Tổ hội nghề nghiệp giúp đỡ nhau ở Hoài Đức

Ánh Dương| 12/09/2022 07:36

(HNM) - Việc thành lập các tổ hội nghề nghiệp trên địa bàn huyện Hoài Đức đã và đang góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các hộ làm nghề, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó còn góp phần vun đắp tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư.

Việc thành lập các tổ hội nghề nghiệp giúp nông dân huyện Hoài Đức đẩy mạnh phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyễn Thanh

Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Hoài Đức, tính đến nay, toàn huyện đã thành lập được 14 tổ hội nghề nghiệp, như: Chế biến phở bún khô, sản xuất và tiêu thụ rau an toàn VietGAP, trồng cây ăn quả, vườn ao chuồng, sản xuất tượng Phật… tại các xã: Minh Khai, Tiền Yên, Sơn Đồng, Song Phương, Đức Thượng…

Các tổ hội nghề nghiệp đã phát huy được tính tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo và nâng cao trách nhiệm của hội viên. Nhiều tổ hội xây dựng được những mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; bước đầu hình thành cho hội viên nông dân tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Phương Lê Vĩnh Phiến cho biết, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp trong phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã đã tổ chức các buổi tham quan mô hình trồng rau sạch, cây giống, cây ăn quả của một số hội viên nông dân xã cho 15 cán bộ, hội viên. Ngoài ra, hội tổ chức 1 buổi tập huấn tại vườn do ông Nguyễn Văn Hải - hộ có kinh nghiệm lâu năm trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) trực tiếp hướng dẫn. Cùng với đó, hộ tổ chức rà soát các hộ hội viên có diện tích đất nông nghiệp trồng cây ăn quả, rau giống để vận động tham gia tổ hội... Nhờ đó, xã Song Phương đã thành lập được 4 tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả, trồng rau sạch với 32 hội viên tham gia, canh tác trên tổng diện tích 4,5ha.

Tương tự, tại xã Đức Thượng cũng thành lập được 3 tổ hội nghề nghiệp làm vườn ao chuồng, chăn nuôi. Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Phú Đa, xã Đức Thượng Nguyễn Hồng Vinh cho hay, đầu năm 2022, Chi hội thành lập được 1 tổ hội nghề nghiệp làm vườn ao chuồng với 7 thành viên tham gia, canh tác trên tổng diện tích gần 3.000m2, tập trung chăn nuôi vịt, gà, lợn, thả cá và trồng các loại cây ăn quả như ổi, nhãn… Các hội viên trong tổ hội tích cực giúp nhau trông nom chuồng trại; hỗ trợ nhau kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây, con giống nhằm nâng cao chất lượng nông sản và giới thiệu đầu mối tiêu thụ sản phẩm ổn định. Đáng chú ý, cũng nhờ thông qua tổ hội nghề nghiệp, các thành viên trong tổ hội còn được tiếp cận, vay vốn ưu đãi với hàng trăm triệu đồng để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh chia sẻ: "Việc xây dựng, thành lập các tổ hội nghề nghiệp đã giúp hội viên nông dân trên địa bàn huyện tin tưởng, gắn bó hơn với tổ chức Hội; chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở xã, thị trấn và các chi hội, tổ hội được nâng lên rõ rệt; tính gắn kết, cộng đồng trách nhiệm của các chi hội, tổ hội cơ sở được nâng cao…

Từ nay đến cuối năm 2022, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển thêm nhiều tổ hội nghề nghiệp. Đặc biệt, trong tháng 9-2022, các Hội Nông dân xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đăng ký thành lập thêm 9 tổ hội nghề nghiệp, góp phần tích cực trong đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và chung sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ hội nghề nghiệp giúp đỡ nhau ở Hoài Đức