Một thuở giấy dầu

Nguyễn Minh Hoa| 29/10/2021 05:03

(HNMCT) - Giấy dầu, người lớn gọi thế nên trẻ con biết thế, chẳng phải giấy để viết, để gói mà là để lợp nhà, lợp bếp. Bây giờ hầu như không còn hiện hữu trong đời sống, nhưng có một thời giấy dầu quý lắm!

Làng quê giờ đã nông thôn mới, những ngôi nhà mái lợp rơm rạ hay giấy dầu chỉ còn trong ký ức. Ảnh: Bá Hoạt

Quãng vài chục năm trước, ở quê tôi họa hoằn lắm mới thấy giấy dầu trong quầy kim khí, phụ tùng xe đạp, cót ép... ở cửa hàng bách hóa huyện. Chỉ cán bộ, công nhân viên nhà nước mới được mua phân phối chứ nông dân thì khó mà kiếm được dăm mét giấy dầu. Cánh thoát ly “ăn gạo sổ, cày đường nhựa” đương nhiên không có ruộng để mà trông chờ mùa gặt có rơm rạ thay mái nhà mới nên được ưu tiên mua giấy dầu. Giấy dầu đen nhánh, khổ rộng, có cốt sợi lại tráng chất dẻo nhựa đường. Lợp mái rất nhanh và chữa (vá) chỗ thủng, dột cũng tốt. Mùa mưa bão, nếu góc nhà có cuộn giấy dầu thì thực sự yên tâm. 

Thời đó, cảnh nhà dột mùa mưa bão khá phổ biến, kể cả nhà mái ngói. Nhất là nhà nào gần bụi tre, cuống lá khô giắt vào khe ngói móc, nước theo đó mà vào, rồi khi bão lớn về, dăm viên ngói bò bị tốc, vài viên ngói móc bị xô, kênh, thế là trong nhà dột như ngoài sân. Không đủ xô chậu thì mang nồi xoong ra hứng. Có khi trên đình màn đặt hai cái chậu cũng chưa được ngủ yên, nước mưa vẫn bắn xuống mặt, lại phải trở dậy lót cái áo, cái quần vào trong chậu... Thấp thỏm, lục sục cả đêm, sớm hôm sau bắc thang trèo lên, tìm đúng chỗ viên ngói vỡ hoặc kênh, phủ lên đó tấm giấy dầu. Đấy là nhà nào có sẵn, còn nhà không có, ngoài cửa hàng cũng không nốt thì chỉ còn cách đi... vay giấy dầu để xử lý chỗ dột.

Lợp giấy dầu phải chằng buộc cẩn thận, không thì bão lớn gió to tốc bay cả mảng như chơi. Ngày ấy, so với những chất liệu lợp mái khác thì giấy dầu khá tiện và bền. Nhiều khi giấy đã cũ, bạc phếch vẫn trụ được. Tiện lợi là thế nhưng lợp giấy dầu thì mất nguồn nước mưa hứng giọt gianh. Nước mưa qua mái giấy dầu sẽ không còn tinh khiết, váng lấp lánh trong chậu, ai mà dám dùng, dẫu chỉ để giặt giũ. 

Nhà nông sẵn rơm rạ, cành khô, lá rụng ngoài vườn, chứ nhà cán bộ thoát ly tiếng là gạo sổ, dầu phiếu vẫn thiếu chất đốt. Thế nên khi thay tấm giấy dầu mới, dỡ tấm cũ mục xuống cũng chẳng dám vứt bỏ mà còn dùng để nhóm bếp. Giấy dầu dễ bén lửa nhưng khói mù, khét lẹt. Nhóm xong cái bếp thì từ đáy nồi cho đến quai cầm đã bị nhọ đen đặc quánh bao bọc, phải dùng tro trấu đánh cho bằng sạch mới thôi. 

Xưa nhà bà tôi lợp rạ, thường thì sau vài vụ lúa con cháu lại thay mái mới cho bà. Nhưng những năm cuối đời, như thể tiên lượng được điều gì đó bà không đồng ý cho thay. Bà bảo: “Ngộ nhỡ dỡ ra rồi u nằm xuống thì thế nào?”. Năm ấy, bác hai tôi nhờ mua được cuộn giấy dầu phủ mái đúng ngày hửng nắng sau bão. Mái phủ giấy dầu xong, ngôi nhà của bà như thấp hơn, buồn hơn và cũng có mùi lạ hơn chứ không thơm mùi rơm mới như mọi khi. Và cây hoa đơn đỏ ngoài bậc cửa năm ấy cằn hơn, ít hoa và bươm bướm cũng ít bay về hút nhụy hơn hẳn. Tôi nghĩ có lẽ do cây đơn không hợp nước mưa chảy qua mái lợp giấy dầu nên mới cằn đi như thế. Bà tôi hái hoa cúng bác cả, đôi mắt đục mờ, bàn tay nhăn nheo thận trọng xếp từng bông hoa màu đỏ vào đĩa. Bác cả tôi đi làm giao liên rồi nhập ngũ luôn. Hôm bác lên đường bà cứ bắt cầm theo cái nhẫn vàng, “để có yêu ai thì thay u trao nhẫn cho con dâu cả; hết giặc về cưới hỏi đàng hoàng”. Bác cả tôi khóc, nói: “Hợp ai, con về xây nhà gạch, cưới hỏi cả trăm mâm, lo gì. U cứ giữ lấy dự phòng, còn lo cho các em ăn học”. Bố tôi kể khiến mấy chị em thuộc làu chuyện ấy, chứ chúng tôi chỉ biết bác cả qua tấm ảnh truyền thần |người làng bên vẽ bác mặc áo cánh nâu, cổ tròn trên ban thờ mà thôi.

Bà tôi về trời vào một ngày đầu tháng ngâu. Trước đó hai ngày bà còn kể: “U nhớ anh cả. Hôm trước u mơ thấy nó về điếm đê làng mình đấy”. Hôm ấy, bà bận áo cánh nâu, khăn nhung vấn đẹp, thắp hương cho bác cả xong bà bảo mệt, nằm xuống phản nghỉ thế rồi đi luôn. Bà vào cõi tiên thật nhẹ nhàng, êm ái. Những bông đơn năm ấy đỏ thắm, đủ cúng bà cho đến tận ngày đưa bà lên chùa. Không hiểu sao dù mẹ tôi vẫn chắt nước gạo tưới cây như khi bà còn sống mà đến mùa đông năm ấy cây lụi dần rồi chết. 

Ba năm sau, cũng là hết vận áo xám, bác hai dỡ ngôi nhà cũ đi để xây nhà mới trên nền đất ấy. Các anh nhà bác đốt 2 lò gạch để lo xây nhà. Ngôi nhà lợp ngói, đổ hiên tây đẹp có tiếng trong làng. Bồn đất cạnh cửa trồng một cây đơn đỏ, chính tay bác hai xuống bãi chọn cho bằng được giống đơn bông nhỏ, sai hoa như cây đơn năm nào chứ không phải giống mới, hoa to như người ta vẫn chuộng. Cây đón nắng, cao vổng, mùa hè về là đơm hoa. Cứ nhìn cây tôi lại nhớ bà, nhớ ngôi nhà mái rạ, mái giấy dầu năm xưa. 

Làng tôi giờ đã nông thôn mới, nhà cao tầng mọc lên nhiều, mái bê tông hoặc lợp tôn màu hay mái ngói đỏ au. Còn sót nhà nào chưa lên tầng thì cũng lợp tôn, phibro xi măng. Chẳng còn trông thấy, thậm chí có lẽ cũng chẳng ai còn nhớ đến giấy dầu năm xưa nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một thuở giấy dầu