Giúp sản phẩm làng nghề trụ vững trong khó khăn

Thanh Bạch| 30/08/2021 07:00

(HNM) - Thời gian qua, nhiều sản phẩm của làng nghề truyền thống gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, tuy nhiên, với sự nỗ lực của các nghệ nhân, chủ thể của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), không ít sản phẩm tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Điển hình, từ niềm đam mê với lụa tơ tằm truyền thống, nghệ nhân Phan Thị Thuận, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức nảy ra ý tưởng làm khẩu trang 3 lớp từ lụa tơ tằm, có tác dụng làm đẹp da; phòng, chống dịch Covid-19.

Bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức cho biết, để làm nên những chiếc khẩu trang từ lụa tơ tằm chất lượng tốt, việc nuôi tằm là khâu quan trọng nhất. Đặc biệt, tằm rất mẫn cảm với các điều kiện sống nên môi trường nuôi không có mùi hương liệu, không hóa chất; nếu không tằm sẽ bị chết. Khẩu trang tơ tằm được làm 3 lớp, lớp trong cùng làm từ những sợi tơ dệt bằng máy, lớp giữa là tấm kén phẳng tằm tự dệt trong vòng 10 giờ, lớp ngoài cùng là từ lụa thô từ kén phế. Với 3 lớp được tạo ra từ tơ tằm đã có sự khác biệt với những khẩu trang đang bán ngoài thị trường. "Khẩu trang không chỉ để tránh bụi bẩn hay phòng, chống dịch Covid-19 mà còn làm đẹp da, đặc biệt giúp người sử dụng thấm mồ hôi, cảm thấy dễ chịu", bà Thuận khẳng định.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn, hiện nay, các sản phẩm OCOP của huyện chủ yếu từ làng nghề truyền thống, như: Rượu mơ Hương Tích, bánh củ mài (xã Hương Sơn), các sản phẩm khăn bông (xã Phùng Xá)... Với những nỗ lực, sáng tạo không mệt mỏi, các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức vẫn trụ vững trên thị trường. Do các công đoạn sản xuất khẩu trang từ tơ tằm của đơn vị đều được làm thủ công nên mỗi ngày một người thợ chỉ có thể làm được 10 khẩu trang. Nhờ chất lượng, kiểu dáng vượt trội, mỗi chiếc khẩu trang được bán với giá 150.000 đồng/chiếc. Hy vọng, sản phẩm khẩu trang độc đáo này sẽ giúp cho nhiều nhân công của làng nghề có thêm việc làm và thu nhập trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Thời gian tới, huyện Mỹ Đức tiếp tục rà soát sản phẩm tiềm năng để hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP. Thông qua đó, giúp nhiều sản phẩm làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt, tạo nguồn thu nhập khá cho các hộ dân...

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng thông tin, thời gian qua, các sản phẩm "Khăn lụa tơ tằm", "Khăn lụa tơ sen", "Chăn bông tơ tằm tự dệt" của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đang được các cấp chuẩn bị công nhận sản phẩm OCOP 5 sao (sản phẩm cấp quốc gia - hạng cao nhất trong thang bậc đánh giá sản phẩm OCOP). Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ bị hạn chế nhưng với cách tiếp cận thị trường bằng các sản phẩm đặc thù như Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức là sự gợi mở cho nhiều làng nghề tìm cách vượt khó. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng  kỳ vọng, khẩu trang 3 lớp của công ty tiếp tục đạt sản phẩm OCOP 5 sao trong năm 2021 này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp sản phẩm làng nghề trụ vững trong khó khăn