Chuyển dịch cơ cấu sản xuất để xây dựng nông thôn mới

Kim Nhuệ| 03/10/2022 07:42

(HNM) - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập cao… là cách làm hiệu quả ở nhiều xã của huyện Mỹ Đức. Hướng đi này không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn giúp địa phương sớm hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới...

Mô hình liên kết doanh nghiệp trồng cây cà gai leo tại xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Quan sát thực tế tại nhiều xã của huyện Mỹ Đức, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, nhiều diện tích trước đây bị bỏ hoang hoặc trồng ngô, chuối, lạc, đu đủ… cho giá trị thấp, hiệu quả bấp bênh thì nay được thay thế bằng vùng sản xuất tập trung cây trồng cho giá trị cao, như: Cà gai leo ở các xã Phù Lưu Tế, Đại Hưng; bưởi Diễn ở xã Bột Xuyên; rau má ở xã Mỹ Thành… Nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả do khó khăn về nguồn nước tưới, thấp trũng hoặc xa khu dân cư… được chuyển thành khu chăn nuôi gà, lợn theo quy trình VietGAP ở các xã: Phúc Lâm, An Mỹ; ao nuôi trồng thủy sản ở các xã: Hợp Tiến, Hợp Thanh…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn cho biết, là huyện thuần nông, nằm trong quy hoạch phát triển nông nghiệp của Thủ đô, thường xuyên bị ảnh hưởng lũ rừng ngang... Mỹ Đức gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Để giải quyết vấn đề này, Mỹ Đức yêu cầu các xã xây dựng nông thôn mới chủ động quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, an toàn, hiệu quả; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ngành nghề từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp… phù hợp với thực tế địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của huyện Mỹ Đức, nhiều xã trên địa bàn khai thác tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Theo Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Tế Trịnh Thế Biển, để nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, xã đã liên kết với Công ty TNHH Dược Tuệ Linh chuyển 6ha sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cà gai leo làm dược liệu, bước đầu mang lại tín hiệu tích cực.

Trò chuyện với phóng viên, bà Phạm Thị Thủy, người dân xã Phù Lưu Tế cho hay, gia đình có 3 sào đất, trước đây trồng lúa. Trừ các loại chi phí, như: Cày, cấy, gặt, phân bón, mỗi năm chỉ lãi được khoảng 1,2 triệu đồng nếu không bị thiên tai, dịch bệnh. Được địa phương vận động, gia đình đã cho Công ty TNHH Dược Tuệ Linh thuê đất để trồng cây cà gai leo với giá 1,1 triệu đồng/sào/năm. Ngoài ra, bà còn được doanh nghiệp thuê làm cỏ, thu hoạch cà gai leo với mức thù lao 150.000-170.000 đồng/ngày công. Nhờ những nguồn thu nhập trên, đời sống của gia đình đã bớt khó khăn.

Để tránh tình trạng “được mùa - mất giá” trong sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn Đặng Minh Đức cho biết, xã đã liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam sản xuất hơn 67ha lúa hàng hóa, chất lượng cao gắn với tiêu thụ sản phẩm. Nhờ cách làm này, thu nhập của người trồng lúa cao hơn, ổn định hơn so với trước đây...

Khai thác tiềm năng, thế mạnh, huyện Mỹ Đức đã hình thành vùng trồng cây ăn quả với 187ha; vùng sản xuất lúa chất lượng cao với 1.400ha; vùng trồng rau 134ha… Trên địa bàn huyện có 35 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn và 700ha nuôi trồng thủy sản tập trung, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, ứng dụng công nghệ cao… Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn, Mỹ Đức đang tăng cường liên doanh, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản kết hợp xây dựng nông thôn mới với chương trình giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng diện tích trồng cây vụ đông xuân 2022-2023…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển dịch cơ cấu sản xuất để xây dựng nông thôn mới