Người cao tuổi góp tay xây dựng nông thôn mới

Hiền Phương| 03/07/2022 06:45

(HNM) - Tham gia xây dựng nông thôn mới là một trong 3 chương trình trọng tâm mà Hội Người cao tuổi Thủ đô đề ra từ năm 2015. Từ đó, người cao tuổi không chỉ cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, mà còn tự nguyện góp công, góp của làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, chung sức xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, giàu, đẹp.

Người cao tuổi xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ) tham gia xây dựng đoạn đường nở hoa kiểu mẫu.

Những việc làm cụ thể

Năm 2021, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) được thành phố Hà Nội công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu và góp phần làm nên thành tích này có vai trò không nhỏ của người cao tuổi. Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đan Phượng Tạ Văn Thảo cho biết: “Chúng tôi vận động các thành viên trong gia đình phân loại rác thải ngay tại nhà và đổ rác đúng nơi, đúng thời gian quy định; vệ sinh xóm, ngõ vào sáng thứ bảy hằng tuần; chăm sóc vườn hoa, cây xanh xanh tốt quanh năm. Ngoài ra, người cao tuổi ủng hộ 64m2 đất thổ cư, 5.600 ngày công lao động và 360 triệu đồng để tôn tạo, xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương”.

Tương tự, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) Vũ Xuân Tặng chia sẻ, người cao tuổi cùng tham gia mở rộng đường giao thông liên thôn, liên xã, rải nhựa và bê tông hóa 15km đường trục của xã, trồng cây xanh và 2,5km đường hoa với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng.

Trong xây dựng nông thôn mới ở xã Tản Hồng (huyện Ba Vì), Hội Người cao tuổi được xác định là lực lượng đi đầu trong thực hiện tang văn minh. Được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Hội Người cao tuổi tuyên truyền vận động, năm 2021, xã có 70/72 ca hỏa táng, đạt 92,5%; quý I-2022 có 29/30 ca hỏa táng, đạt 93,38%. Anh Nguyễn Văn Quý (xã Tản Hồng) chia sẻ: “Được tuyên truyền vận động nên người dân, nhất là lớp người cao tuổi đã thay đổi nhận thức về việc hỏa táng, góp phần để việc tang ngày càng văn minh hơn”.

Nhằm góp phần đưa xã Yên Sở thành đơn vị đầu tiên của huyện Hoài Đức đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, người cao tuổi của xã đã động viên con cháu, gia đình đóng góp 418 triệu đồng và 5.288 ngày công xây dựng đường giao thông; đóng góp 7,2 tỷ đồng tôn tạo Khu di tích lịch sử Quán Giá, 405 tỷ đồng xây dựng và cải tạo nhà ở, công trình vệ sinh, 955 triệu đồng đầu tư nâng cấp hệ thống điện.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) Nguyễn Đắc Quý cho biết: “Cán bộ, hội viên người cao tuổi còn tích cực tham gia phong trào thi đua: Tuyến đê nở hoa, đường làng, ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với việc thực hiện đề án xây dựng xã Yên Sở thành phường”.

Tiếp tục phát huy vai trò của người cao tuổi

Phát huy vai trò người cao tuổi Thủ đô tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội đã ký kết chương trình phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội giai đoạn 2015-2021, 2021-2025. Trong 5 năm qua, thành phố tổ chức 9 lớp tập huấn cho 1.500 cán bộ; cấp huyện, xã tổ chức 125 lớp tập huấn cho hơn 8.000 cán bộ Hội Người cao tuổi về xây dựng nông thôn mới. Hội Người cao tuổi các cấp của 18 huyện, thị xã đã vận động hội viên hiến 425.634m2 đất, đóng góp 960.308 ngày công, ủng hộ gần 247 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Toàn thông tin, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố xác định tham gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức hội các cấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cấp ủy, chính quyền một số cơ sở chưa thấy hết vai trò của người cao tuổi, một số hội viên coi tuổi già như sự an phận, thiếu tự chủ và quyết tâm.

Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Phú Xuyên Nguyễn Kim Tinh cho biết: “Trong năm 2022, huyện phấn đấu có 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Để góp phần đạt được mục tiêu này, các cấp Hội Người cao tuổi sẽ tích cực tham gia các mô hình tự quản ở địa phương. Trong đó, tập trung hiến kế và tự nguyện đóng góp nguồn lực xây dựng giao thông nội đồng, giao thông nông thôn”.

Tại huyện Gia Lâm, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Dung chia sẻ, các cấp hội của huyện sẽ vận động cán bộ, hội viên tích cực thực hiện tốt 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phối hợp thực hiện công tác giám sát thực hiện quy chế dân chủ, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, góp phần giữ vững an ninh, chính trị ở địa phương.

Với sự tham gia tích cực trong xây dựng nông thôn mới, người cao tuổi Thủ đô đã và đang chung sức làm thay đổi diện mạo nhiều vùng quê ngoại thành, góp phần đưa Hà Nội trở thành đơn vị đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cao tuổi góp tay xây dựng nông thôn mới