Hướng tới huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến

Nguyễn Mai| 25/02/2022 07:34

(HNM) - Sau khi hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới, Phúc Thọ tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng thành công huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến, có kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp, thực sự là miền quê đáng sống. Để thực hiện mục tiêu này, huyện Phúc Thọ đã triển khai nhiều giải pháp, đồng thời khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người dân nơi đây.

Diện mạo khang trang, sạch đẹp tại xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Minh phú

Vẫn còn nhiều thách thức

Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2014, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) đang nỗ lực hướng tới hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, góp phần xây dựng huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến. Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Lê Đình Bình thông tin, ngoài các tiêu chí về hạ tầng chủ yếu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, địa phương đã xã hội hóa được nguồn lực lớn từ nhân dân trong việc vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh… Do vậy, cảnh quan thôn, xóm ngày càng sạch đẹp, văn minh.

Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi của huyện Phúc Thọ đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển. Các tuyến đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn, xóm đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, bảo đảm xe cơ giới đi lại thuận tiện, dễ dàng vận chuyển hàng hóa, nông sản. Huyện có 20/20 xã được thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tháng 3-2021, Phúc Thọ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, Phúc Thọ vẫn là huyện thuần nông, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn, đến hết năm 2021 toàn huyện mới chỉ có hơn 700 doanh nghiệp với quy mô nhỏ, siêu nhỏ và thiếu tính liên kết. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc còn thụ động, thiếu nhiệt huyết, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công việc chưa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Tạo động lực mới cho nông thôn mới

Để phát triển nhanh và đúng hướng, trong giai đoạn tới, bên cạnh sự quan tâm của thành phố, huyện Phúc Thọ xác định sẽ phát huy nội lực, khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là nguồn nhân lực.

“Huyện Phúc Thọ đã xây dựng và triển khai Đề án “Phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người Phúc Thọ”. Từ đây, sớm xây dựng thành công huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến, có kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp, thực sự là miền quê đáng sống…”, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết.

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phúc Thọ Lê Tiến Hải, đề án đã xác định một số chỉ tiêu chính như: Đến 2025, hoàn thành việc xây dựng quy hoạch chung của huyện, quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã, thị trấn; tái cơ cấu kinh tế, hình thành 3 vùng phát triển gồm vùng đô thị sinh thái, vùng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và vùng nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại làm động lực phát triển kinh tế vùng huyện; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 80%; xây dựng 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; từng bước xây dựng huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến… Tốc độ tăng tổng giá trị các sản phẩm chủ yếu giai đoạn 2020-2025 là 9%/năm; trong đó công nghiệp tăng 10%/năm; thương mại dịch vụ tăng 10%/năm; nông nghiệp tăng 4%/năm; thu nhập bình quân đến năm 2025 đạt 85 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn dưới 1%…

Để thực hiện mục tiêu đó, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết: Đối với kinh tế nông nghiệp, huyện sẽ xây dựng ý thức tự giác, trách nhiệm xã hội của người dân trong việc sản xuất, chăn nuôi an toàn; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, Phúc Thọ sẽ phát triển các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao; xây dựng nhãn hàng tập thể cho sản phẩm nông sản chủ lực, thương hiệu nông sản Phúc Thọ sạch, an toàn.

Mặt khác, Phúc Thọ sẽ triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “3 sạch”, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào “Đẹp nhà, sạch ngõ, xanh làng”, “Đường có hoa, nhà có số, ngõ có tên”; xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu…; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần của địa phương, xây dựng người Phúc Thọ thanh lịch, văn minh, nhân ái, hiếu khách.

Đề án “Phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người Phúc Thọ” đang được triển khai với quyết tâm mạnh mẽ, qua đó chắc chắn tạo động lực mới đưa Phúc Thọ sớm về đích huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến