Phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại

Nguyễn Mai| 16/07/2021 06:28

(HNM) - Là huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, Đan Phượng đang triển khai song hành hai mục tiêu: Xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đạt các tiêu chí để trở thành quận trong tương lai gần. Giữ nếp làng trong nông thôn mới, phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại - đó là định hướng của cấp ủy, chính quyền huyện Đan Phượng trong công cuộc xây dựng quê hương.

Cổng làng Cổ Ngõa Hạ (xã Phương Đình) là một trong hơn 100 cổng làng trên địa bàn huyện Đan Phượng được xây dựng những năm gần đây.

Tạo dựng những không gian làng

Với những ngôi làng ven đô hiện nay, “tấc đất” đã trở thành “tấc vàng”, giữ được những ao, hồ rộng từ hàng trăm đến hàng nghìn mét vuông là cả câu chuyện... Thế nhưng về bất cứ xã nào ở huyện Đan Phượng, mọi người đều dễ dàng bắt gặp những ao, hồ được tôn tạo sạch đẹp.

Bí thư Chi bộ thôn Tháp Thượng (xã Song Phượng) Bùi Văn Trường cho biết: Tháp Thượng có một hồ nước rộng hàng nghìn mét vuông đã được kè cứng, dựng lan can, làm vỉa hè, trồng cây xanh và đặt những hàng ghế đá xung quanh... Còn theo Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Văn Đức, các thôn Tháp Thượng, Thống Nhất, Thu Quế và Thuận Thượng của Song Phượng đều có ao, hồ là không gian chung của cộng đồng và được cải tạo khang trang, xanh, sạch đẹp.

Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng Nguyễn Đông Hiếu, trước năm 2009, nhiều ao, hồ trên địa bàn huyện là những “ao tù nước đọng”, bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm, đổ phế thải, nước thải... Đến nay, ao làng tại các xã của Đan Phượng đã được kè cứng, không để nước thải sinh hoạt chảy vào; xung quanh ao có lan can, hàng cây bóng mát, đặt ghế đá, có điện chiếu sáng và các thiết bị tập thể dục ngoài trời...

Cổng làng - một nét văn hóa của làng quê Việt Nam cũng được huyện Đan Phượng khôi phục trong hành trình xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Văn Thông cho biết: Thôn Đông Khê (xã Đan Phượng) trước đây có cổng làng nhưng vào năm 1967 đã bị phá dỡ. Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, người dân địa phương đã họp bàn và quyết định xây lại cổng làng trên vị trí xưa. Từ đó, cổng làng thôn Đông Khê trở thành một biểu tượng thiêng liêng, không gian văn hóa của người dân nơi đây cũng như đón du khách đến tham quan.

Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đan Phượng Nguyễn Đức Thuận, Đan Phượng là vùng đất cổ, xưa kia, hầu hết thôn, làng đều có cổng làng. Trải qua thời gian, nhiều cổng làng đã bị phá bỏ. Hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Đan Phượng đã vận động cộng đồng cư dân dựng lại được hơn 100 cổng làng. Mỗi cổng làng có kiến trúc riêng gắn với nét văn hóa truyền thống đặc trưng của từng địa phương, song đều bảo đảm quy chuẩn thiết kế để xe cứu hỏa, xe cấp cứu có thể vào - ra một cách dễ dàng.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết: Đan Phượng đất chật, người đông. Ở một vùng quê có tốc độ đô thị hóa nhanh, nếu không có kế hoạch cụ thể, không thể gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống. Phát triển hài hòa văn hóa truyền thống trong không gian của một đô thị hiện đại trong tương lai là điều rất đáng bàn luận.

Bài học kinh nghiệm của huyện Đan Phượng là thực hiện tốt công tác quy hoạch, triển khai đồng bộ giải pháp tôn tạo các ao làng hiện có; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cùng với nguồn ngân sách của huyện, xã, Đan Phượng huy động xã hội hóa đầu tư cải tạo ao, hồ, sau đó bàn giao cho các hội, đoàn thể, thôn, xóm tự quản lý. Việc xây dựng cổng làng cũng như vậy, người dân các làng đã bàn bạc, thống nhất rất cao từ vị trí đến kiến trúc có sự kế thừa truyền thống lịch sử, văn hóa, đặc trưng riêng có của mỗi thôn làng.

Ngoài những công trình văn hóa, trên địa bàn Đan Phượng còn có các loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc là: Chèo tàu Tân Hội, hội diều Bá Giang, ca trù Thượng Mỗ - đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy hiệu quả trong đời sống phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của cộng đồng. Hoạt động trong lĩnh vực hát ca trù, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Minh Tam ở xã Thượng Mỗ dù đã 71 tuổi vẫn hằng ngày tâm huyết truyền nghề cho thế hệ trẻ trong làng với mong mỏi dòng nghệ thuật của quê hương tiếp tục chảy trong đời sống đương đại...

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định: Những công trình kiến trúc đặc sắc của làng; những giá trị văn hóa phi vật thể được bảo lưu, phát triển ở huyện Đan Phượng là minh chứng cho việc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong xây dựng nông thôn mới. Văn hóa nông thôn chính là khởi nguồn, là dòng chảy để mỗi người dân thêm yêu và cống hiến cho quê hương. Đây cũng là cơ sở để Đan Phượng hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và trở thành quận trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại