Đổi thay ở huyện miền núi Ba Vì

Nguyễn Mai| 19/11/2021 07:20

(HNM) - Là một huyện khó khăn của Thủ đô với 7 xã vùng dân tộc, miền núi, vượt qua rất nhiều thách thức, đến nay, huyện Ba Vì đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp xã. Kết quả đạt được đã làm đổi thay diện mạo của làng quê, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nơi đây, giúp Ba Vì trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của thành phố. Đây cũng là tiền đề quan trọng để huyện Ba Vì phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới năm 2022.

Mô hình trồng cam tại xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Đã có 100% xã “về đích”

Khánh Thượng là xã miền núi xa nhất huyện Ba Vì với 50% dân số là đồng bào dân tộc ít người. Những năm trước đây, hạ tầng giao thông, điện, trường, trạm... đều khó khăn. Triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Khánh Thượng đã được đầu tư hơn 210 tỷ đồng. Nhờ đó, 100% đường liên xã, liên thôn của xã đã được bê tông; đường ngõ xóm được cứng hóa; 12 thôn của xã đều đã có nhà văn hóa, sân thể thao. Những mô hình phát triển kinh tế từ trồng rừng đến chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật... đã góp phần cải thiện đời sống người dân. Trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm, xã Khánh Thượng giảm được 95 hộ nghèo, hiện chỉ còn 38 hộ, chiếm 1,8%.

Không riêng Khánh Thượng, Cẩm Lĩnh là xã thuộc vùng đồi gò của huyện Ba Vì, đến hết tháng 9-2021 cũng đã huy động được tổng kinh phí hơn 113 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Ngoài vốn ngân sách nhà nước, người dân đã hiến 8.535m2 đất thổ cư, đất nông nghiệp để mở rộng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; đóng góp 3.000 ngày công và kiên cố hóa được hơn 15km đường ngõ xóm, xây dựng các công trình dân sinh trị giá khoảng 11,5 tỷ đồng, góp phần để Cẩm Lĩnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông, khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới cách đây 10 năm, Ba Vì gặp vô vàn khó khăn bởi xuất phát điểm các tiêu chí đều rất thấp. Đặc biệt, với 7 xã khu vực dân tộc miền núi, hạ tầng thiếu thốn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với nguồn lực đầu tư rất lớn từ ngân sách nhà nước và sự chung sức của người dân, mới đây, Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới của thành phố Hà Nội đã thẩm định kết quả xây dựng nông thôn mới 7/30 xã còn lại của huyện Ba Vì (Khánh Thượng, Tản Lĩnh, Cẩm Lĩnh, Cam Thượng, Vật Lại, Vạn Thắng và Đồng Thái). Kết quả, các xã trên đều đủ điều kiện để hoàn tất hồ sơ trình thành phố Hà Nội xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021. Kết quả này giúp huyện Ba Vì hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại 30/30 xã, chiếm 100% số xã.

Hướng đến huyện nông thôn mới

Để đạt mục tiêu huyện nông thôn mới, nhiều địa phương của huyện Ba Vì đang nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội. Bí thư Đảng ủy xã Yên Bài Nguyễn Việt Giao cho biết: Địa phương khai thác lợi thế nghề trồng chè thôn Phú Yên, trồng bưởi thôn Quảng Phúc, nghề chăn nuôi đà điểu... để xây dựng sản phẩm OCOP, giúp nâng cao thu nhập cho người dân để xây dựng nông thôn mới bền vững hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết: Căn cứ Bộ tiêu chí công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới của Trung ương giai đoạn 2016-2020 và hướng dẫn chấm điểm huyện đạt chuẩn nông thôn mới của thành phố Hà Nội đến năm 2021; dự thảo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đang được Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để đạt huyện nông thôn mới, Ba Vì phải hoàn thành 5 chỉ tiêu, gồm: Có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có ít nhất 10% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Tây Đằng đạt chuẩn văn minh đô thị; tỷ lệ hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới đạt 90% trở lên và 9 tiêu chí của huyện nông thôn mới.

Lần lượt thực hiện các chỉ tiêu, ngoài xã Phú Phương đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2021, đến năm 2022 huyện Ba Vì sẽ triển khai thêm ở 3 xã nữa là: Sơn Đà, Tản Hồng và Vạn Thắng. Với chỉ tiêu thị trấn Tây Đằng đạt chuẩn văn minh đô thị, huyện sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và hoàn thành các chỉ tiêu nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, các phong trào văn hóa, thể thao... của thị trấn với 8 dự án. Đối với 9 tiêu chí huyện nông thôn mới, Ba Vì xác định củng cố và duy trì 4 tiêu chí đã đạt (quy hoạch, điện, y tế - văn hóa - giáo dục, an ninh trật tự - hành chính); tiếp tục thực hiện 4 tiêu chí cơ bản đạt (giao thông, thủy lợi, kinh tế, chất lượng môi trường sống) và 1 tiêu chí chưa đạt (môi trường).

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Ba Vì mong muốn được thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng một số công trình, dự án để đạt tiêu chí huyện nông thôn mới với tổng kinh phí 360 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí cho 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022; quan tâm, ưu tiên, tạo điều kiện hỗ trợ ngân sách huyện và xã để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2022.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay ở huyện miền núi Ba Vì