Nơi còn giữ nét đẹp làng quê

Bạch Thanh| 03/06/2022 06:34

(HNM) - Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nhưng ở nhiều nơi, người dân vẫn gìn giữ được nét đẹp nông thôn Việt với cảnh quan môi trường sống đậm chất làng quê. Thôn Hoàng Trung (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai) là một nơi như thế. Ở đây, dù diện mạo thôn xóm, chất lượng sống của người dân có nhiều đổi thay nhưng những nét đẹp văn hóa từ không gian kiến trúc, nếp nhà truyền thống đến tình làng, nghĩa xóm vẫn được lưu giữ, giúp đời sống người dân càng thêm thân thương, gần gũi.

Thôn Hoàng Trung (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai) khang trang, sạch đẹp, vẫn giữ được nét đẹp làng quê.

Lấp lánh những nét đẹp truyền thống

Ấn tượng đầu tiên khi đến thôn Hoàng Trung là phong cảnh làng quê vừa cổ kính, vừa hiện đại. Trong tâm thức mỗi người dân thôn Hoàng Trung, đình, chùa trong làng không chỉ là nơi thờ cúng, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng. Ông Đỗ Trung Bính - một người dân thôn Hoàng Trung nói với chúng tôi: "Đình, chùa ở Hoàng Trung đều tọa lạc trên thế đất đẹp, có nhiều cây xanh tỏa bóng mát..., là nơi thờ tự linh thiêng nhưng cũng vô cùng gần gũi của người dân nơi đây".

Một điều thú vị là ở thôn Hoàng Trung, xóm nào cũng còn giữ lại chiếc giếng cổ. Cùng với cây đa, mái đình, giếng nước không chỉ là biểu tượng của làng quê yên bình mà còn là nơi chứng kiến nhưng thăng trầm của làng quê từ thế hệ này qua thế hệ khác. Để có được hình ảnh cổ kính này, trong quá trình làm các công trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã bảo tồn, tôn tạo hệ thống giếng làng tại các xóm cũng như trong khuôn viên di tích lịch sử.

Đặc biệt, hiện thôn Hoàng Trung còn lưu giữ nhiều nếp nhà cổ có niên đại hàng trăm năm. Ông Nguyễn Ngọc Nhân, chủ một ngôi nhà cổ chia sẻ: "Ngôi nhà của gia đình được xây dựng từ năm 1906 với thiết kế 3 gian nhà chính và 2 gian chái là buồng. Qua thời gian, chúng tôi vẫn cố gắng giữ nguyên trạng ngôi nhà. Việc này không chỉ góp phần bảo tồn nét độc đáo, tinh tế trong kiến trúc nhà ở của ông cha, mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần vô giá cho thế hệ con cháu".

Trong cuộc sống hiện đại, người thôn Hoàng Trung chú trọng lối sống nghĩa tình, “bà con xa không bằng láng giềng gần”, "tối lửa tắt đèn có nhau", tình làng nghĩa xóm từ đó cũng càng thêm đầm ấm, gắn kết. Ông Đỗ Văn Phẩm - một người dân trong thôn cho biết: "Thôn Hoàng Trung có nghề làm giò chả rất phát triển. Người dân làm nghề khấm khá nhưng vì thế cũng bận rộn. Tuy nhiên, mỗi khi nhà ai có công có việc hiếu hỷ thì cả xóm cùng chung tay giúp đỡ. Chẳng cần gia đình có lời nhờ, ai cũng hiểu và tự giác đến giúp, không chỉ giảm chi phí thuê mướn mà tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt. Việc giúp qua giúp lại đã trở thành một "hương ước bất thành văn" thấm đượm nghĩa tình ở thôn quê".

Đến thôn Hoàng Trung, chúng tôi thấy lại cuộc sống thôn quê dân dã như quay ngược thời gian khi bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ mang chia cho nhau những thứ quà bình dị trong đời sống thường ngày. Bà Lê Thị Thuật - một người dân trong thôn nói: "Ít rau vườn nhà, ít hoa quả chín cây mang biếu hàng xóm, dù nhà nào cũng có nhưng là tấm lòng chia ngọt, sẻ bùi và cũng là cái cách để hàng xóm, láng giềng, anh em đến với nhau mỗi ngày".

Văn hóa là động lực phát triển làng quê

Bí thư chi bộ thôn Hoàng Trung Nguyễn Hồng Sơn nói với chúng tôi: "Phát huy nét đẹp cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, nhiều gia đình ở Hoàng Trung đã hiến đất, góp ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp đường nông thôn, nhà văn hóa, cải tạo ao, trồng cây xanh. Và, mỗi người dân đều có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tuân thủ nội quy, quy ước của làng; thường xuyên chăm sóc cây xanh để tạo không gian sáng, xanh, sạch, đẹp".

“Xác định văn hóa truyền thống là nền tảng, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong quá trình đô thị hóa, chính quyền và người dân đã nỗ lực giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống ở thôn Hoàng Trung như một viên ngọc quý của địa phương”, Chủ tịch UBND xã Hồng Dương Nguyễn Duy Hùng chia sẻ. Đáng nói, khi cuộc sống ngày một sung túc, nhiều gia đình đã dành hàng tỷ đồng để xây dựng những ngôi nhà mang đậm không gian làng quê với mái ngói đỏ, gốc mít, hàng rào bằng cây xanh... Những ngôi nhà cổ 100-200 năm tuổi bên những ngôi nhà mới xây tô đẹp thêm cho nhau. Cuộc sống mới hơn mỗi ngày nhưng vẫn gần gũi, thân quen.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, Thanh Oai là một trong những huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh. Theo thời gian, những mảnh vườn quê mướt xanh hoa trái, những ngôi nhà ngói cũ... ít dần đi. Trong bối cảnh đó, người dân thôn Hoàng Trung đã chú trọng gìn giữ văn hóa làng quê từ cảnh quan môi trường, kiến trúc nông thôn đến lối sống giàu tình nghĩa... qua đó góp phần kiến tạo những miền quê đáng sống. Cũng như thôn Hoàng Trung, nhiều thôn, làng ở Thanh Oai như Ước Lễ, Cự Đà, Canh Hoạch… đã, đang bảo tồn được nét đẹp truyền thống từ những công trình như đình, chùa, giếng... và xây mới những ngôi nhà mang đậm phong cách kiến trúc nông thôn. Đó là điều đáng quý, đáng khích lệ và cần nhân rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi còn giữ nét đẹp làng quê