đặt tên nhóm là “Trái tim hồng”. Đó là trái tim sưởi ấm cho thật nhiều, nhiều hơn nữa những mảnh đời khiếm khuyết, động viên để họ tự tin sống hòa nhập, làm việc và đóng góp cho cộng đồng”, chị Nga xúc động nói.

Bản thân chị Đinh Thị Quỳnh Nga là người khuyết tật chân nên đã rất thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người cùng cảnh ngộ. Hiểu từng căn bệnh, từng sự khiếm khuyết của mỗi người nên chị luôn cố gắng sắp xếp công việc sao cho phù hợp, để mỗi người phát huy được tốt nhất khả năng của mình. Ví như, khuyết tật ở chân thì sẽ được phân công những việc cần tới tay nhiều hơn. Với những người thông minh, nhạy bén, chị cho đi đào tạo và phân công làm tổ trưởng các tổ sản xuất; một số bạn có năng lực được cho đi học tin học văn phòng phụ trách mảng đánh máy, thiết kế đồ họa, photocopy...  Nhờ đó mà ai cũng có thể tìm được việc làm phù hợp.

Hợp tác xã sản xuất than hoạt tính tận dụng phế phẩm của quá trình làm hạt gỗ, vừa giúp bảo vệ môi trường vừa mang lại giá trị kinh tế.

Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã, chị Nga đã bàn bạc, thống nhất trong Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, căn cứ tình hình lao động là người khuyết tật, tổ chức các ngành hàng trong Hợp tác xã phù hợp. Đến nay, Hợp tác xã đã tổ chức 7 ngành hàng chính: Photocopy và dịch vụ văn phòng phẩm; sản xuất hạt gỗ mỹ nghệ; đan xâu hạt gỗ, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng hạt gỗ; trồng nấm; dịch vụ cà phê, giải khát; xưởng may công nghiệp; xưởng sản xuất than không khói.

Tính đến nay, Hợp tác xã đã tạo việc làm trực tiếp cho 38 lao động và việc làm bán thời gian cho 40 lao động, chủ yếu là phụ nữ khuyết tật, bảo đảm thu nhập bình quân 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Những xã viên tham gia Hợp tác xã không chỉ có cơ hội kiếm thêm thu nhập mà còn đã thay đổi rất nhiều từ tâm lý tự ti sang tâm lý tự tin. Chị Hoàng Thị Liên, Tổ trưởng Tổ trồng nấm cho biết: “Tôi bị khuyết tật chân nên trước đây, không bao giờ dám thử mặc váy, đi giày. Thế nhưng, đến nay tôi đã xóa được mặc cảm đó, biết làm đẹp cho chính bản thân mình và tự tin hơn trong cuộc sống”.

Chị Đặng Thị Bình bị liệt 2 chân, chị được phân công làm việc ở Tổ trồng nấm của hợp tác xã.

Lan tỏa hành động tích cực, ý nghĩa

Những ngày cuối thu này, khu xưởng sản xuất của Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng luôn nhộn nhịp không khí làm việc, tiếng nói cười vui vẻ. Ở đó, những bạn trẻ đang chăm chỉ làm việc, cố gắng để đáp lại sự tận tâm của người thầy, người chị đã giúp họ vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.

Khu vực tập trung đông lao động nhất là các tổ làm hạt gỗ mỹ nghệ và may mặc, mỗi tổ có từ 20 đến 30 lao động. Với xưởng sản xuất hạt gỗ, hợp tác xã sản xuất đa dạng sản phẩm như: Chiếu gỗ hương, khoác ghế ô tô, đệm lót văn phòng, gối đầu massage, túi xách mỹ nghệ, vòng đeo tay, dây đeo cổ… Trong đó, có 8 sản phẩm đã được thành phố Hà Nội công nhận đạt OCOP 4 sao. “Kể từ ngày được công nhận, sản phẩm được tiêu thụ tốt hơn, khách hàng tự tìm đến tận nơi để đặt hàng. Từ thành công này, năm 2022, hợp tác xã tiếp tục chọn sản phẩm nấm sò trắng tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm đạt 3 sao”, chị Nga nói.

Nhiều người khuyết tật đã tìm được niềm vui khi tham gia lao động tại Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng. Trong ảnh, người lao động tham gia đan hạt gỗ mỹ nghệ.

Trong quá trình sản xuất hạt gỗ mỹ nghệ, nhận thấy phế phẩm gỗ thải ra sau quá trình sản xuất khá nhiều, chị Nga đã có ý tưởng tái chế thành than hoạt tính để làm chất đốt, bảo vệ môi trường. Không khói, không mùi, không chất kết dính và không độc hại, than hoạt tính đã được nhiều hộ gia đình, các nhà hàng trong và ngoài thành phố sử dụng. Chị Nga cho biết: Điều rất mừng đối với hợp tác xã đó là trong quá trình hoạt động luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ rất nhiều của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ví như, UBND huyện Sóc Sơn tạo điều kiện cho Hợp tác xã bằng cách ký hợp đồng in Giấy khen cho huyện nên tổ in ấn luôn có việc làm thường xuyên. Huyện cũng giới thiệu cho các đơn vị lựa chọn hợp tác xã để ký hợp đồng may đồng phục cho các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn… nên tổ may cũng không khi nào hết việc.

Vừa qua, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng hỗ trợ đơn vị tham gia các khóa đào tạo bán hàng online để tìm kiếm khách hàng mới. Còn các cơ quan báo chí truyền thông giúp hợp tác xã nhiều bài viết tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, lan tỏa ý nghĩa tích cực đến cộng đồng… đó là những sự giúp đỡ quý báu để hợp tác xã của những người khuyết tật trụ vững và ngày càng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Mái ấm” của người khuyết tật