Hiệu ứng từ các phong trào thi đua nơi thôn bản

Nhật Minh| 25/12/2021 06:50

(HNMCT) - Đến thăm các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Thủ đô hôm nay, chợt nhận ra phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã và đang hiện diện dấu ấn tích cực nơi các thôn bản nghèo dạo nào. Vượt lên những đặc thù của vùng đất khó, đồng bào đã nỗ lực đổi mới tư duy, phương pháp sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, ngành nghề để đuổi đói, xóa nghèo, cải thiện đời sống.

Đa dạng sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì. Ảnh: Lâm Nguyễn

Dìu nhau thoát nghèo

Nền tảng là các chính sách, nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Trung ương và Thành phố về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi Thủ đô, thêm sự đồng hành đầy nhiệt huyết của các cấp, ngành, phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã lan tỏa khắp 14 xã DTTS của 5 huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ. Bắt nhịp với phong trào thi đua toàn Thành phố, bà con dân bản đã tích cực hòa mình vào cộng đồng, nhiệt tình tham gia phong trào, góp phần làm thay đổi diện mạo thôn, xóm.

Có thể bắt gặp ở các bản làng nghèo dạo nào không khí hồ hởi của bà con trong phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Mỗi xã một sản phẩm”... Chính từ đây mà nhiều sản phẩm đặc trưng có giá trị kinh tế cao của các xã dân tộc miền núi huyện Ba Vì đã được “đặt tên” như: Thuốc nam của đồng bào Dao ở xã Ba Vì; miến dong Minh Hồng ở xã Minh Quang; cam, bưởi ở xã Khánh Thượng; chè ở xã Ba Trại; bò sữa ở xã Tản Lĩnh. Hay nói đến đồng bào DTTS huyện Thạch Thất là người ta nhớ thanh long ruột đỏ, hoa ở xã Yên Bình... Nhiều địa phương cũng xuất hiện các trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi, các loại cây, con đặc sản như rau sắng, dê núi, lợn mán mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống được khôi phục đáp ứng nhu cầu của người dân và một phần trở thành hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân các xã.

Bằng nhiều hình thức phong phú, cách làm sáng tạo, chất lượng các phong trào thi đua ngày càng được nâng cao, nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập và giúp đỡ các hộ nghèo, hộ gặp khó khăn về vốn, giống, kỹ thuật và vật tư... Điển hình như gia đình ông Bùi Văn Chung, dân tộc Mường, ở thôn Gò Đình Muôn, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì - một nhân tố tích cực trong phong trào làm kinh tế giỏi. Thu nhập bình quân đầu người của gia đình ông năm 2020 đạt 250 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 7 lao động. Năm 2013, ông được nhận Giấy chứng nhận Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Thành phố, năm 2017 được tặng danh hiệu Người tốt - Việc tốt cấp Thành phố.

Hay anh Nguyễn Viết Đăng, dân tộc Mường, ở thôn Đồng Ké, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn, vừa tham gia công tác xã hội, vừa phát triển kinh tế. Anh đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi lợn nái ngoại trên sàn giống CP, mang lại hiệu quả kinh tế cao; nhận thầu khoán 2,5ha diện tích đất xấu cải tạo thành hồ nuôi trồng thủy sản và nuôi lợn hướng nạc, nâng cao thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, anh còn giúp đỡ bằng tiền mặt, hiện vật cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế. Anh Lê Văn Tiến, dân tộc Mường, ở thôn Thanh Hà, xã An Phú, huyện Mỹ Đức cũng mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/người/năm. Đáng nói là anh đã tạo việc làm cho 10 - 12 lao động.

Tại Hội nghị biểu dương hộ gia đình làm kinh tế giỏi và hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trong đồng bào các DTTS của Thủ đô mới đây (ngày 30-11), ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội cho biết: Đến nay, vùng dân tộc, miền núi Thủ đô có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm trên 12%. Nếu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,7% thì năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,96%, trong đó 2 xã là Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai) không còn hộ nghèo; xã Ba Vì (huyện Ba Vì) giảm từ 48,51% (năm 2016) xuống còn 3,09% (năm 2020); xã An Phú (huyện Mỹ Đức) giảm từ 38,44% (năm 2016) xuống còn 1,78% (năm 2020). Thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Với việc thực hiện hiệu quả phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, ngày càng xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh tiêu biểu. Năm 2020, vùng dân tộc, miền núi có gần 5.000 hộ nông dân được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi.

Đóng góp của đồng bào DTTS trong phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” chính là một động lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; khu phố văn minh; sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và lao động; tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, chăm lo phát triển văn hóa - xã hội trên địa bàn, xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Phát triển kinh tế miền núi song song với bảo tồn bản sắc

Dù đời sống đã được cải thiện, song theo đánh giá của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, trình độ phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô, nhất là về mức sống của người dân, vẫn còn khoảng cách khá xa so với vùng đồng bằng, đô thị. Cơ cấu kinh tế tuy có tiến bộ nhưng sự chuyển dịch còn chậm, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Trình độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng nguy cơ tái nghèo ở một số xã còn cao. 

Để khắc phục những điểm yếu này, như Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, những năm qua, công tác dân tộc luôn được Hà Nội quan tâm. Hàng nghìn tỷ đồng đã được Thành phố đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, cơ sở y tế, giáo dục và hỗ trợ sản xuất cho đồng bào các xã DTTS và miền núi. Đặc biệt, tháng 11-2021, UBND thành phố tiếp tục ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với kinh phí đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng. Qua đó, Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này. “Việc triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch này sẽ góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS và miền núi, từ đó rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc miền núi và khu vực đồng bằng, đô thị của Thủ đô” - Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn nhấn mạnh tại hội nghị ngày 30-11.

Gợi ý cho Hà Nội trong việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho rằng, để vượt lên những khó khăn đang đặt ra trước mắt, Hà Nội nên tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trong đó, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ là đồng bào dân tộc; quan tâm, xây dựng các dự án phát triển vùng miền núi song song với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc...

Kế hoạch đã sẵn sàng, đường hướng thực hiện cũng được gợi mở, chắc chắn trong tương lai không xa, mơ ước rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng miền núi và vùng đồng bằng, đô thị sẽ được hiện thực hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu ứng từ các phong trào thi đua nơi thôn bản