Đại Áng phát huy giá trị truyền thống

Ngọc Quỳnh| 02/09/2022 08:14

(HNM) - Làng khoa bảng Nguyệt Áng thuộc xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) từ xưa được mệnh danh là “đất Trạng” bởi có nhiều người đỗ đạt, làm quan trong triều đình. Phát huy truyền thống quê hương, người dân Đại Áng hôm nay luôn chú trọng đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống...

Sơ chế thủy sản tại Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì). Ảnh: Thu Xuyến

Là làng quê chiêm trũng nhỏ bé nhưng Nguyệt Áng là quê hương của nhiều nhân tài có công lớn với đất nước. Cùng với xã Tả Thanh Oai, Nguyệt Áng là ngôi làng khoa bảng thứ hai ở huyện Thanh Trì. Người đầu tiên đỗ đại khoa là Nguyễn Danh Thự (Thọ) đỗ Tiến sĩ năm 1631 khi mới 29 tuổi.

Từ đầu thế kỷ XVII, vượt qua khó khăn, thiếu thốn, làng Nguyệt Áng gia nhập hệ thống các làng có nhiều người đỗ đạt qua các kỳ thi nho học, trở thành một trong 22 làng khoa bảng tiêu biểu của cả nước và là một trong 6 làng khoa bảng tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội với 11 vị đỗ đại khoa, 30 vị đỗ trung khoa...

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đại Áng Trần Quốc Oai, truyền thống học hành, khoa cử của cha ông xưa kia và những thành công của nền giáo dục mới chính là điểm tựa vững chắc, là nguồn nội lực để người làng Nguyệt Áng phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng hiện đại, văn minh...

Cùng với phát huy truyền thống hiếu học, người dân nơi đây rất chú trọng giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống của quê hương. Ông Nguyễn Bá Đài, Trưởng thôn Vĩnh Thịnh cho biết, nghề đan nón đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đến nay, thôn Vĩnh Thịnh của xã Đại Áng có 594 hộ với 1.198 người tham gia nghề làm nón, chiếm 65% tổng số hộ dân trong làng. Làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh đã được công nhận là làng nghề truyền thống của thành phố Hà Nội. Không chỉ quảng bá hình ảnh, thương hiệu làng nghề đến với khách hàng, nơi đây còn hướng đến xây dựng làng quê trở thành điểm du lịch, góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân...

Bên cạnh đó, người dân Đại Áng còn tích cực chuyển đổi nhiều diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Theo Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng Nguyễn Văn Thiêm, với diện tích 10ha, hợp tác xã đã liên kết với các hộ dân để nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao. Đến nay, mô hình liên kết các hộ dân đạt sản lượng hơn 1.000 tấn/năm, sau khi trừ chi phí, thu lãi 7 tỷ đồng/năm, tạo việc làm và thu nhập cao cho khoảng 20 lao động.

Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Thanh Toàn cho biết, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Đại Áng tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025. Trong đề án trở thành phường khi huyện Thanh Trì trở thành quận của Thủ đô, Đại Áng đã đạt 16/18 tiêu chí, 2 tiêu chí chưa đạt gồm: Cân đối thu - chi ngân sách và tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn. Xã phấn đấu đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đạt hơn 66 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo.

Ghi nhận kết quả tích cực của Đại Áng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho rằng, từ truyền thống hiếu học của quê hương, thời gian tới, Đại Áng cần tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Đại Áng cần duy trì, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kết hợp rà soát các tiêu chí xây dựng xã thành phường. Cùng với chú trọng công tác quy hoạch đất đai, cây xanh, giao thông, trường học, phát huy truyền thống quê hương, Đại Áng cần tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục - đào tạo để các thế hệ trẻ nơi đây không chỉ đạt đỉnh cao về trí tuệ, tri thức mà còn có phẩm chất đạo đức, tinh thần đổi mới trong xây dựng quê hương Đại Áng nói riêng và Thủ đô nói chung ngày càng giàu đẹp, văn minh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại Áng phát huy giá trị truyền thống