Cho ''vùng xanh'' thêm xanh

Bài và ảnh: Minh Phú| 16/09/2021 05:30

(HNNN) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội đã phải thực hiện giãn cách xã hội trong nhiều ngày qua. Trong thời gian này, mỗi thôn, làng ở ngoại thành Hà Nội đã thực sự trở thành những “pháo đài” chống dịch. Đặc biệt, kể từ ngày 6-9, khi Hà Nội bước vào đợt giãn cách mới, những “vùng xanh” ở khắp các xóm làng được tạo điều kiện thuận lợi để người dân vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển sản xuất, sẵn sàng cung ứng lương thực, thực phẩm cho thành phố.

Nông dân xã Song Phương (huyện Hoài Đức) thu hoạch rau màu.

“Pháo đài” vững chắc

Ngay từ ngày 23-7, khi Hà Nội bước vào đợt giãn cách xã hội đầu tiên, Chi bộ thôn Muỗi (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) đã họp, thống nhất triển khai kế hoạch thiết lập “vùng xanh” an toàn cho 6 khu dân cư của thôn, lập các chốt kiểm soát, không cho người lạ tự ý đi vào khu dân cư và hạn chế người từ trong ra ngoài khi không có việc cần thiết. Chi bộ thống nhất giao cho Tổ Covid cộng đồng của thôn làm nòng cốt, huy động người dân tham gia lập chốt, bố trí trực bảo vệ 24/24 giờ; tuyên truyền, vận động để mỗi người dân thực sự là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình là một “pháo đài” chống dịch...

Ông Lê Công Danh, Tổ trưởng Tổ Covid cộng đồng thôn Muỗi chia sẻ: Lực lượng tham gia trực chốt là trưởng khu, trưởng xóm, là người dân ở chính “vùng xanh”. Các chốt có phân công lịch trực rõ ràng, mỗi hộ dân trong khu vực tham gia một ca trực. Lực lượng tham gia trực chốt đều tự đảm bảo khẩu trang, nước xịt khuẩn, kính chống giọt bắn... để phòng dịch. Các trường hợp cố tình vi phạm hoặc chống đối sẽ được báo về số điện thoại đã được công bố của Sở chỉ huy và Công an xã để lập biên bản, xử phạt vi phạm theo quy định. Đến nay, trên địa bàn thôn không có trường hợp F0 nào, không có các trường hợp liên quan đến ổ dịch.

Không chỉ ở xã miền núi Yên Bài, những ngày giãn cách xã hội, với tinh thần thôn cách ly thôn; xã cách ly xã..., xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đã thiết lập 23 chốt kiểm soát tại các tuyến đường chính của xã, thôn, cụm dân cư và các chợ. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã huy động 80 cán bộ, hội viên tham gia trực tại các chốt.

Chị Nguyễn Thị Thủy, hội viên Chi hội 6 xã Hồng Hà, cho biết: “Tôi tham gia trực chốt tại dốc chợ Bá và được phân công trực theo ca, mỗi ca 6 tiếng. Công việc của tôi là đo thân nhiệt, hướng dẫn và kiểm tra phiếu đi chợ của người dân và các biện pháp phòng, chống dịch tại chợ đối với người bán và mua hàng”. Không chỉ tham gia trực chốt, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Hà còn đảm nhận nấu suất ăn đêm tặng các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các chốt và đội ngũ y bác sĩ tại trạm y tế xã. Chị Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Hà cho biết: “Chúng tôi tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quá trình chế biến cũng như phân phối suất ăn. Toàn bộ chi phí nấu ăn hơn 1 tháng qua đã được thực hiện từ nguồn xã hội hóa do nhân dân đóng góp”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, từ ngày 6-9, việc đi lại của người dân các xã “vùng xanh” trên địa bàn huyện đã thuận lợi hơn, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động trở lại. Tuy vậy, xác định dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, huyện Đan Phượng vẫn duy trì các chốt kiểm soát phòng, chống dịch ở các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố nhằm tăng cường kiểm tra, phát hiện các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, nghi mắc Covid-19; kiểm soát công dân đến từ vùng dịch, vùng đỏ thuộc Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch...

Chính sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức của người dân đã tạo nên sức mạnh để mỗi thôn làng trở thành một “pháo đài” chống dịch.

Một chốt bảo vệ “vùng xanh” ở huyện Đan Phượng.

Duy trì sản xuất an toàn, hiệu quả

Trong những ngày giãn cách xã hội, trên đồng bãi khu vực ngoại thành, rau màu vẫn lên xanh. Gia đình bà Nguyễn Thị Chỉ ở thôn 1, xã Song Phương (huyện Hoài Đức) ngày nào cũng có nông sản thu hoạch. Bà Chỉ cho biết: “Nhà tôi trồng mướp hương, cà tím, dưa chuột..., được chính quyền địa phương phát “phiếu đi làm đồng” để chăm sóc, thu hoạch rau hằng ngày. Do giãn cách xã hội, không đi chợ được nên toàn bộ nông sản của gia đình tôi và các gia đình khác đều được tập kết về ủy ban, cán bộ xã bán giúp”.

Được biết, huyện Hoài Đức đã thành lập Tổ điều phối các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ xã đến huyện. Sau 1 tháng hoạt động (từ ngày 4-8 đến 4-9), huyện Hoài Đức đã giúp nông dân tiêu thụ hơn 440 tấn rau các loại; hơn 118 tấn nhãn, ổi; 222.000 cây rau giống; 336.000 quả trứng gà, vịt... Sản phẩm thu hoạch tới đâu tiêu thụ tới đó, không có tình trạng ùn ứ hoặc phải bỏ ngoài đồng.

Phúc Thọ là huyện nằm hoàn toàn trong “vùng xanh” của thành phố. Có mặt tại một số nơi trên địa bàn huyện Phúc Thọ, dễ nhận thấy những ruộng lúa đã chín vàng, trĩu hạt, người dân đã bắt đầu thu hoạch lúa mùa. Tại xã Xuân Đình, việc gặt lúa được thực hiện bằng máy gặt đập liên hợp nên các hộ gia đình chỉ cử 1 - 2 người ra ruộng để nhận thóc về. Chính bởi vậy mà dù mỗi ngày cả xã thu hoạch được hàng chục héc ta lúa nhưng đồng ruộng cũng không đông người như khi gặt bằng tay.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ) Hồ Quốc Khánh cho biết: Vụ mùa 2021, xã Xuân Đình có 162ha lúa. Kế hoạch của xã sẽ gặt từ ngày 8 đến 15-9. Trước khi vào vụ gặt, xã đã triển khai đến 5 chủ máy, thống nhất giá gặt thuê để thông báo đến nhân dân. Xã cũng đã thống nhất với trưởng các thôn, thông báo đến nhân dân trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, mỗi gia đình chỉ cử 1 - 2 thành viên ra cùng với chủ máy gặt và mang thóc về nhà; đồng thời thực hiện nghiêm túc khẩu trang, và giữ khoảng cách trong quá trình làm việc.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, huyện chỉ đạo tập trung thu hoạch lúa vụ mùa, gặt đến đâu trồng ngay cây vụ đông đến đó, áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu, trồng gối với giống cây ưa ẩm như ngô, bí xanh, khoai lang; gieo đậu tương trên gốc rạ hoặc gieo vãi để bảo đảm khung thời vụ thích hợp với từng loại cây trồng; ưu tiên gieo trồng cây ưa ẩm, cây vụ đông sớm. Ngoài các chính sách hỗ trợ chung của thành phố, huyện Phúc Thọ dự kiến hỗ trợ 18ha trồng khoai tây giống mới tại các xã Long Xuyên, Hát Môn, Thọ Lộc, Trạch Mỹ Lộc và 50ha bí xanh, bí đỏ trên diện tích lúa mùa đã thu hoạch ở các xã khác.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều thách thức, gian nan trong hành trình chống dịch Covid-19 nhưng mỗi người dân ngoại thành đã và đang nỗ lực vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất hiệu quả để trở thành hậu phương vững chắc, góp phần bảo đảm nguồn cung nông sản cho thành phố.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho ''vùng xanh'' thêm xanh