Sản xuất an toàn gắn với tiêu thụ thuận lợi tại Gia Lâm

Sơn Tùng| 25/06/2021 07:35

(HNM) - Huyện Gia Lâm là một trong những địa phương của Hà Nội có diện tích lớn chuyên canh rau, cây ăn quả với 1.688ha đủ điều kiện sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm; 264ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 7ha sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ. Để thúc đẩy sản xuất an toàn gắn với tiêu thụ thuận lợi, huyện cùng các hợp tác xã và người dân nỗ lực thực hiện nhiều cách làm hiệu quả.

Dây chuyền giết mổ gà khép kín theo công nghệ châu Âu tại Công ty cổ phần Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm).

Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm (xã Văn Đức) thành lập từ hơn một năm nay với 7 thành viên, số vốn ban đầu hơn 1 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ các loại rau sạch. Với phương thức “4 sạch” (giống sạch, đất sạch, nước sạch và canh tác sạch), Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm có hướng đi hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ tại “thủ phủ” rau an toàn Văn Đức.

Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm cho biết, với quy mô 1ha, hợp tác xã chia thành 3 trại sản xuất để có rau cung ứng cho thị trường thường xuyên. Ngoài bán hàng qua các kênh khác nhau, hợp tác xã còn có một cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm tại 243 Giang Cao, xã Bát Tràng. Thời gian tới, Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm tập trung phát triển theo hướng mở rộng quy mô diện tích lên 90.000m2, liên kết với các hộ nông dân, mở rộng thị trường tiêu thụ với nhiều phân khúc khách hàng.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Lan Vinh chia sẻ, công ty đã đầu tư dây chuyền giết mổ gà khép kín theo công nghệ châu Âu, công suất đạt hơn 3.000 con/ngày. Bên cạnh việc giết mổ gia cầm, công ty còn có sản phẩm giò gà, ruốc gà... được thị trường ưa chuộng và đã được cơ quan chức năng chứng nhận an toàn thực phẩm. Đơn vị đang nỗ lực xúc tiến thương mại, sớm đưa sản phẩm vào kênh siêu thị bán lẻ, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, những năm trước, “điểm nghẽn” trong kết nối, xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn huyện chủ yếu do chưa đồng đều về chất lượng. Nhiều hộ sản xuất tốt nhưng chưa hoàn thiện chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm. Để tháo gỡ, huyện tập trung quy hoạch vùng sản xuất theo quy trình VietGAP và hữu cơ, được các tổ chức, cơ quan chức năng chứng nhận. Trong khâu tiêu thụ, huyện khuyến khích các hợp tác xã tự hình thành các điểm bán hàng cố định, xây dựng thương hiệu, làm “bàn đạp” mở rộng thị trường. Nhờ đó đến nay, hầu hết nông sản an toàn, chất lượng cao của Gia Lâm tiêu thụ ổn định. Minh chứng trong các đợt dịch Covid-19 bùng phát, nông sản của huyện không phải “giải cứu”...

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi giá trị trên địa bàn huyện còn thấp; việc tiêu thụ nông sản an toàn còn một số vướng mắc do khâu kết nối thị trường chưa chuyên nghiệp.

Về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho rằng, phát triển nông nghiệp của Gia Lâm theo hướng tăng trưởng xanh, tăng cường sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, áp dụng khoa học công nghệ cao là phù hợp xu thế tất yếu của nông nghiệp Thủ đô. Các hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang chuyển dịch lớn, thích ứng với thị trường.

“Ngoài sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp trong các chương trình xúc tiến hỗ trợ tiêu thụ nông sản, quảng bá xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng, Gia Lâm cần quan tâm hơn đến hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã nông nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng...”, bà Hoàng Thị Huyền nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất an toàn gắn với tiêu thụ thuận lợi tại Gia Lâm