Tập trung xây dựng thương hiệu cho nông sản

Nguyễn Mai| 08/06/2022 07:25

(HNM) - Phúc Thọ là huyện nông nghiệp, được thành phố Hà Nội quy hoạch là "vành đai xanh" của Thủ đô. Từ lợi thế này, huyện Phúc Thọ đang định hướng người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung. Đặc biệt, huyện tập trung xây dựng thương hiệu cho nông sản, góp phần gia tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, như: Vùng sản xuất rau an toàn 480ha tại các xã Võng Xuyên, Thanh Đa, Thọ Lộc, Vân Phúc; 30ha bưởi sản xuất theo hướng VietGAP tại các xã Vân Hà, Hiệp Thuận; 15,2ha rau VietGAP tại các xã Xuân Đình, Hát Môn, Thanh Đa, Võng Xuyên, Thọ Lộc; 6ha chuối VietGAP tại xã Vân Nam. Cơ cấu cây trồng ngành Nông nghiệp của Phúc Thọ đang dần chuyển đổi theo hướng tích cực, giảm diện tích các vùng sản xuất lúa không hiệu quả sang trồng rau, hoa và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Cùng với việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, Phúc Thọ cũng đã xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực, từng bước hình thành chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn như: Bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, cà dầm tương, tương nếp Tam Hiệp…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết, huyện đã ban hành “Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo”. Theo đó, huyện có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như đưa giống mới năng suất cao vào thử nghiệm; hỗ trợ các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch...

Ngay trong vụ xuân năm 2022, nhiều mô hình mới đã được huyện hỗ trợ, khẳng định hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu (lúa VietGAP) quy mô 40ha tại xã Hát Môn; mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR225 sử dụng phân bón nano gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô 10ha tại xã Trạch Mỹ Lộc; mô hình chuyển đổi cơ cấu giống lúa đưa cơ giới hóa vào sản xuất tại xã Liên Hiệp, quy mô 70ha giống lúa TBR 225…

Bên cạnh cây lúa, những cây trồng chủ lực trên địa bàn như bưởi, hoa - cây cảnh… cũng được hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tại các xã: Hiệp Thuận, Hát Môn, Võng Xuyên, mô hình thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP đã được triển khai với quy mô 14ha. Phúc Thọ cũng xây dựng đề án phát triển làng nghề hoa - cây cảnh gắn với phát triển sinh thái, trải nghiệm tại xã Tích Giang và Đề án phát triển sản xuất hoa chất lượng cao xã Tam Thuấn… Huyện Phúc Thọ phấn đấu năm 2022, toàn huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 100ha…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, thời điểm này, Phúc Thọ đang thực hiện các bước để xây dựng nhãn hiệu tập thể Gạo Sông Hát và Gạo Sông Tích - là sản phẩm của 2 vùng trồng lúa chất lượng cao và là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: Rau an toàn Xuân Phú, thịt lợn an toàn Phúc Thọ… Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể nhằm nâng cao giá trị nông sản, mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung xây dựng thương hiệu cho nông sản