Tín hiệu tích cực từ mô hình nuôi dê

Sơn Tùng| 20/07/2022 07:33

(HNM) - Với lợi thế nguồn thức ăn dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm qua, huyện Sóc Sơn khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm..., trong đó có mô hình nuôi dê sinh sản và dê thương phẩm. Mô hình này tạo nên tín hiệu tích cực khi bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Mô hình chăn nuôi dê tại xã Đức Hòa (huyện Sóc Sơn) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình bà Đỗ Thị Hồng là một trong những hộ chăn nuôi dê quy mô lớn ở xã Đức Hòa (huyện Sóc Sơn). Bà Đỗ Thị Hồng cho hay, so với nuôi trâu, bò thì nuôi dê tốn ít công chăm sóc. Dê là loài động vật ăn tạp nên tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, thời gian nuôi từ 6 đến 8 tháng/lứa; đầu ra cũng tương đối ổn định, tư thương đến tận nơi thu mua nên nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao. Để hỗ trợ các hộ chăn nuôi dê, các cơ quan chức năng từ xã đến huyện đã tổ chức tập huấn lồng ghép kỹ thuật chăn nuôi dê, giúp bà con áp dụng vào thực tế chăn nuôi một cách hiệu quả...

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Hưng ở xã Nam Sơn cũng là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo từ chăn nuôi dê thương phẩm. Nhằm giúp hộ anh Hưng thoát nghèo, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ nguồn vốn vay để gia đình phát triển mô hình chăn nuôi dê. Hiện, gia đình anh Hưng có đàn dê hơn 40 con/lứa. Không chỉ thoát nghèo thành công, hộ anh Hưng đang từng bước trở nên khá giả nhờ nuôi dê...

Cùng ở xã Nam Sơn, hộ anh Nguyễn Văn Thư cũng là hộ nuôi dê sinh sản và dê thương phẩm quy mô lớn. Theo anh Thư, điều kiện địa hình, khí hậu tại địa phương khá phù hợp để chăn nuôi dê. Từ thực tế đó, năm 2019, gia đình anh bắt đầu nuôi 15 con dê cái. Những lứa đầu dê sinh sản, anh giữ lại toàn bộ dê con để nhân giống và tăng đàn lên 50 con. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 100 triệu đồng. “Trong năm nay, gia đình tôi tăng đàn dê lên 80-100 con để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập cho gia đình”, anh Thư cho biết thêm.

Ông Phạm Ngọc Yên - Tổ trưởng Tổ chăn nuôi dê xã Nam Sơn cho hay, từ chỗ chỉ có vài hộ chăn nuôi dê, nhưng nhờ hiệu quả kinh tế cao, nguồn thu nhập ổn định, việc nuôi dê đang được nhân rộng trên địa bàn. Từ đó, xã thành lập Tổ chăn nuôi dê để các hộ dân thêm kênh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi. Thông qua hoạt động của tổ, đầu ra cho dê giống và thịt dê thương phẩm được bảo đảm; sản lượng dê giống và thịt dê được tiêu thụ ổn định, thậm chí nhiều thời điểm không có hàng để bán. Hiện, trên địa bàn xã Nam Sơn có 20 hộ dân phát triển mô hình nuôi dê, nâng tổng đàn lên gần 500 con. Trong đó, nhiều hộ tận dụng diện tích đồi rừng để chăn thả tự nhiên nên chất lượng thịt dê thơm ngon, được khách hàng đánh giá cao, giá bán ổn định với thu nhập 50-150 triệu đồng/hộ/năm.

Nói về nghề chăn nuôi dê trên địa bàn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn Nguyễn Quốc Ân đánh giá, đây là mô hình kinh tế mới, phù hợp địa thế nhiều xã, nhất là các xã đồi gò. Mô hình nuôi dê không đòi hỏi nguồn vốn lớn, quy trình chăm sóc không quá phức tạp, đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ của thị trường cao nên tiềm năng phát triển rất lớn, giá cả ổn định. Hiện nay, mô hình nuôi dê sinh sản và thương phẩm đã lan rộng ra nhiều xã trên địa bàn với quy mô hàng nghìn con. Thời gian tới, huyện Sóc Sơn tiếp tục vận động bà con tận dụng điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình này. Để hỗ trợ người nuôi dê, các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên toàn địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu tích cực từ mô hình nuôi dê