Làm giàu từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Quỳnh Dung| 24/09/2021 07:18

(HNM) - Trong những năm qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhờ đó, các hộ nông dân đã xây dựng được những mô hình kinh tế hiệu quả, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Trồng bưởi Diễn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ).

Hiện nay, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà người dân huyện Ứng Hòa có cuộc sống ổn định. Theo bà Nguyễn Thị Thủy ở xã Viên Nội, năm 2006, trên diện tích gần 1ha, gia đình đã tập trung cải tạo và trồng 500 cây bưởi Diễn. Năm 2013, xã Viên Nội có chủ trương dồn điền đổi thửa, gia đình dồn toàn bộ diện tích ruộng, mở rộng trang trại lên 1,5ha. Ngoài trồng bưởi, gia đình còn trồng thêm 100 cây nhãn chín sớm; tận dụng khoảng đất trống dưới tán cây để nuôi lợn rừng. Nhờ phát triển kinh tế trang trại tổng hợp chăn nuôi - trồng trọt, mỗi năm gia đình thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha.

Còn theo ông Phùng Văn Hà ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ): "Năm 2006, khi huyện Chương Mỹ có chính sách chuyển đổi diện tích đất canh tác thiếu nước sang trồng cây ăn quả, giai đoạn đầu, tôi chỉ dám trồng 200m² với 20 cây bưởi Diễn. Nhận thấy cây bưởi Diễn hợp chất đất này, tôi mạnh dạn đầu tư diện tích trồng bưởi lên 7ha như hiện nay, mỗi năm thu nhập 400-500 triệu đồng/ha"...

Đánh giá về hiệu quả của chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong xây dựng nông thôn mới, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 5-6 lần so với trồng lúa. Cùng với đó, Hà Nội đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả, vùng chăn nuôi... Trung bình, các mô hình chuyển đổi mang lại giá trị từ 330 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn gặp khó khăn như: Chất lượng nông sản chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất quy mô lớn chưa đồng bộ... Do đó, để nông dân thực sự làm giàu từ các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo ông Đỗ Huy Nghĩa ở xã Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ), ngành Nông nghiệp cần tham mưu thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân tại vùng chuyển đổi về xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực từng địa phương để phát huy giá trị.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện yêu cầu các xã, thị trấn lập quy hoạch chi tiết gồm: Diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng, vật nuôi để giám sát, theo dõi... Mặt khác, huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nâng cao tay nghề cho nông dân sản xuất theo hướng an toàn.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030, Hà Nội tiếp tục chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, rau màu... Ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục thực hiện tích tụ ruộng đất; thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với chế biến, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm giàu từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi