Khởi sắc ở miền quê Yên Bình

Ngọc Quỳnh| 17/09/2021 07:29

(HNM) - Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) ngày càng khởi sắc, giàu đẹp, văn minh, đời sống người dân thay đổi tích cực. Để có kết quả này, xã tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo ông Đào Xuân Hùng ở thôn Dân Lập (xã Yên Bình), trước đây người dân Yên Bình chỉ quen làm ruộng, trồng cây lúa, nhưng từ khi xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình ông trồng hơn 1ha bưởi Diễn. Sau nhiều năm, cây bưởi Diễn trở thành cây ăn quả mang lại giá trị cao cho gia đình ông nói riêng và người dân nơi đây nói chung, với thu nhập 300-500 triệu đồng/ha/năm.

Còn theo bà Triệu Thị Thu ở thôn 4 (cùng xã Yên Bình), trong những năm qua, Yên Bình xây dựng nông thôn mới nhưng không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn mà còn quan tâm đến đời sống tinh thần người dân. Do đó, giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường được giữ gìn và ngày một phát triển mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần cho biết: Năm 2015, xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, hiện trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xã không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà còn tuyên truyền, động viên người dân giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, tạo lập cuộc sống văn minh. Để duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là về môi trường, từ đầu năm 2021 đến nay, xã đã trồng hơn 13.000 cây ngũ sắc, 90 cây bàng Đài Loan, góp phần xây dựng các đoạn đường xanh - sạch - đẹp...

Đối với phát triển kinh tế, xã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, trên địa bàn xã có hơn 100ha trồng cây ăn quả như: Bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng… Ngoài ra, trên địa bàn xã có hơn 720ha rừng, trong đó rừng đặc dụng là 111ha, rừng sản xuất 608,9ha. Để nâng cao hiệu quả diện tích rừng, xã chuyển đổi sang mô hình nuôi 2.000 con gà Mía kết hợp trồng 10ha dổi, đạt hiệu quả kinh tế cao...

“Hiện, Yên Bình không chỉ được đầu tư về trường học, giao thông nông thôn, nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp mà đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, xã tiếp tục rà soát, nâng cao các tiêu chí để hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2023” - ông Nguyễn Giáp Dần nhấn mạnh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, thời gian qua, nông thôn mới xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) đã đổi mới, kinh tế - xã hội, văn hóa phát triển đồng bộ. Đặc biệt, xã Yên Bình tập trung xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa Mường. Ông Nguyễn Văn Chí cho rằng, thời gian tới, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, Yên Bình cần tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch văn hóa... qua đó, giúp người dân nơi đây tăng nguồn thu nhập, có điều kiện nâng cao chất lượng đời sống, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc ở miền quê Yên Bình