Đổi thay ở xã miền núi Yên Trung

Nguyễn Mai| 24/10/2022 12:10

(NSHN) - Là xã đặc biệt khó khăn khi từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) hợp nhất về huyện Thạch Thất (thành phố Hà Nội, năm 2008), đến nay, Yên Trung đổi thay mạnh mẽ: Những sườn đồi phủ xanh cây ăn quả cùng nhiều nghề mới mang cho người dân cuộc sống tươm tất, đủ đầy...

Thanh long ruột đỏ phủ xanh sườn đồi ở xã Yên Trung (huyện Thạch Thất).

Là xã dân tộc miền núi - nơi có tới 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường sinh sống nhưng đến tháng 6-2022, thu nhập bình quân của Yên Trung đạt 62 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung khu vực nông thôn toàn thành phố (đến hết năm 2021 là 54 triệu đồng/người/năm). Đến Yên Trung hôm nay gặp những cánh đồng xanh mướt, những vườn thanh long ruột đỏ và bưởi phủ xanh sườn đồi.

Ông Kiều Bá Hòa, ở thôn Sổ Tơi, xã Yên Trung cho biết, trước đây, vườn đồi của gia đình chỉ trồng keo hoặc sắn, nay đã chuyển 4ha sang trồng thanh long ruột đỏ, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn... Đặc biệt, cây thanh long ruột đỏ rất thích hợp với vùng đất đồi, đá sỏi như Yên Trung.

“Mỗi tháng, tôi cắt quả 2 lần vào trước ngày rằm và mùng một âm lịch. Thương lái đến tận vườn thu mua với giá 15-20 nghìn đồng/kg. Trồng thanh long, hiệu quả hơn hẳn so với các cây trồng khác, doanh thu từ vườn thanh long của gia đình đạt hơn 700 triệu đồng/năm”, ông Hòa cho biết.

Phát huy lợi thế đồi, núi địa hình thoáng, rộng, nhiều hộ dân ở Yên Trung đã thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Tại thôn Đầm Bối, hộ ông Nguyễn Văn Chiến đang nuôi 5 con bò sinh sản, ông cho biết, gia đình chọn giống bò BBB nuôi sinh sản. Đây là giống bò cho sản lượng thịt rất cao, đang được người chăn nuôi ưa chuộng. Mỗi con bê từ khi sinh ra, ông Chiến nuôi thêm 6 tháng, bán được 20-22 triệu đồng.

Theo Chủ tịch UBND xã Yên Trung Đinh Công Long, xã chuyển dịch lớn trong cơ cấu lao động với khoảng 1.000 người có việc làm ổn định tại Khu công nghiệp Quang Tiến (tỉnh Hòa Bình), Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất). Xã còn có khoảng 50 lao động nữ làm công nhân vệ sinh môi trường ở nội thành, được ô tô của các công ty đón và trả về trong ngày.

“Các lao động nữ chủ yếu ở tuổi 45-55 tưởng như rất khó tìm được việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp bởi chưa qua đào tạo nghề nhưng rất phù hợp với việc cắt tỉa cây, lau kính, dọn vệ sinh bởi sự chịu khó, khéo léo”, ông Long nói.

Những đổi thay ở xã Yên Trung hôm nay khiến diện mạo làng quê khác xa so với thời điểm cách đây gần 15 năm khi mới sáp nhập từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về Hà Nội - năm 2008. Thời gian đó, giao thông các ngõ xóm ở Yên Trung chủ yếu là đường đất; thôn Hương chưa có điện lưới; trường, trạm thiếu thốn.

Với sự quan tâm đầu tư của thành phố và huyện Thạch Thất cùng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, năm 2018, Yên Trung hoàn thành xây dựng nông thôn mới, hạ tầng khang trang với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Nhà văn hóa thôn Đầm Bối (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất) được đầu tư xây dựng khang trang.

Hiện nay, Yên Trung tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao. Năm 2022, Yên Trung đầu tư thêm 2 tuyến đường từ trung tâm xã nối với tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, mỗi tuyến có chiều dài 150m; triển khai sửa chữa các tuyến đường ngõ xóm nhỏ hẹp, vận động người dân hiến đất, mở rộng các ngã ba, ngã tư để đi lại thuận lợi hơn. Mới đây, Yên Trung hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng nhà văn hóa mới ở thôn Luồng Lặt. Sắp tới, xã nâng cấp trụ sở làm việc của Đảng ủy, UBND xã...

Cùng với các công trình hạ tầng được nâng cấp, tạo diện mạo mới cho làng quê, Yên Trung triển khai trồng cây xanh và hoa, chủ yếu là hoa ban, hoa phong linh, vừa có bóng mát vừa tạo cảnh quan... Xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2025.

Tuy có sự chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, song Yên Trung còn một số trăn trở. Theo Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung Nguyễn Trung Hiếu, trên địa bàn xã có quy hoạch Nghĩa trang Yên Trung - đây là dự án quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2018, quy mô 120ha, thời gian đầu tư trong 3 năm. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “treo”, chưa thực hiện. Từ khi công bố quy hoạch dự án, các hộ dân nằm trong quy hoạch không được phép xây dựng, cải tạo nhà ở và các công trình phúc lợi. Giao thông thôn Hương – nơi quy hoạch dự án đã xuống cấp nhưng do vướng quy hoạch nên không được đầu tư.

Bên cạnh đó, từ khi thi công xây dựng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình qua xã, một số tuyến giao thông, thủy lợi bị ảnh hưởng, dẫn đến khó khăn trong sản xuất nông nghiệp như: Hệ thống thủy lợi nội đồng Nà Khạ, thôn Đồng Tơi; tuyến giao thông đối diện cổng vào đơn vị D97 kho K813, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

“Dự án cao tốc đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2016 nhưng đến nay, chủ đầu tư là Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình chưa xây dựng hoàn trả các công trình trên. Chúng tôi mong muốn thành phố và huyện có giải pháp mạnh yêu cầu chủ đầu tư dự án sớm hoàn trả các công trình để người dân thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ tịch UBND xã Yên Trung Đinh Công Long kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay ở xã miền núi Yên Trung