Chương Mỹ sử dụng hiệu quả nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Kim Nhuệ| 24/08/2022 13:48

(NSHN) - Mặc dù thu nhập còn thấp nhưng hơn 10 năm qua, người dân Chương Mỹ đã đóng góp tới gần 1.246 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Đáng quý hơn, sự đóng góp này là hoàn toàn tự nguyện... Tất cả đã tạo nên diện mạo mới của nông thôn Chương Mỹ hôm nay.

 Diện mạo nông thôn huyện Chương Mỹ hôm nay. Ảnh: Kim Thoa

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết, từ năm 2010 đến 2021, toàn huyện đã huy động được gần 7.560 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; trong đó, vốn ngân sách nhà nước là hơn 4.937 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách (doanh nghiệp, hợp tác xã, nhân dân đóng góp) là gần 2.623 tỷ đồng...

Sử dụng vốn ngân sách nhà nước, huyện Chương Mỹ tập trung xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng như: Giao thông, trường học, trụ sở, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao, nhà văn hóa thôn, hạ tầng nông nghiệp và phát triển sản xuất nông nghiệp...

 Nhiều trường học được đầu tư xây mới, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh huyện Chương Mỹ. Ảnh: Kim Thoa

Đối với vốn ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là vốn nhân dân đóng góp, các xã tập trung đầu tư kiên cố hệ thống giao thông và thoát nước ngõ, xóm; tu bổ, tôn tạo đình, đền, chùa...

Dù thu nhập bình quân còn thấp nhưng hơn 10 năm qua, người dân Chương Mỹ đã tự nguyện đóng góp tới gần 1.246 tỷ đồng; trong đó gần 1.065 tỷ đồng tiền mặt, 98.279 ngày công lao động, hiến 2.286m2 đất thổ cư và 57,12ha đất nông nghiệp... để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng... Tiêu biểu trong phong trào ủng hộ quê hương xây dựng nông thôn mới là ông Nguyễn Xuân Đông, Giám đốc Công ty TNHH An Quý Hưng đã ủng hộ gần 4 tỷ đồng xây dựng nhà đa năng Trường Trung học cơ sở Trường Yên với diện tích 520m2; đổ bê tông sân Trường Tiểu học xã Trường Yên...

Chia sẻ kinh nghiệm trong huy động và sử dụng nguồn lực của nhân dân, ông Hoàng Minh Hiến thông tin, huyện chỉ đạo các xã tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, công bố công khai danh mục công trình, hạng mục công trình cơ quan thẩm quyền đã phê duyệt để người dân trực tiếp quyết định đầu tư, huy động nguồn lực và tự quản lý, sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp thông qua ban phát triển thôn hoặc ban giám sát cộng đồng...

 Nhiều tuyến giao thông, cây cầu được nâng cấp, xây mới, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của người dân huyện Chương Mỹ. Ảnh: Kim Thoa

Nói cách khác, "việc đóng góp của người dân là hoàn toàn tự nguyện, không xảy ra hiện tượng ép buộc, huy động quá sức dân. Tất cả số tiền người dân đóng góp bằng tiền mặt chủ yếu là để chỉnh trang, xây dựng các di tích lịch sử, công trình tôn giáo, tín ngưỡng và đều được vào sổ, ghi chép công khai. Chính vì vậy mà 10 năm qua, huyện Chương Mỹ chưa nhận đơn thư nào phản ánh về việc yêu cầu người dân đóng góp để xây dựng nông thôn mới", Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến nhấn mạnh.

Nhờ các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân đoàn kết, chung sức và sự quan tâm của thành phố Hà Nội, đến nay, 30/30 xã của huyện Chương Mỹ đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng khang trang, hiện đại, cảnh quan môi trường ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Đáng chú ý, thu nhập bình quân của người dân Chương Mỹ năm 2021 đạt 63,09 triệu đồng, cao gấp 6 lần so với năm 2010... Theo kế hoạch, ngày mai (25-8), huyện Chương Mỹ công bố và đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Chương Mỹ đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chương Mỹ sử dụng hiệu quả nguồn lực xây dựng nông thôn mới