Hồi sinh vùng rau xanh

Ngọc Quỳnh| 27/08/2022 07:17

(HNM) - Hiện nay, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình ở phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) hoạt động khá hiệu quả. Việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đã giúp thành viên hợp tác xã tăng thu nhập, đồng thời bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sinh thái. Nhờ vậy, vùng vùng rau xanh Hòa Bình đã được hồi sinh.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình Trịnh Văn Vĩnh cho biết, năm 2008, ô nhiễm môi trường nguồn nước ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phường Yên Nghĩa. Để có hướng phát triển mới, hợp tác xã đã triển khai mô hình rau an toàn với diện tích 53,8ha, trong đó có 11,7ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ sản xuất theo hướng an toàn, hợp tác xã đã có 6 sản phẩm là rau mùng tơi, su hào, cải mơ, bắp cải, đậu trạch, cà chua đạt chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

“Việc sản xuất theo hướng an toàn đã thay đổi tư duy về làm nông nghiệp của các thành viên, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cho năng suất và chất lượng tốt. Hợp tác xã đang sản xuất các loại rau, củ, quả như: Súp lơ, bắp cải, su hào, rau ngót, rau cải các loại, cà chua, bầu, bí, mướp… cung cấp khoảng 640 tấn/năm cho các bếp ăn tập thể, siêu thị, cửa hàng tiện ích, doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm”, ông Trịnh Văn Vĩnh cho biết thêm.

Còn theo bà Nguyễn Thị Bình (tổ 15, phường Yên Nghĩa), trước đây các hộ dân chỉ sản xuất rau theo phương pháp truyền thống, chủ yếu tưới bằng nước sông Nhuệ, khi dòng nước bị ô nhiễm, gia đình bà chuyển sang tưới bằng nguồn nước sạch. Hiện 20% sản lượng rau của gia đình bà Nguyễn Thị Bình bán cho hợp tác xã, số còn lại được thương lái thu mua tại ruộng. Mỗi ngày, gia đình bà bán ra thị trường 50-60kg rau, củ các loại, sau khi trừ chi phí thu lãi 6-8 triệu đồng/tháng.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi liên kết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, qua kiểm tra thực tế tại khu trồng rau an toàn của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình cho thấy, đơn vị thực hiện đúng quy trình sản xuất, phun thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm thời gian cách ly, nông dân thường xuyên ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng. Đây là điều kiện cần thiết để các ngành chức năng cấp mã QR, người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Còn theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, để nông dân sản xuất đúng quy trình, Chi cục phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cho 100% thành viên của hợp tác xã.

Về hướng phát triển thời gian tới, ông Trịnh Văn Vĩnh cho biết, hợp tác xã tiếp tục hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường cung cấp trực tiếp cho các trường học, bếp ăn tập thể… Hợp tác xã rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi sinh vùng rau xanh