Đồng lòng, chung sức để sớm “về đích”

Nhật Minh| 01/05/2022 06:52

(HNMCT) - Sau bao nỗ lực vượt khó, đặc biệt là thời điểm chịu tác động không nhỏ của kinh tế và dịch Covid-19, xã An Phú (huyện Mỹ Đức), xã cuối cùng trong 14 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) Hà Nội, đã “cán đích” Nông thôn mới (NTM) ngay từ đầu năm 2022. Chặng 1 của hành trình xây dựng NTM khép lại bằng sự thay da đổi thịt rõ nét nơi thôn bản, để chặng 2 mở ra với lời hẹn ở “đích” NTM nâng cao.

Đa dạng sinh kế cho đồng bào DTTS huyện Ba Vì. Ảnh: Lâm Nguyễn

Diện mạo xã DTTS cuối cùng về đích NTM

Xã An Phú - một trong 14 địa phương vùng DTTS có nhiều khó khăn nhất của Thủ đô, là xã DTTS cuối cùng của Hà Nội về đích NTM . Nơi đây có gần 6.000 nhân khẩu là đồng bào Mường sinh sống tập trung, chiếm khoảng 65% tổng dân số của toàn xã.

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch UBND xã An Phú Bùi Văn Chuyện bày tỏ, hơn 10 năm trước, địa phương khởi động xây dựng NTM với chỉ... 1 tiêu chí đạt. Nếu về An Phú chừng 10 năm trước, có thể nhận ra ngay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu đồng bộ, địa hình phức tạp, đất đai manh mún khiến bà con chất chồng khó khăn để phát triển sản xuất. Vì thế, thời điểm năm 2012, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt hơn 6,6 triệu đồng/năm, mà cứ 10 hộ dân thì có khoảng 3 hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo khoảng 27%).

An Phú chỉ thực sự đổi thay khi chính sách dân tộc được triển khai đến nơi này. Trong hành trình 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020, Chương trình số 04-CTr/TU giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội, khoảng 514 tỷ đồng đã được huy động để hỗ trợ địa phương xây dựng NTM. Đáng nói hơn cả là dù đời sống còn nhiều khó khăn song đồng bào các dân tộc An Phú vẫn đồng lòng chung tay đóng góp sức người, sức của quy đổi trị giá hơn 5 tỷ đồng để hiện thực hóa chương trình.

Giờ thì An Phú đã thay da đổi thịt, khác hẳn khi xưa. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp ngày một đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 55 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, hiện còn khoảng 1,7%. Thành quả đó hơn ai hết bà con dân bản chính là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất. Bà Nguyễn Thị Huê (người Mường, ở thôn Gốc Báng) chia sẻ: “Sống một đời nơi mảnh đất giáp ranh tỉnh Hòa Bình, chưa khi nào chúng tôi cảm nhận thấy diện mạo quê hương đổi thay như hôm nay. Chúng tôi mong sự đổi thay về cơ sở hạ tầng sẽ đi cùng những chuyển biến về kinh tế - xã hội, để đời sống đồng bào tiếp tục được cải thiện”.

Công cuộc xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp vùng DTTS Thủ đô, làm bừng lên sức sống nơi các thôn bản gieo neo dạo nào. Thông tin An Phú đủ điều kiện về đích NTM không khác gì tiếng chiêng âm vang báo hiệu tin mừng: Vùng DTTS và miền núi Thủ đô đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Xã khó khăn như An Phú còn chuyển mình như vậy thì các xã miền núi khác của Thủ đô chắc chắn còn khang trang hơn trước nhiều. Ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội cho biết: “Nguồn lực đầu tư lớn đã góp phần thay đổi căn bản diện mạo và đời sống kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi của Thủ đô. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng bình quân hằng năm tăng 12%. Thu nhập đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 0,69%...”.

Tự tin tới đích NTM nâng cao  

Các tiêu chí đạt được trong quá trình xây dựng NTM là nền tảng vững chắc để 14 xã vùng DTTS tự tin thực hiện các tiêu chí nâng cao. Thời gian trước, với Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018 - 2020 mà UBND thành phố Hà Nội ban hành, một số xã vùng DTTS về đích trước đã bước vào chặng 2 bằng việc đăng ký thực hiện, ví dụ như xã Ba Trại (huyện Ba Vì). Tuy nhiên, ngày 8-3-2022 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 318/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Trong văn bản này có quy định cụ thể xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 là xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời đạt 19 tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 (bao gồm: Quy hoạch; Giao thông; Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; Điện; Giáo dục; Văn hóa; Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Nhà ở dân cư; Thu nhập; Nghèo đa chiều; Lao động; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Y tế; Hành chính công; Tiếp cận pháp luật; Môi trường; Chất lượng môi trường sống; Quốc phòng và An ninh). Với mỗi tiêu chí lại có quy định cụ thể về chỉ tiêu chung cũng như chỉ tiêu theo từng vùng.

Trong Hội nghị giao ban quý I/2022 của Ban chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” mới đây (ngày 13-4), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp xây dựng Bộ tiêu chí NTM các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính rà soát các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, các chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn...

Chính vì vậy, để tới đích NTM nâng cao, các xã vùng DTTS Thủ đô trước tiên cần tập trung vào 6 tiêu chí cơ bản để đưa ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, cần đầu tư, nâng cấp, cải tạo một số tuyến giao thông nông thôn, kênh mương, cơ sở vật chất các trường học, xây dựng nhà văn hóa và khu trung tâm thể thao xã, nhà truyền thống, khu giới thiệu sản phẩm làng nghề, cải tạo nâng cấp chợ, xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy. Song hành với đó, địa phương cần tăng cường liên doanh, liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo. Điều quan trọng nữa là tiến hành rà soát, đánh giá lại các tiêu chí NTM nâng cao, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên ban chỉ đạo phụ trách từng công việc cụ thể. Cấp ủy, chính quyền phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm thường xuyên theo sát đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cần tích cực tuyên truyền cho bà con dân bản hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM nâng cao, tăng cường huy động xã hội hóa nguồn lực, đóng góp của người dân và doanh nghiệp trong công tác xây dựng NTM.

Vậy là chặng 2 của hành trình xây dựng NTM ở các xã vùng DTTS Thủ đô đã mở ra với nhiều hứa hẹn cùng sự tự tin của các địa phương, bởi họ đã có trong tay nền tảng vững chãi được bồi đắp từ chặng 1. Lời hẹn ở "đích" NTM nâng cao đang tạo ra luồng không khí mới đầy phấn chấn trong bà con đồng bào DTTS. Đó chính là động lực quan trọng để bà con đồng lòng, chung sức hành động để có thể về đích NTM nâng cao trong thời gian sớm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng lòng, chung sức để sớm “về đích”