Phát huy giá trị nhóm hàng làng nghề truyền thống

Đỗ Minh| 19/07/2021 07:26

(HNM) - Trên lộ trình trở thành quận, Đông Anh xác định việc phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những động lực quan trọng để phát huy thế mạnh của làng nghề và sản phẩm truyền thống có giá trị cao về kinh tế, văn hóa… Để đạt hiệu quả tốt, Đông Anh đặc biệt chú trọng việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm, phát huy tối đa giá trị từ nhóm ngành hàng này.

Sản xuất ống hút bằng nguyên liệu hữu cơ tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh).

Ông Lê Văn Tám, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng chia sẻ, với mong muốn tạo sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, hợp tác xã đã sản xuất ống hút làm từ rau, củ, quả với 100% nguyên liệu hữu cơ; dây chuyền sản xuất được chuẩn hóa nên bảo đảm về chất lượng; sản phẩm được đóng gói, có mã vạch đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Năm 2020, sản phẩm ống hút của hợp tác xã được công nhận sản phẩm OCOP “5 sao”, nhờ đó, hợp tác xã thuận lợi trong kết nối tiêu thụ tại nhiều siêu thị, nhà hàng trong nước và được xuất khẩu tới các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tương tự, đậu Võng La là sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng khắp cả nước. Ông Phan Văn Đạt, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Niên thôn Võng La (xã Võng La) cho hay, năm 2020, đậu Võng La được công nhận nhãn hiệu sản phẩm và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP “3 sao”. Có thương hiệu và được chứng nhận sản phẩm OCOP đã giúp hợp tác xã duy trì sản phẩm truyền thống, nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định đầu ra...

Thực tế, việc chứng nhận sản phẩm OCOP và được xếp hạng “sao” đã giúp các sản phẩm dễ dàng đến với người tiêu dùng bởi được công nhận cả về chất lượng và mẫu mã. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết, hiện Đông Anh có 100 sản phẩm OCOP, phấn đấu cuối năm 2021 có thêm 40 sản phẩm, nhiều sản phẩm OCOP “3 sao” của huyện đã được nâng hạng “4 sao”. Việc được công nhận sản phẩm OCOP đã khẳng định hướng phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm. Đặc biệt, chương trình đã giúp Đông Anh phát huy thế mạnh địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và là thương hiệu riêng của huyện.

Để phát triển thế mạnh từ các sản phẩm OCOP, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, Đông Anh triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối tiêu thụ cho nhóm sản phẩm này. Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, huyện đã đẩy mạnh sử dụng công nghệ điện tử trong tiêu thụ, quản lý các sản phẩm: Sử dụng mã hình QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn, gắn tem truy xuất cho hơn 600 sản phẩm các loại tại 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến...

Ngoài ra, huyện Đông Anh đã xây dựng Đề án “Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2020-2025”. Huyện dự kiến giai đoạn 2020-2025, khoảng 150 sản phẩm được lựa chọn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, 56 sản phẩm được lựa chọn là sản phẩm chủ lực của huyện. Để thực hiện tốt mục tiêu này, Đông Anh tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm đã được công nhận từ “3 sao” trở lên; hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ xúc tiến thương mại; phối hợp với đơn vị tư vấn và các xã, thị trấn triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị nhóm hàng làng nghề truyền thống