Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Đan Phượng

Đỗ Minh| 25/10/2021 07:49

(HNM) - Nhờ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, các hội viên, nông dân huyện Đan Phượng đã xây dựng thành công nhiều mô hình nông nghiệp sản xuất sạch, có hiệu quả kinh tế cao. Đây là kết quả tích cực từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân huyện Đan Phượng.

Tham quan mô hình trồng nho hạ đen tại huyện Đan Phượng.

Mô hình trồng rau hữu cơ công nghệ cao của ông Nguyễn Văn Cốp ở xã Thọ An (huyện Đan Phượng) những ngày này luôn có 12 lao động làm việc. Ông Nguyễn Văn Cốp cho biết, mô hình trồng rau hữu cơ công nghệ cao của gia đình có diện tích hơn 1,1ha với 20-30 nhà màng, nhà lưới được lắp đặt hiện đại. Mỗi năm, mô hình sản xuất rau hữu cơ của gia đình cho hiệu quả kinh tế hơn 700 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 20-30 lao động địa phương.

Còn ông Trần Văn Thắng (cùng xã Thọ An) lựa chọn mô hình nuôi bò thịt và trùn quế. Mô hình chăn nuôi của ông Thắng áp dụng công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường. Ông Trần Văn Thắng chia sẻ, hiện gia đình ông nuôi khoảng 500 con bò thịt và khu nuôi trùn quế, mỗi năm, gia đình thu về hơn 1 tỷ đồng. Khu chăn nuôi của gia đình được xây dựng với hệ thống xử lý môi trường bảo đảm an toàn cho chăn nuôi...

Những mô hình hiệu quả trên đều là kết quả tích cực từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân huyện Đan Phượng. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, giai đoạn 2019-2021, toàn huyện đã có 38.515 lượt hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất - kinh doanh giỏi từ cấp trung ương đến thành phố, huyện và cơ sở. Nhờ vậy, hội viên, nông dân đã chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Các mô hình đã có sự liên kết "4 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp), qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh cho các hộ nông dân. Điển hình như các mô hình: Bưởi tôm vàng Đan Phượng; chăn nuôi lợn ngoại; chăn nuôi gà; sản xuất nấm, mộc nhĩ; sản xuất rau an toàn; sản xuất bánh kẹo, đậu phụ; sản xuất mộc dân dụng và cao cấp…

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân huyện Đan Phượng còn tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình mới như: Mô hình trồng rau hữu cơ, rau an toàn tại các xã: Phương Đình, Đan Phượng, Song Phượng, Thọ Xuân; mô hình trồng bưởi tại các xã: Thượng Mỗ, Song Phượng, Tân Lập, Thọ Xuân, Phương Đình, Hạ Mỗ; mô hình trồng hoa lan tại xã Thọ An; mô hình trồng hoa đào tại các xã: Tân Lập, Hồng Hà; mô hình nuôi thỏ tại xã Phương Đình; mô hình chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học tại các xã: Trung Châu, Đan Phượng, Tân Lập…

Đánh giá về hoạt động của các cấp Hội Nông dân huyện Đan Phượng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng nhận xét: Trong 3 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã trở thành nòng cốt giúp địa bàn toàn huyện chuyển đổi được gần 300ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất chất lượng cao, hiệu quả. Điều đáng ghi nhận là những mô hình nhỏ của cá nhân, hội viên nông dân đã góp phần nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, liên kết theo chuỗi trên địa bàn.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình chuyển đổi, đầu tư hạ tầng, xây dựng vùng nông nghiệp quy mô lớn. Các mô hình nông nghiệp của Đan Phượng phải là những mô hình nông nghiệp thân thiện, bảo vệ môi trường và xây dựng Đan Phượng thành huyện nông thôn mới nâng cao...”, ông Nguyễn Hữu Hoàng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Đan Phượng