Nâng cao giá trị chè an toàn Bắc Sơn

Hoàng Sơn| 26/01/2022 07:18

(HNM) - Những năm gần đây, cùng với chuyển đổi cơ cấu giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, các hộ trồng chè ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) còn đầu tư khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè an toàn. Nhờ vậy, chè Bắc Sơn đã có thương hiệu trên thị trường và được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị cây trồng và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Thu hoạch chè an toàn tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Đức Duy

Thoăn thoắt hái những búp chè xanh cho vào bao, chị Nguyễn Thị Bình ở xã Bắc Sơn chia sẻ, gia đình chị gắn bó với nghề trồng chè từ vài chục năm nay. Trước đây, gia đình chị trồng giống chè Trung du. Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp Hà Nội, gia đình chị Bình chuyển sang trồng giống chè cành cho năng suất, chất lượng cao hơn. 4 sào chè của gia đình chị Bình đang sản xuất theo quy trình VietGAP, được kiểm soát từ việc bón phân tới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mỗi năm xuất bán ra thị trường 160-180kg chè sạch, giá bán 200.000-400.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi 50 triệu đồng/năm...

Theo Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Bắc Sơn Đào Thị Quý, với lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu ở Bắc Sơn thuận lợi cho phát triển cây chè nên loại cây trồng này đang được coi là thế mạnh của địa phương. Hiện, toàn xã duy trì ổn định gần 300ha chè, trong đó, phần lớn là giống chè mới có năng suất, chất lượng cao hơn các giống cũ.

Đặc biệt, từ năm 2012, người dân xã Bắc Sơn được hướng dẫn quy trình sản xuất chè theo hướng VietGAP, qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. Từ năm 2019, với việc chè Bắc Sơn được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm, việc quản lý và tiêu thụ chè Bắc Sơn trên thị trường có nhiều thuận lợi, giá chè khô cao hơn so với trước đây. Thời điểm này, giá chè bán ra từ 200.000 đến 400.000 đồng/kg; giá trị kinh tế từ cây chè đạt 390-400 triệu đồng/ha/ năm. Qua đó, đời sống người dân vùng trồng chè không ngừng được cải thiện.

Khi có thương hiệu, sản phẩm chè an toàn Bắc Sơn được tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, để mở rộng thị trường tiêu thụ, theo bà Đào Thị Quý, các cấp, các ngành cần tăng cường hỗ trợ quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại…

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Sóc Sơn đã lựa chọn và tập trung phát triển cây chè Bắc Sơn và trở thành thương hiệu mạnh của huyện Sóc Sơn và thành phố Hà Nội. Thời gian tới, Sóc Sơn tiếp tục xây dựng đề án hỗ trợ người trồng chè về kinh phí, tập huấn kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch, chế biến; đồng thời, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, thâm canh chè theo quy trình an toàn và VietGAP.

Cùng với đó, Sóc Sơn cũng tăng cường tìm đầu ra cho sản phẩm bằng việc phối hợp với các sở, ngành của thành phố tham gia chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho chè an toàn Bắc Sơn, tạo chỗ đứng vững trên thị trường. Đặc biệt, huyện Sóc Sơn cũng có chủ trương gắn phát triển sản xuất chè với du lịch sinh thái, văn hóa; từng bước hình thành chuỗi liên kết và chuỗi giá trị trong sản xuất chè nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Giai đoạn 2022-2025, UBND huyện Sóc Sơn sẽ tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè an toàn Bắc Sơn tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa phương và phù hợp định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị sinh thái của huyện Sóc Sơn trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao giá trị chè an toàn Bắc Sơn