Chăm lo đời sống nơi thôn bản

Nhật Minh| 24/09/2022 07:50

(HNMCT) - Tác động của dịch Covid-19 khiến giá cả thị trường bấp bênh, ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh, song những người làm công tác dân tộc đã nỗ lực ổn định đời sống, sinh hoạt của bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại Hà Nội. Đến các thôn bản trong giai đoạn “bình thường mới”, thấy rõ việc nâng cao chất lượng đời sống của bà con dân bản luôn là ưu tiên hàng đầu trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc ở vùng DTTS Thủ đô.

Buổi sinh hoạt CLB cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Ảnh: Văn Thắng

Chính sách “gõ cửa” từng nhà

Phải ghi nhận, công tác dân tộc và chính sách dân tộc không chỉ chạm đến thôn bản, mà còn bước vào từng nhà dân, tới từng đối tượng cụ thể. Dìu bà con đi trên hành trình xây dựng đời sống mới, không ai làm tốt hơn những người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Thế nên, chính sách dân tộc luôn ưu tiên các già làng trưởng bản. Trong những tháng đầu năm 2022, Ban Dân tộc đã trình UBND Thành phố phê duyệt danh sách bầu bổ sung, thay thế và đưa ra khỏi danh sách "Người có uy tín trong đồng bào DTTS giai đoạn 2022 - 2023".  Sau đó, Thành phố tổ chức tập huấn và đưa một đoàn người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh phía Bắc; ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về việc hỗ trợ hằng tháng đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Mỗi khi Tết Nguyên đán cận kề, người làm công tác dân tộc lại đến tận nơi thăm hỏi, tặng quà người có uy tín, các đối tượng chính sách. Như Tết Nguyên đán 2022, Ban Dân tộc đã tận tay trao tặng 161 suất quà trị giá 500.000 đồng/người...

Để nâng cao đời sống người dân, Ban Dân tộc đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội tổng hợp nhu cầu, giúp bà con vay vốn theo chương trình tín dụng chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tổng số vốn vay là 675 triệu đồng (năm 2022 là 425 triệu đồng, năm 2023 là 250 triệu đồng). Không chỉ hỗ trợ đồng bào “chiếc cần câu” để phát triển kinh tế, ổn định đời sống, 5 huyện có xã thuộc vùng DTTS “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong những dịp lễ Tết. Như dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các cấp, ngành của huyện Quốc Oai đã thăm hỏi, tặng 884 suất quà, trị giá 499 triệu đồng, cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, người có uy tín; các cấp, ngành và tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn huyện Thạch Thất đã thăm và tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có uy tín với tổng kinh phí 750,6 triệu đồng...

Những người làm công tác dân tộc đã dành tâm huyết khơi nguồn bản sắc văn hóa truyền thống để “tưới mát” đời sống thôn bản. Năm 2022 này, huyện Ba Vì đã có Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 337/KH-UBND ngày 13-10-2021 của UBND huyện về bảo tồn văn hóa DTTS giai đoạn 2021 - 2026 và những năm tiếp theo; huyện Quốc Oai tổ chức cho 2 CLB cồng chiêng của 2 xã tham gia các hoạt động biểu diễn... Đó là chưa kể từng địa bàn vùng DTTS đã chủ động tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tích cực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng...

Ông Nguyễn Phúc Hải, Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội đánh giá: “Việc triển khai thực hiện công tác dân tộc, các chương trình, chính sách dân tộc đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng; tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi cơ bản ổn định; công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm; cấp ủy, chính quyền các địa phương linh hoạt trong thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội tại vùng đồng bào DTTS được đảm bảo ổn định”.

Kiểm tra việc sử dụng ngân sách phát triển vùng DTTS

Rất nhiều chương trình, chính sách dân tộc đang được triển khai thực hiện hiệu quả ở vùng DTTS Thủ đô, với điểm sáng cần được ghi nhận là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030. Ngay trong chặng đầu triển khai thực hiện chương trình mục tiêu này, thấy rõ Hà Nội dành ưu tiên cho mục tiêu nâng cao đời sống của bà con dân bản.

Trong bối cảnh ngân sách đầu tư công có nhiều khó khăn, Thành phố vẫn bố trí nguồn lực lớn hằng năm cho vùng DTTS và miền núi Thủ đô. Tính đến tháng 7-2022, Hà Nội đã bố trí 983 tỷ đồng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS theo Kế hoạch số 253/KH-UBND (Kế hoạch ngày 11-11-2021 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030). UBND các huyện chỉ đạo nghiêm túc, kịp thời, thành lập tổ giám sát cộng đồng, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng tình ủng hộ việc triển khai thực hiện các dự án tại địa phương. Theo ông Nguyễn Phúc Hải, Ban Dân tộc Thành phố đã có văn bản gửi UBND các huyện, yêu cầu rà soát, cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 đối với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô để tổng hợp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thành phố theo quy định.

Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 253/KH-UBND đến nay đã góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS Thủ đô, thu hẹp dần và tiến tới không còn khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào vùng dân tộc miền núi so với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội. Dù quá trình triển khai Kế hoạch số 253/KH-UBND cơ bản đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ là vậy, nhưng theo đánh giá của Ban Dân tộc Thành phố, việc triển khai thực hiện một số nội dung theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2030, nhất là đối với nguồn vốn sự nghiệp, chưa bảo đảm tiến độ. Thế nên, theo ông Nguyễn Phúc Hải, từ nay đến cuối năm 2022, Ban Dân tộc sẽ tham mưu UBND Thành phố thành lập đoàn kiểm tra việc triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030 tại các địa phương, trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo và đề xuất với UBND Thành phố bố trí kế hoạch vốn năm 2023.

Rõ ràng, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc nơi các thôn bản của Hà Nội luôn ưu tiên việc cải thiện đời sống cho đồng bào. Từ chính sách thăm hỏi, hỗ trợ vay vốn cho đến những chương trình lớn hướng tới việc phát triển toàn diện đời sống bà con luôn được thực hiện kịp thời, được giám sát chặt chẽ. Đó là cơ sở để đặt niềm tin cho việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa vùng DTTS và vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.

“Công tác dân tộc, chính sách dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt; được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, Ủy ban Dân tộc hướng dẫn, chỉ đạo sát sao, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, được đồng bào các dân tộc phấn khởi đón nhận và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Để thực hiện tốt Chiến lược công tác dân tộc, các cấp, ngành, các địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc cần phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc khắc phục tồn tại, hạn chế để triển khai thực hiện tốt hơn nữa công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới. Đặc biệt là cần tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chăm lo đời sống nơi thôn bản