Hướng đi mới cho người dân trồng nhãn

Minh Phú| 29/09/2021 07:47

(HNM) - Đến nay, vụ nhãn muộn ở "thủ phủ" trồng nhãn của thành phố Hà Nội là xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) cơ bản hoàn tất. Mặc dù, thời điểm thu hoạch nhãn đúng lúc thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nhưng với sự năng động, mở các kênh tiêu thụ mới thay vì bán cho thương lái và bán tại chợ truyền thống, hàng nghìn tấn nhãn của xã đã được tiêu thụ. Đây không chỉ là giải pháp tình thế mà còn mở ra hướng đi mới cho người dân và chính quyền địa phương chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, vượt qua khó khăn.

Nông dân xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) thu hoạch nhãn chín muộn. Ảnh: Nguyễn Mai

Gia đình bà Trịnh Thị Mơ ở xóm 7, thôn Độ Tràng (xã Đại Thành) có hơn 6.200m2 trồng nhãn. Vụ nhãn muộn năm nay, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, gia đình bà đã thu hoạch xong. Tuy giá bán không cao như mọi năm nhưng trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, việc tiêu thụ hết sản phẩm và có lãi cũng là động lực lớn để các hộ tái đầu tư cho vụ nhãn mới.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành Trần Hữu Khoa, toàn xã có tổng diện tích đất nông nghiệp 210ha trồng nhãn (trong đó có 50ha sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP), bình quân sản lượng đạt 3.500-4.000 tấn/năm. Riêng năm 2021, sản lượng nhãn chín muộn của xã đạt hơn 3.000 tấn. Nhãn chín muộn Đại Thành có đặc điểm quả to, cùi dày, giòn, ráo nước, dễ tách, vị thơm, ngọt đậm, trung bình đạt 70-75 quả/kg, thời gian thu hoạch muộn so với giống nhãn đại trà khác khoảng 1 tháng (từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9 hằng năm). Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Những năm trước đây, sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Đối với thị trường trong nước, nhãn Đại Thành đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi với khối lượng hơn 100 tấn/vụ. Ngoài ra, sản phẩm được bán tại các chợ truyền thống. Tuy nhiên, năm 2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ rất khó khăn.

Trong cái khó ló cách làm hay, hướng đi mới, khi các cấp chính quyền cùng cả hệ thống chính trị của huyện Quốc Oai đã vào cuộc giúp nông dân tiêu thụ nhãn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, UBND huyện đã đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước của trung ương, thành phố Hà Nội, các đơn vị tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố quan tâm, tạo điều kiện kết nối để tiêu thụ sản phẩm nhãn chín muộn giúp nông dân. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn hỗ trợ tiêu thụ nhãn Đại Thành cho người dân địa phương. Ngoài ra, Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành tham gia các diễn đàn, bán sản phẩm trực tuyến đến người tiêu dùng. “Chỉ trong một buổi livestream bán hàng, tôi đã bán được 4 tấn nhãn cho xã viên. Từ đây, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn rất nhiều”, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành Trần Anh Khoa vui mừng cho biết.

Đến nay, xã Đại Thành đã cơ bản hoàn thành thu hoạch vụ nhãn chín muộn năm 2021. Những cách tiêu thụ sản phẩm mới trong thời gian qua đang là tiền đề để địa phương ổn định sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi mới cho người dân trồng nhãn