“Nâng chất” đầu tư, sử dụng nhà văn hóa thôn

Bài và ảnh: Mạnh Dũng| 19/06/2022 06:04

(HNNN) - Gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Thành phố Hà Nội đã quan tâm đầu tư, nâng cấp hàng nghìn nhà văn hóa ở khắp các thôn, tổ dân phố khu vực ngoại thành... nhằm đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, hiện vẫn còn một số nơi chưa có nhà văn hóa; một số nhà văn hóa được đầu tư, sử dụng nhiều năm đã xuống cấp; nhiều công trình chưa được khai thác hết công năng...

Tuy chỉ hơn 200 hộ dân nhưng xóm chài Vạn Thắng Lợi (xã Hồng Hà) cũng được Thành phố quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang.

97% thôn, tổ dân phố ở ngoại thành đã có nhà văn hóa

Chiều nào khuôn viên nhà văn hóa thôn 9, xã Ba Trại (huyện Ba Vì) cũng có rất đông người tới rèn luyện thể dục, thể thao. Ông Bạch Công Tuyến, một người dân địa phương cho biết, ông đã chơi bóng chuyền hơi tại đây được 5 năm kể từ khi có nhà văn hóa. Là xã miền núi có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, nhà văn hóa không chỉ là địa chỉ thể thao mà còn là nơi tổ chức hoạt động văn nghệ, bà con rất phấn khởi.

Tương tự, tại xã Đại Áng (huyện Thanh Trì), gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến năm 2014, cả 4/4 thôn của xã đều được xây dựng nhà văn hóa. Bí thư Đảng ủy xã Đại Áng Trần Quốc Oai cho biết: Hội trường các nhà văn hóa được trang bị đầy đủ bàn ghế, hệ thống âm thanh, ánh sáng, quạt mát...; có tủ sách pháp luật, nhiều đầu báo và sân nhà văn hóa được trồng hoa, cây xanh, có ghế đá...

Tại thôn Mạch Tràng (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh), trước năm 2015 khi chưa có nhà văn hóa, mỗi khi tổ chức họp dân, lãnh đạo thôn đều phải mượn địa điểm tại đình. Từ khi có nhà văn hóa, đây không chỉ là nơi diễn ra các cuộc họp mà thôn còn thành lập được các câu lạc bộ như hát chèo, dưỡng sinh, cầu lông... sinh hoạt thường xuyên tại nhà văn hóa.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, những năm qua, Thành phố đã dành nguồn lực lớn đầu tư xây dựng mới, tu sửa, cải tạo các thiết chế văn hóa. Riêng trong 2 năm 2020 và 2021, Thành phố đã hỗ trợ 317,5 tỷ đồng xây dựng 127 nhà văn hóa ở các thôn, tổ dân phố. Đến nay, Hà Nội có tổng số 136/579 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao (đạt tỷ lệ 24%). Còn với quy mô thôn, toàn thành phố có 4.277/5.394 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa/ điểm sinh hoạt cộng đồng, đạt tỷ lệ 79,3%, trong đó riêng khu vực ngoại thành có 2.283/2.353 thôn có nhà văn hóa, đạt 97%.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, cơ bản các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố ở ngoại thành đều có hội trường, sân khấu, trang thiết bị thiết yếu và do diện tích lớn hơn khu vực nội thành nên xây dựng được nhiều công trình phụ trợ (khu vệ sinh, nhà xe, sân thể thao...). Không chỉ là nơi hội họp, nhà văn hóa còn là nơi luyện tập, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, liên hoan văn nghệ quần chúng; giao lưu thi đấu thể dục thể thao, phòng đọc sách, nơi niêm yết tài liệu thực hiện quy chế dân chủ... Một số nhà văn hóa thôn, tổ dân phố còn hỗ trợ người dân tổ chức lễ cưới, mở các lớp tập luyện thể thao như yoga, bóng bàn, cờ tướng... Nhiều nhà văn hóa có dụng cụ thể thao ngoài trời.

Nhà văn hóa thôn Nam Võng Ngoại (xã Võng Xuyên) được đầu tư đã lâu, diện tích nhỏ, hẹp nên hạn chế trong các hoạt động sinh hoạt đông người.

Còn nhiều hạn chế

Mặc dù đã được quan tâm đầu tư song hiện nay Hà Nội vẫn còn một số nơi chưa có nhà văn hóa. Nhiều nhà văn hóa của các thôn, làng chưa đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do các công trình này xây dựng đã lâu, diện tích nhỏ hẹp hoặc xuống cấp. Bên cạnh đó, việc khai thác các công trình cũng là vấn đề cần bàn khi không ít nhà văn hóa mới chỉ dành cho hội họp là chính, rất ít hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ, toàn huyện có 159/163 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, trong đó có 101 nhà văn hóa xây dựng trước năm 2010, nay đã xuống cấp hoặc quy mô nhỏ, không đáp ứng tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... Huyện Phúc Thọ đề nghị Thành phố bố trí kinh phí cho địa phương đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các thiết chế văn hóa cấp huyện, các trung tâm văn hóa cấp xã, nhà văn hóa thôn bị hư hỏng, xuống cấp; tạo cơ chế hỗ trợ những người làm công tác quản lý thiết chế văn hóa thôn...

Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về công tác đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 mới đây cũng chỉ rõ: Còn một số xã, phường, thôn, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa. Nhiều nhà văn hóa có diện tích khuôn viên nhỏ, không đủ điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao lớn. Trang thiết bị, điều kiện cơ sở vật chất của nhiều nhà văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ về chủng loại cũng như chất lượng; nhiều nơi không có ti vi, không đủ bàn ghế phục vụ hội họp; tủ sách của nhà văn hóa đều được trang bị nhưng chủ yếu là sách về pháp luật; số lượng đầu sách ít, không được luân chuyển thường xuyên; hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố chưa đồng đều. Ở nhiều nơi, nội dung sinh hoạt còn đơn điệu, nghèo nàn... Cán bộ làm công tác quản lý, tổ chức hoạt động nhà văn hóa cấp xã, khu sinh hoạt cộng đồng đều kiêm nhiệm, hầu hết chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ hoặc quản lý văn hóa, vì vậy, tổ chức hoạt động nhà văn hóa chủ yếu dựa trên kinh nghiệm. Tính linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức và xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chưa rõ nét. Cán bộ làm công tác quản lý, tổ chức hoạt động nhà văn hóa thôn, cụm, tổ không được chi trả chế độ thù lao; cơ chế chính sách bảo đảm cho hoạt động thường xuyên của nhà văn hóa còn bất cập. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện xã hội hóa nguồn kinh phí hoạt động của nhà văn hóa thôn/tổ dân phố chưa sâu rộng, hiệu quả thấp...

Tháo gỡ khó khăn

Phát huy kết quả tích cực, chủ động khắc phục hạn chế, UBND thành phố Hà Nội đã đề ra giải pháp: Tại các địa phương chưa có nhà văn hóa, thành phố yêu cầu các cơ sở liên quan và địa phương cần rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đầu tư phù hợp tiêu chuẩn, quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; dành quỹ đất trong các khu công nghiệp, khu đô thị mới để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân và người lao động. Thành phố tiếp tục chủ trương hỗ trợ kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu; có cơ chế hỗ trợ đối với hoạt động của nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn/tổ dân phố; có cơ chế hỗ trợ đội ngũ trực tiếp phụ trách các thiết chế văn hóa, thể thao ở thôn, tổ dân phố; xây dựng cơ chế phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.

Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, ông Nguyễn Thành Tuyên, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) cho rằng, các địa phương cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức phong phú, đa dạng các loại hình hoạt động tại nhà văn hóa. Trong đó, cần chú trọng xây dựng các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí gắn với nhu cầu của nhân dân...

Là một trong những địa phương đạt kết quả cao trong đầu tư xây dựng và khai thác hoạt động nhà văn hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng chia sẻ kinh nghiệm: Từ năm 2015, huyện Đan Phượng đã thí điểm thực hiện hỗ trợ chi hoạt động thường xuyên của nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Hiện nay, huyện chi mức hỗ trợ 6 - 8 triệu đồng/nhà văn hóa/năm tùy quy mô dân số từng thôn. Tính từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ 3,24 tỷ đồng cho các nhà văn hóa. Ngoài ra, các xã cũng chi thêm kinh phí trông nom cho bảo vệ, kinh phí cho Ban chủ nhiệm - nòng cốt trong phong trào văn hóa ở cơ sở... Tất cả đều nhằm tạo điều kiện cho các thôn, làng khai thác, sử dụng hiệu quả nhà văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nâng chất” đầu tư, sử dụng nhà văn hóa thôn